Đồ đạc nội thất là phần cuối cùng để hoàn thiện một căn nhà. Đồ nội thất là những vật dụng cần thiết phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt của con người trong ngôi nhà đó như giường, tủ, bàn ghế… và cũng có tác dụng trang trí trong không gian nội thất.
Cũng có những đồ nội thất mang tính trang trí nhiều hơn như kệ, giá, đôn… Dù mục đích chính là sử dụng hay trang trí thì đồ nội thất cũng đòi hỏi giá trị thẩm mỹ nhất định. Từ trước tới nay, đồ nội thất trong nhà ở mặc nhiên được làm bằng chất liệu gỗ, và được gọi là đồ gỗ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay và xu hướng trong tương lai đồ gỗ đang vắng bóng dần, bởi được thay thế bằng nhiều chất liệu khác.
Đồ gỗ từ truyền thống tới hiện tại
Bài viết này chỉ giới hạn đồ gỗ và chất liệu gỗ trong phạm vi đồ đạc nội thất và các vật dụng phục vụ sinh hoạt trong nhà ở, không đề cập tới các vai trò khác của gỗ trong công trình xây dựng như làm kết cấu (cột, kèo, khung, mái…) hay các bộ phận của kiến trúc, gắn liền với kiến trúc (cửa đi, cửa sổ, cầu thang…). Đồ đạc nội thất được hiểu như những thứ rời, được kê sắp sau, có thể dịch chuyển và thay đổi dễ dàng; không liên quan đến quá trình xây dựng công trình nhà ở.
Chất liệu gỗ (tự nhiên) vốn là chất liệu chủ đạo của đồ đạc nội thất. Hầu như tất cả các đồ đạc, vật dụng trong nhà ở, phục vụ cho đời sống, sinh hoạt được làm bằng gỗ. Đó là giường, tủ, bàn, ghế; là giá sách, chạn bát, rương, hòm… Từ những đồ đạc chính, có kích thước lớn như giường, phản, tủ quần áo… cho tới những vật dụng nhỏ như chiếc ghế thấp để ngồi xổm, hay một chiếc cán búa cũng được làm bằng gỗ. Không khó để lý giải cho việc phổ biến chất liệu gỗ này.
Trước kia, gỗ là chất liệu dễ kiếm, dễ gia công sản xuất, không đòi hỏi những thiết bị sản xuất công nghệ cao, năng lượng điện; hay các vật liệu phụ trợ đặc biệt. Gỗ tự nhiên được khai thác chủ yếu ở rừng, song ở nông thôn, làng mạc gỗ cũng rất sẵn. Với những đồ nội thất trong nhà không nhất thiết phải dùng đến những loại gỗ quý, gỗ “tứ thiết” trong rừng; mà hoàn toàn có thể dùng những loại gỗ sẵn có trong vườn, ở nông thôn, đồng bằng như gỗ xoan, gỗ mít, gỗ xà cừ… Gắn cùng với tập tục sinh hoạt và phương thức sản xuất nông nghiệp, gỗ được tận dụng như một thứ chất đốt hữu ích, thân thiện với môi trường (phần phế liệu trong quá trình sản xuất; hay khi dỡ bỏ, thanh lý đồ).
Nếu với vai trò là chất liệu cho đồ đạc nội thất, không chịu những tác động tiêu cực của thời tiết, thì chất liệu gỗ nói chung rất bền, có thể có tuổi thọ hàng chục, thậm chí cả trăm năm. Ở góc độ khác, gỗ là chất liệu khá “lành”, phù hợp với việc sử dụng trong sinh hoạt gia đình; chất liệu gỗ cũng linh hoạt trong việc sửa chữa, thay đổi hay làm mới lại. Tất nhiên, gỗ cũng có nhược điểm nhất định, đó là bị côn trùng xâm hại (mối, mọt), và khả năng chịu cháy kém.
Đồ gỗ gắn liền với nghề mộc, một trong những ngành nghề thủ công truyền thống quan trọng từ xa xưa, có nhiều vai trò, ý nghĩa trong việc phát triển kinh tế, xã hội và có ảnh hưởng về văn hoá.
Tuy nhiên, hiện nay, chất liệu gỗ đã dần thưa vắng trong không gian nội thất. Đồ gỗ không chỉ dần vắng bóng trong những ngôi nhà mới ở đô thị, mà ngay cả ở nông thôn đồ gỗ cũng dần ít đi. Sự thưa vắng này phản ánh rõ nét nhiều mặt của xã hội, cả tiêu cực và tích cực. Dù thế nào thì đó cũng là một sự thật khách quan không thể phủ nhận. Đã có nhiều sự thay đổi tác động tới điều này.
Đồ gỗ vắng bóng dần và những nguyên nhân
– Nguồn gỗ giảm và có nguy cơ cạn kiệt: nguồn gỗ tự nhiên đang suy giảm và có nguy cơ cạn kiệt trên phạm vi toàn cầu. Sự gia tăng dân số, phát triển sản xuất đã làm giảm diện tích rừng đi đáng kể; rừng không kịp tái tạo theo cách tự nhiên cũng như nhân tạo. Điều đó đã làm giảm nguồn gỗ cho ngành xây dựng nói chung và việc sản xuất đồ đạc nội thất nói riêng. Nguồn gỗ giảm, vật liệu gỗ trở nên quý, hiếm nên giá thành cao là điều đương nhiên; hoặc nếu có từ nhập khẩu thì phải chịu thêm rất nhiều chi phí (vận chuyển, thuế…) và cuối cùng là sản phẩm cũng phải tăng giá theo. Đồ gỗ trở nên đắt, với một số loại gỗ tốt, gỗ quý đã trở thành hàng xa xỉ; giá rất cao và không phải lúc nào cũng có trên thị trường. Thế nên mới có chuyện “nhà giàu mới chơi gỗ”, vừa đúng, lại vừa mâu thuẫn với xu hướng kiến trúc – nội thất hiện đại.
Việc suy giảm nguồn nguyên liệu cũng có tác động tới vấn đề xã hội. Đó là đơn đặt hàng giảm đi (do nhà sản xuất không có khả năng cung ứng), nên lao động trong ngành dần dư thừa và chuyển nghề. Nhiều phường nghề, đội nghề mộc đã chuyển sang làm ở lĩnh vực khác, hoặc tay nghề cũng “yếu” dần, dẫn đến tình trạng “lụt nghề”. Cũng do giá thành của đồ gỗ cao nên người tiêu dùng đã cân nhắc chọn lựa sự phù hợp với túi tiền mình hơn là làm theo một thói quen, nghĩ theo một nếp quen là đồ nội thất phải làm bằng gỗ. Đã có rất nhiều sự thay thế…
– Xu hướng nội thất và kiến trúc hiện đại: xu hướng kiến trúc và nội thất hiện đại đã đẩy gỗ từ vị trí độc tôn xuống vị trí thấp hơn. Ở đây, chúng ta chưa bàn tới việc thay thế của những vật liệu khác dành cho gỗ – khi mà gỗ đang hiếm dần. Kiến trúc và nội thất hiện đại phóng khoáng hơn, thanh thoát, mới mẻ hơn và đòi hỏi nhiều công năng mới, đã cho thấy ít nhiều nhược điểm của gỗ. Sự phát triển của công nghệ, quy trình chế tạo các loại vật liệu mới theo hình thức công nghiệp thúc đẩy mạnh mẽ vào yếu tố này; góp phần ảnh hưởng tới vấn đề nội thất nói chung cũng như đồ đạc nội thất nói riêng. Gỗ không thể trong suốt và mỏng như kính, không thể thanh mảnh và bền chắc như inox, kim loại, gỗ cũng không thể êm như đệm bọc da… Với một số vấn đề thuộc về tập quán, khí hậu đã có máy móc và công nghệ hỗ trợ. Ví như có quan niệm cho rằng dùng sofa không phù hợp vì khí hậu nước ta nóng, nhưng hiện nay máy lạnh đã trở nên quá phổ biến.
Phong cách kiến trúc và nội thất có phần được thể hiện bởi chất liệu. Bởi lẽ đó, gỗ là một loại vật liệu truyền thống, quá quen thuộc – thậm chí nhàm chán, đã bị giảm bớt, nhường chỗ cho những vật liệu mới, thể hiện hơi thở mới, cảm xúc mới hơn của phong cách hiện đại. Một trong những đặc điểm của phong cách hiện đại là sự giảm bớt liều lượng vật chất trong không gian, hay “ít mà nói được nhiều”. Gỗ tự nhiên khó làm được điều đó, nếu so sánh với vật liệu kính hay kim loại vốn thanh mảnh và nhẹ nhàng (về mặt thị giác) hơn rất nhiều. Bởi vậy, nhiều công trình, nhiều chủ đầu tư không lựa chọn (hoặc giảm bớt) gỗ cho đồ nội thất, không phải là vì vấn đề kinh tế, không phải là không đủ tiền dùng chất liệu gỗ.
