“Đã có hiện tượng các doanh nghiệp chịu lỗ, hạ giá bán bằng cách tăng mức chiết khấu, giảm cước vận tải, cho đại lý trả chậm để tiêu thụ được hàng… điều này đang rây rối loạn thị trường.” - Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam lên tiếng.
Doanh nghiệp kiện nhau bán phá giá
Chiều 27/10, Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành thép. Tại hội nghị, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp thội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, trong 10 tháng qua, sản xuất của ngành thép tuy giữ ổn định nhưng hiệu quả thấp, tồn kho tăng cao, tiêu thụ ngày càng chậm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống công nhân và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép.
Nếu như những năm trước, mức tiêu thụ khá, tồn kho của DN thép chỉ ở mức 250 – 300 nghìn tấn, nay đã lên tới hơn 500 nghìn tấn, mức rất đáng lo ngại trong bối cảnh lãi suất ở mức cao và doanh nghiệp thép phải vay vốn ngân hàng rất lớn.
Ông Cường cũng đưa ra dẫn chứng về giá sản xuất thép đang ở mức báo động. Cụ thể phôi thép hiện ở mức 14 triệu đồng/tấn, chi phí sản xuất (từ phôi cán ra thành phẩm) khoảng 1,5 triệu đồng/tấng. Nhưng để bán được trên thị trường 15,5 triệu đồng/tấn là rất khó khăn.
“Đã có hiện tượng các doanh nghiệp chịu lỗ, hạ giá bán bằng cách tăng mức chiết khấu, giảm cước vận tải, cho đại lý trả chậm để tiêu thụ được hàng… điều này đang rây rối loạn thị trường.” - ông Cường nói.
Nghiêm trọng hơn, việc này được VSA nhận định có thể sẽ là mầm mống cho các vụ kiện chống bán phá giá trong thời gian tới khi mà ngay trong chính nội bộ Hiệp hội đã có tình trạng kiện cáo cho là bán phá giá giữa Tổng công ty thép Việt Nam và Posco Việt Nam.
Về phía doanh nghiệp, đại diện công ty Posco Việt Nam cho rằng, trước chủ trương giảm thiểu các dự án đầu tư nhằm kiềm chế lạm phát của Chính phủ, các doanh nghiệp cố gắng xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài là điều tất yếu.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu hiện nay của các doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn do chính sách bảo hộ ngành công nghiệp của các thị trường sở tại. Điển hình như ngay trong khu vực ASEAN là Thái Lan, Indonesia…
“Trong khi đó, tại Việt Nam, Chính phủ lại chưa xem xét về thiết lập hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn tình trạng nhập khẩu thép chất lượng kém vào Việt Nam.” – vị đại diện này nói.
Đáng chú ý, ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát còn cảnh báo, không chỉ tiêu thụ thép trong nước giảm, suy thoái kinh tế thế giới đang trở lại khiến nhu cầu thép trên thế giới giảm, kéo giá thép giảm. Nguy cơ nhìn thấy là thép ngoại có thể tràn vào đẩy các DN thép trong nước vào tình thế khó khăn hơn do phải cạnh tranh với thép ngoại.
Doanh nghiệp phải tự cứu mình
Theo dự báo của cả lãnh đạo Vụ Công nghiệp nặng và Vụ thị trường trong nước của Bộ Công thương thì, năm nay đã khó khăn nhưng năm sau còn tiếp tục khó khăn hơn vì Chính phủ tiếp tục thắt chặt tín dụng, tăng trưởng GDP năm 2012 dự kiến sẽ chỉ khoảng từ 6 - 6,5% để kiểm soát CPI về dưới 1 con số.
Trong bối cảnh sức cầu chung sụt giảm, ngành thép không thể đứng ngoài lề. Chính vì vậy, để đối mặt với khó khăn này, các doanh nghiệp phải nỗ lực tự cứu mình bằng việc cắt giảm chi phí, hạ giá thành để cạnh tranh.
Vấn đề cũng đã được các doanh nghiệp xác định. Lãnh đạo tập đoàn Hòa Phát cho biết, giải pháp ứng phó với khó khăn của doanh nghiệp thép là tiết giảm sản lượng, tránh tồn kho để phải chịu chi phí vốn vay; đồng thời tiết kiệm các chi phí quản lý, năng lượng để tạo ra sản phẩm có giá thành cạnh tranh.
Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNStell) cũng đề nghị Chính phủ ưu tiên ngoại tệ cho ngành thép bởi thép cũng là mặt hàng phải thực hiện bình ổn giá, lại có vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang trông chờ vào việc Bộ Công thương cần tăng cường công tác giám sát thị trường, thông tin đúng, kịp thời, tránh tác động tiêu cực do nhiễu thông tin như DN phá sản, nợ xấu… dẫn đến có dư luận không tốt, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Về dài hạn, doanh nghiệp cũng đề xuất Bộ Công thương cần xem xét khả năng xây dựng phương án tái cấu trúc ngành thép. Đây là cơ hội để nhìn lại điểm mạnh, yếu để tái cấu trúc cho ngành hiệu quả hơn.
(Theo Dân trí)