Chống thấm trần nhà bê tông là một hạng mục quan trọng trong việc xử lý chống thấm nhà ở hiện nay, đặc biệt là khi mùa mưa đến. Trần ngấm nước lâu ngày sẽ bị bào mòn, nứt gãy, xuống cấp, làm giảm tuổi thọ và mỹ quan của công trình. Hơn nữa, sự ẩm mốc này còn ảnh hưởng tới cả tâm lý cũng như sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Vì vậy, việc làm thế nào để chống thấm triệt để cho trần bê tông ngày càng được gia chủ quan tâm, chú trọng.
Bài viết dưới đây mang đến cho độc giả cái nhìn tổng quan về chống thấm trần nhà bê tông với những vấn đề như nguyên nhân khiến trần thị thấm dột; những vật liệu chống thấm phổ biến, được ưa chuộng; ưu điểm của các giải pháp chống thấm hiện nay.
Trần nhà bê tông là gì?
Hiểu một cách đơn giản, trần nhà bê tông là bề mặt nội thất trong ngôi nhà được giới hạn bên trên một căn phòng hoặc là bề mặt hoàn thiện nằm dưới cấu trúc mái hay mặt sàn của tầng trên. Loại trần này được cấu thành từ hỗn hợp vữa xi măng kết hợp cùng đá, sỏi, sắt thép để tăng độ chịu lực cho ngôi nhà.
Trần nhà bê tông ngày càng phổ biến và được ứng dụng rộng rãi trong các công trình kiến trúc nhà ở bởi những ưu điểm vượt trội như chi phí hợp lý, cấu trúc bền vững và vẻ đẹp mộc mạc mà nó mang lại. Tuy nhiên, để gia tăng tuổi thọ, trần bê tông cần được chống thấm hiệu quả. Hiện nay, việc chống thấm trần nhà bê tông chủ yếu được ứng dụng cho nhà phố, biệt thự, nhà cấp 4.
|
Trần nhà bê tông đang là xu hướng thiết kế được yêu thích hiện nay. |
Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nhà, gia chủ nên đồng thời thi công chống thấm cho trần nhà bê tông. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, bạn đừng để đến lúc trần bị thấm dột, nứt nẻ mới cuống quýt tìm thợ xử lý. Đối với trường hợp trần bị thấm trong quá trình sử dụng, trước khi khắc phục cần xác định rõ nguyên nhân khiến trần thấm dột và mức độ hư hại để lựa chọn được vật liệu, phương pháp chống thấm phù hợp nhất.
Vì sao trần nhà bê tông bị thấm dột?
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trần nhà bê tông bị thấm nước, bong tróc, ẩm mốc, thậm chí là hư hại, cụ thể như sau:
Sử dụng nguyên vật liệu kém chất lượng
Việc sử dụng nguyên vật liệu kém chất lượng, không phù hợp với điều kiện công trình là một trong những nguyên nhân khiến trần nhà bê tông bị thấm dột. Có thể, để tiết kiệm chi phí, nhiều gia đình sử dụng chất liệu bê tông và thép đan sàn bê tông không đạt chuẩn nên sau một thời gian sử dụng, trần dễ bị rạn nứt. Theo các vết nứt này, nước mưa thấm vào trong nhà ngay cả khi đã xử lý chống thấm trước đó, gây rêu mốc, mất thẩm mỹ.
Chống thấm không đúng kỹ thuật
Việc thi công chống thấm đúng quy trình, đúng kỹ thuật cũng là yếu tố quan trọng quyết định trần nhà bê tông sau này có bị thấm dột, rạn nứt hay không. Những lỗi thường gặp là thi công chống thấm các mép sát nhau không cẩn thận, quét nước chống thấm chuyên dụng không đúng yêu cầu của nhà sản xuất.
Chẳng hạn, thay vì quét 3 lớp nước chống thấm như yêu cầu thì thợ chỉ quét 2 lớp. Điều này có thể khiến cả trần nhà dễ bị thấm nước hơn. Thợ thi công không xử lý chống thấm tại vị trí khe nối bê tông giữa sàn bê tông mới và sàn bê tông cũ gây thấm dột khi mưa lớn.
Thông thường, các công trình chống thấm sẽ được ngâm nước 2-3 ngày để kiểm tra tình trạng xem có bị thấm không rồi mới tiến hành lát gạch. Tuy nhiên, đội thợ thi công ẩu có thể bỏ qua bước này, do đó gia chủ cần lưu ý để giám sát.
Mặt khác, chất liệu thi công chống thấm trần nhà bê tông kém hoặc không có độ co giãn linh hoạt trước tác động của thời tiết cũng sẽ khiến trần nhà bị thấm dột. Đây là lý do giải thích tại sao trần nhà dù đã được chống thấm nhưng vẫn thấm nước, ẩm mốc khi mùa mưa đến.
|
Trần nhà bê tông bị thấm nước, ẩm mốc gây mất thẩm mỹ chung của cả căn phòng. |
Vệ sinh bề mặt chống thấm không sạch
Khi thi công chấm thấm trần nhà bê tông, nếu vệ sinh bề mặt bằng chống thấm không sạch, không bít các kẽ hở, chân các đường ống bằng vữa chuyên dụng cẩn thận thì lớp chống thấm không bám được vào mặt bê tông, gây thấm dễ dàng. Cùng với đó, nếu vị trí tiếp giáp giữa các ống, mép của bề mặt bê tông không được đào ra một chút để đổ bê tông chuyên dụng thì trong quá trình sử dụng dễ bị lỏng, tạo ra các kẽ hở khiến công trình mất khả năng chống thấm.
