SearchNews

Thừa thép, sắt thép phế liệu vẫn sôi động

16/06/2011 14:03

Trong bối cảnh thị trường thép đang gặp khó với khủng hoảng thừa thì thị trường sắt thép phế vẫn phát triển sôi động nhưng cần có những biện pháp quản lí chặt chẽ hơn.

Trong bối cảnh thị trường thép đang gặp khó với khủng hoảng thừa thì thị trường sắt thép phế vẫn phát triển sôi động nhưng cần có những biện pháp quản lí chặt chẽ hơn.

Như Dothi.net đã có phân tích cụ thể, thị trường thép trong nước hiện nay đang gặp nhiều khó khăn với việc cán cân cung cầu mất cân đối kéo theo các hệ quả của cuộc khủng hoảng thừa. Tuy thế, thị trường sắt thép phế dường như chưa bị ảnh hưởng mạnh mẽ.

Nguồn phôi chưa đủ khiến sắt thép phế còn có nhu cầu cao

Nguyên liệu sản xuất thép như quặng sắt, than cốc, phôi, thép phế không phải thế mạnh của Việt Nam. Do đó nguồn cung nguyên liệu của ngành thép dựa nhiều vào nguồn nhập khẩu từ thị trường thế giới. Sau nhiều nỗ lực trong những năm gần đây, từ chỗ chỉ tự chủ được khoảng 30 % nhu cầu phôi thép, đến thời điểm hiện tại sản xuất phôi thép trong nước đã đáp ứng được 70 %. Do cung chưa đủ cầu nên thị trường phôi thép nói riêng chưa rơi sâu vào vòng xoáy khủng hoảng thừa. Giá phôi và các nguyên liệu đầu vào của ngành thép trên thị trường thế giới đều đang ổn định ở mức cao. Đây vẫn là điều kiện tốt cho ngành sắt thép phế (sử dụng để luyện phôi) phát triển.

Giá sắt thép phế trên thế giới cao tiếp tục thúc đẩy sắt thép phế trong nước

Đến hết tháng 5, theo số liệu từ Hiệp hội thép cung cấp giá thép phế không biến động nhiều. Tình hình nhập khẩu phế thép của Thổ Nhĩ Kỳ chưa có dấu hiệu tốt lên sau đợt giảm giá nhẹ giữa tháng 5. Mức giá giao dịch gần đây là 448USD/MT CFR loại HMS ½ 80:20 và 445 USD/MT CFR loại HMS 75:25. So với đầu tháng giảm chừng 10-15 USD/T. Nguồn thép phế từ Mỹ vẫn ổn định ở mức giá 465 USD/Tấn CFR loại HMS ½ 80:20. Nguồn thép phế từ CIS được chào giá 445÷ 450 USD/T CFR Thổ Nhĩ Kỳ loại (A­3). Thị trường thép phế nhập khẩu và Đông Nam Á vẫn tiếp tục trầm lắng, Trung Quốc vẫn giao dịch mức giá 480÷485 USD/T CFR nguồn từ Mỹ, loại HMS ½ 80:20 đã băm.

Thép phế chào bán vào Việt Nam như sau: Hàng tầu rời: 485-490USD/T CFR cảng Phú Mỹ. Hàng Container: 470-480 USD/T CFR cảng Hồ Chí Minh (HMS loại ½ 80:20).

Với mức giá sắt thép phế cao như hiện nay giá sắt thép phế trong nước vẫn giữ được ổn định, không bị áp lực giảm giá để cạnh tranh như thép xây dựng.

Đã có dấu hiệu khó khăn

Khi sản xuất thép xây dựng đi vào khủng hoảng thừa, lượng thép sản xuất có xu hướng giảm do các nhà máy có khả năng giảm công suất. Do đó, nguồn cầu nội địa không còn là “không đáy” như hiện nay.

Một biến động nữa cũng sẽ tác động không nhỏ tới thị trường sắt thép phế là giá quặng sắt đang có xu hướng giảm. Hiện giá quặng sắt loại 62% Fe vẫn ở mức khoảng 170-175 USD/MT CFR Trung Quốc. Khi giá quặng sắt giảm, các nhà sản xuất sẽ giảm thu mua sắt thép phế mà chuyển qua mua quặng sắt để giảm chi phí.

Thêm vào đó, từ trước tới nay, kênh thu mua sắt thép phế nội địa phụ thuộc nhiều vào mạng lưới thu mua lẻ. Thậm chí một mạng lưới thu mua sắt thép phế được tỏa ra đến từng ngõ ngách. Có hẳn những làng nghề sắt vụn, thép phế. Tuy vậy, nguồn thép phế thu mua lẻ này hiện có xu hướng sụt giảm. Do giá sắt thép phế phải cân đối với giá thép phế nhập mà các cơ sở thu mua lẻ nội địa hiện khó khăn trong việc chi trả cho các khâu trung gian. Những cơ sở có tiềm lực mạnh hơn thì tập trung thu mua loại sắt thép phế phương tiện, máy móc có khả năng sửa chữa lại để bán sản phẩm chứ không bán thép phế.

Một góc phố sắt thép vụn nổi tiếng ở Tề Lỗ - Yên Lạc - Vĩnh phúc. Ảnh MH

Với những biến động trên, thị trường sắt thép phế nội điện hiện vẫn ổn định song cần dè chừng nhiều nguy cơ tiềm ẩn đã hiện hữu.

Cần có cơ chế quản lí chặt chẽ hơn

Hiện nay ngành kinh doanh sắt thép phế trong nước còn thiếu nhiều quy định chặt chẽ về quản lí. Nhiều cơ sở kinh doanh tự phát, nhiều cơ sở tự phát hoặc chỉ xin phép của địa phương để xây dựng các lò luyện phôi. Việc làm này ít nhiều gây mất cân đối trong quản lí quy hoạch chung, đó là chưa kể sản phẩm của các lò trung tần trở xuống cho chất lượng phôi thép thấp, ảnh hường tới chất lượng thành phẩm.

Nên chăng, cũng cần định nghĩa lại thế nào là thép phế? Tình trạng mượn danh nghĩa thép phế, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu các hạng mục sản phẩm khác để tránh thuế đang diễn ra khá phổ biến, đòi hỏi một chính sách quản lí chặt chẽ hơn. Đặc biệt, cần có cơ chế quản lí, kiểm tra mạnh hơn trước thực trạng dính bẫy thép bẩn đang diễn ra hiện nay.

Ngoài ra, cần đặt vấn đề nghiêm túc về vấn đề sắt thép phế với bảo vệ môi trường. Vấn đề này có tác động trực tiếp tới đời sống sinh hoạt nhưng hiện nay còn bị bỏ ngỏ nhiều. Chỉ có quản lí chặt vấn đề môi trường cùng các tiêu chuẩn cụ thể mới tránh được khả năng biến Việt Nam thành thị trường sắt thép thải như nhiều chuyên gia từng cảnh báo.

Mạnh Hùng

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu