Trong trang trí nội thất, cần xem yếu tố nhìn ngắm, cảm thụ như là yêu cầu cần có để thoát khỏi thói quen “cân – đong – đo – đếm” về diện tích và chi phí. Những góc đẹp trong nhà đều có thể tính toán trước từ khi làm phần thô như tạo mảng miếng, chọn vật liệu, và cũng có thể dựa vào khả năng xếp đặt sau khi đã làm phần hoàn thiện. Tất cả cần sự quan tâm đúng mức của gia chủ và vận dụng khéo léo, vừa đủ qua một vài thủ pháp sau.
Không nên tạo ra một góc phòng đẹp trơ trọi mà cần có sự dẫn dắt, chuyển tiếp, báo hiệu, nhất là đối với những chỗ góc nhìn hẹp thì yếu tố dẫn dắt sẽ giúp không gian trở nên nhẹ nhàng tự nhiên hơn. Ví dụ một chút nhấn nhá trên tường, những bố trí về đèn trên trần.
Một vị trí nội thất dù chủ đích làm cho đẹp, cho ấn tượng thì vẫn nên gắn với một công năng (cho dù đẹp cũng đã là một chức năng rồi), ví dụ như một chiếc ghế sofa vừa tiện dụng vừa nổi bật, hoặc kệ kính để đồ đi cùng mảng trang trí đơn giản nhẹ nhàng.
Có thể chưa chắc quan niệm của mọi người về cái đẹp trong nội thất đã giống nhau, do vậy có thể nghĩ đến yếu tố lạ mắt trước, bằng cách tìm kiếm chất liệu, hình ảnh, một vài sắp đặt độc đáo ít gặp. Ví dụ như một góc phòng nhỏ sẽ sinh động hơn với mảng tường dán sỏi, treo tranh gốm, hoặc tạo một khu vực gắn kính và gương bên cạnh hồ thuỷ sinh, vừa làm kệ vừa làm điểm nhìn ngắm.
Khi đại cảnh không đủ rộng thì nên hướng vào tiểu cảnh, để biến những “nơi gầm tối là nơi sáng nhất” bằng cách tạo góc trang trí cho gầm thang, hốc tường… nhằm thu hút sự chú ý và giảm lãng phí diện tích. Những góc tưởng là vô dụng, những vị trí “góc chết” được làm sống động như vậy sẽ được ngắm nhìn và sử dụng nhiều hơn thay vì vô tình lướt qua mỗi ngày.
Chú ý đến các điều kiện của một không gian sẵn có thay vì quan tâm đến thay đổi, làm mới hoàn toàn thì chỉ cần nhấn nhá chút ít sẽ mang lại hiệu quả mà không quá xáo trộn. Ví dụ thay đổi về kiểu đèn, điểm xuyết về màu sắc, về vật dụng xếp đặt, tấm trải giường, tranh treo tường… chứ không nhất thiết phải thay đổi về cấu trúc của không gian.
(Theo SGTT)