Những thay đổi của lối sống và quan điểm thẩm mỹ: cũng như xu hướng kiến trúc, nội thất thay đổi (thường được khởi xướng bởi những người đi tiên phong trong lĩnh vực sáng tạo, thiết kế); thì lối sống và quan niệm của người tiêu dùng cũng có sự thay đổi nhất định, kể cả khi không bị ảnh hưởng hay phụ thuộc vào những xu hướng kia. Chất liệu gỗ và đồ gỗ được sử dụng nhiều cũng chán, và về mặt thẩm mỹ nói chung, gỗ cho một màu nâu sẫm, không thể đa dạng về màu sắc. Chính vì vậy, khi tiếp cận với những vật liệu khác với sự đa dạng của chất cảm và sắc màu, người ta sẽ thấy mới mẻ hơn, thích thú hơn. Văn hoá tiêu dùng (do ảnh hưởng của cuộc sống công nghiệp và đô thị hoá) cũng khác, người ta dễ dàng chấp nhận và thích nghi với thứ đồ mua sẵn, sản xuất công nghiệp. Bây giờ, có thể thấy khi cần một chiếc ghế – nếu không phải là để bày biện trang trí, mà thuần tuý chỉ để ngồi, người ta chỉ cần ra chợ mua một chiếc ghế nhựa, mà không cần tới một xưởng mộc nào đặt đóng, hay tự đóng như những người đàn ông trong gia đình vẫn làm xưa kia. Bên cạnh đó, quan niệm về việc “ăn chắc mặc bền” cũng không nặng nề nữa, mức sống và kinh tế đi lên, cuộc sống cần sự linh hoạt nhiều hơn, nên sự “nhanh, tiện, rẻ” đã thay thế. Đồ đạc, cũng không cần phải tốt quá, khi nào không thích, hay hỏng thì bỏ, thay, mua cái mới.
Sự lên ngôi của những chất liệu khác
Sự lên ngôi của những loại vật liệu thay thế gỗ tự nhiên trong việc sản xuất đồ nội thất là điều tất yếu bởi cả hai lý do, nguồn vật liệu gỗ suy giảm và xu hướng hiện đại cùng vật liệu mới trong phong cách kiến trúc – nội thất. Đó là điều tất yếu có ý nghĩa tích cực.
Trước tiên, phải kể tới một loại vật liệu “anh em” với gỗ tự nhiên, đó là gỗ công nghiệp. Gỗ công nghiệp được cấu thành bởi chất liệu gỗ tự nhiên, nên có nhiều đặc điểm về kỹ thuật và thẩm mỹ gần với gỗ tự nhiên. Tuy gỗ công nghiệp cũng không thể bền chắc bằng gỗ tự nhiên nhưng có ưu điểm là nguồn cung dồi dào, mẫu mã đa dạng và giá thành nói chung rẻ hơn so với gỗ tự nhiên. Với đồ đạc nội thất, không chịu nhiều tác động tiêu cực của môi trường thì gỗ công nghiệp là sự thay thế phù hợp. Tuy nhiên, gỗ công nghiệp cũng không thể hoàn toàn thay thế gỗ tự nhiên trong đồ nội thất bởi gỗ công nghiệp được sản xuất dạng tấm, khả năng chịu uốn kém; nên khó làm được những cấu kiện chịu lực như khung xương. Gỗ công nghiệp phù hợp làm bề mặt của đồ nội thất. Ngoài ra, gỗ công nghiệp cũng khó làm được những chi tiết chạm khắc, soi gờ rãnh… như đồ truyền thống mang phong cách cổ điển. Sản phẩm đồ gỗ công nghiệp hoàn thiện có thể được dán veneer (một lớp gỗ tự nhiên mỏng), phun sơn PU giống như gỗ tự nhiên; cũng có thể được sơn gốc dầu với màu sắc đa dạng, hoặc dán laminate (một dạng hợp chất bao phủ) với nhiều mẫu mã, thậm chí cả hoa văn, hình ảnh.
Các loại vật liệu khác thường xuyên có mặt trong đồ nội thất là kính, kim loại (sắt sơn, inox), da (tự nhiên, công nghiệp), vải, vật liệu nhựa composite. Các loại sofa, bàn ăn, tủ kệ… theo phong cách nội thất hiện đại thường làm bằng những chất liệu này, cũng có thể kết hợp với gỗ tự nhiên, gỗ công nghiệp. Với các loại đồ dùng chất liệu này, đa phần được sản xuất công nghiệp hàng loạt, khác với lối sản xuất đồ gỗ truyền thống theo phương thức thủ công. Chính vì vậy, các sản phẩm có độ chính xác cao, đường nét chuẩn, đẹp, rất bắt mắt người tiêu dùng. Một số loại bề mặt như da, vải có thể lựa chọn màu sắc hoặc thay thế, hoặc một số đồ cùng kiểu có nhiều màu sơn khác nhau; linh hoạt cho lựa chọn cũng như sử dụng. Các loại đồ nội thất làm bằng chất liệu này thường đi kèm với nhiều phụ kiện kim khí riêng biệt. Sự phát triển của công nghệ vật liệu và công nghệ sản xuất đã đưa những đồ nội thất này cạnh tranh mạnh mẽ với đồ gỗ truyền thống, góp phần làm phong phú thị trường nội thất và có ảnh hưởng nhất định về quan niệm thẩm mỹ, thói quen của người tiêu dùng.
Một loại vật liệu khác, khá phổ biến, rẻ tiền cũng đang thay thế đồ gỗ truyền thống, đó là đồ nhựa. Đồ nhựa đa phần là các loại hàng đáp ứng nhu cầu sử dụng thuần tuý, không có nhiều giá trị thẩm mỹ, nhưng vẫn được ưa chuộng bởi rẻ, dễ mua, dễ vệ sinh, ít hỏng hóc bộ phận như đồ gỗ. Có thể thấy, phổ biến nhiều loại bàn ghế nhựa, thậm chí tủ, giá kệ bằng nhựa. Tất nhiên các loại vật liệu này có hình dáng và cấu tạo rất đơn giản, và độ bền cơ học kém, nhưng có ưu điểm gọn và rất nhẹ.
Đồ gỗ, liệu có hết thời?
Với sự “tấn công” mạnh mẽ của đồ nội thất có chất liệu, vật liệu mới; đồ gỗ truyền thống nói riêng và chất liệu gỗ tự nhiên nói chung liệu có hết thời? Câu trả lời là “không”! Mỗi loại vật liệu đều có ưu – nhược điểm nhất định; nhưng các loại vật liệu công nghiệp mới như kính, kim loại… không thể có ưu điểm “lành” như gỗ trong nội thất. Về mặt ngũ hành, gỗ thuộc hành mộc, dương nhưng lại có tính âm, cân bằng, rất phù hợp cho đồ nội thất nhà ở. Gỗ cho cảm giác an lành, ấm áp. Điều đó đã ăn sâu vào quan niệm nhiều người, qua nhiều thế hệ. Đồ kim loại, kính nếu nhiều quá sẽ cho cảm giác lạnh lẽo, bất an. Và trong nội thất nhà ở, các loại đồ sử dụng vật liệu mới này cũng chỉ nên có ở nơi phòng khách, bếp chứ lạm dụng trong phòng ngủ là không nên, và thực tế gỗ vẫn được ưa chuộng trong phòng ngủ, cho dù phong cách kiến trúc – nội thất có hiện đại đến mấy. Cũng không nên, không thể cho rằng sử dụng đồ gỗ là cổ điển, là cũ, là không hiện đại. Một không gian kiến trúc hiện đại vẫn có chỗ cho những đồ gỗ, chứ không nhất thiết phải là đồ hi-tech mới làm nên phong cách mới. Điều quan trọng là sự sáng tạo của người thiết kế và bàn tay sắp đặt của người chủ không gian.
Và nữa, bất thành văn; có những thứ phải bằng gỗ, nhất thiết là như thế; như cái bàn thờ.
(Theo Sài Gòn tiếp thị)