Sân thượng hay sàn mái bị rạn nứt khiến trần nhà bê tông bị thấm nước
Đây là hiện tượng xuất hiện phổ biến nhất tại các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Theo nguyên tắc vật lý, mái bê tông có xu hướng giãn nở vào mùa hè bởi nhiệt độ lên rất cao. Đến mùa đông, thời tiết giá lạnh khiến bề mặt bê tông co lại. Cấu trúc của bê tông sẽ bị thay đổi nếu quá trình này lặp đi lặp lại trong một thời gian dài. Hậu quả là, những vết nứt rạn nhỏ xuất hiện với kích thước dưới 0,5mm. Nước mưa theo các vết nứt len lỏi sâu vào mao mạch và thấm xuống trần nhà bên dưới.
|
Cấu trúc bê tông có thể bị nứt gãy trước tác động của điều kiện thời tiết. |
Hệ thống thoát nước trên sân thượng, mái kém
Do đặt đường ống thoát nước sai hoặc thiết kế mái bằng không có độ dốc nhất định nên nước mưa không thể thoát hết, ứ đọng lại trên mái, ngấm dần, phá vỡ kết cấu bê tông, khiến lớp chống thấm không chịu được ẩm ướt lâu ngày, gây ra hiện tượng nứt trần, thấm dột. Nhiều gia đình xử lý bằng cách đổ nối sàn bê tông mới vào sàn cũ, tuy nhiên vị trí khe nối giữa sàn cũ và sàn mới không được làm cẩn thận nên tình trạng thấm nước vẫn tiếp diễn.
Thấm nước từ nhà vệ sinh tầng trên
Trong các không gian chức năng, phòng vệ sinh là nơi dễ bị thấm nước, ẩm mốc nhất bởi khu vực này thường xuyên sử dụng nước và có độ ẩm cao. Nhà vệ sinh tầng trên có thể gây ảnh hưởng đến trần bê tông của phòng bên dưới. Hiện tượng thấm dột xảy ra bởi sự xuống cấp của đường ống nước, nền xi măng trong sàn bê tông hoặc do công trình trước đó không được xử lý chống thấm đúng cách.
Ngoài ra, trần nhà bê tông bị thấm còn do công trình cũ lâu năm, sự chủ quan của nhà thầu xây dựng, xem nhẹ công tác chống thấm, sử dụng vật liệu và phụ gia chống thấm không phù hợp…
Có nên chống thấm cho trần nhà bê tông?
Việc chống thấm trần nhà bê tông cần được thực hiện, khắc phục càng sớm càng tốt bởi nếu để tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới nguy cơ trần nhà bị mục ẩm nặng, ngả màu ố vàng, rêu mốc và thậm chí gây thủng trần. Chưa kể, nước sẽ thấm lan rộng sang các bức tường, làm ảnh hưởng tới kết cấu tổng thể và thẩm mỹ chung của ngôi nhà, về lâu dài có thể gây nguy hiểm cho người dùng, nhất là gia đình có trẻ nhỏ.
Số liệu thống kê cho thấy, chi phí chống thấm cho nhà ở chỉ chiếm khoảng 2-5% tổng chi phí xây dựng. Tuy vậy, trong trường hợp công trình không được thực hiện đúng quy trình chống thấm thì sau một thời gian sử dụng nếu bị thấm dột, khi đó chi phí sửa chữa có thể chiếm 10%, thậm chí lên tới 20% tổng kinh phí. Do đó, gia chủ nên chủ động thi công chống thấm ngay trong quá trình xây dựng, hoàn thiện ngôi nhà, tránh những phát sinh không đáng có về sau.
|
Chống thấm cho trần nhà bê tông là khâu không thể thiếu trong quá trình xây dựng,
hoàn thiện công trình. |
>>> Có thể bạn quan tâm: Cách chống thấm khe tiếp giáp giữa hai nhà liền kề hiệu quả
Vật liệu chống thấm trần nhà bê tông phổ biến nhất hiện nay
Việc lựa chọn vật liệu chống thấm phù hợp vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa mang lại hiệu quả cao. Sau đây là những loại vật liệu chống thấm trần nhà bê tông được nhiều người lựa chọn:
Màng chống thấm trần nhà bê tông
Màng chống thấm phù hợp với nhiều kiểu trần nhà bê tông khác nhau. Màng gồm 2 loại là màng khò nóng và màng dán lạnh. Ưu điểm của vật liệu này khả năng chống thấm rất tốt, độ bền cao. Thế nhưng, màng chống thấm không thân thiện với môi trường, về lâu dài có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.
Một số loại màng chống thấm được sử dụng phổ biến trong công nghiệp và dân dụng như: Shell Flintkote, Kova, Sika, Index, Sankote, Wapro, Shellkote, Rainkote, Weatherkote.
Vật liệu phun quét tạo màng
Đây là vật liệu chống thấm dạng hóa chất lỏng, có thể phun hoặc quét lên trần bê tông tạo thành lớp màng bảo vệ trần nhà khỏi các tác động của điều kiện thời tiết gây thấm dột. So với màng chống thấm, vật liệu này dễ thi công và mất ít thời gian hơn.
Hóa chất chống thấm phun hoặc quét thẩm thấu gốc xi măng
Ưu điểm của vật liệu là độ bám dính bề mặt sàn rất cao, giúp bề mặt dễ vệ sinh hơn sau khi thi công. Bề mặt chống thấm cũng rất linh hoạt nhờ khả năng giãn nở theo nhiệt độ môi trường, có khả năng bốc hơi nước, tránh ứ đọng nước gây ẩm mốc. Tuy vậy, khi bị ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, độ bền và khả năng chống thấm của vật liệu bị suy giảm.
|
Đội thợ thi công chống thấm cho trần nhà bê tông. |
Phụ gia chống thấm
Kết hợp cùng vật liệu xây dựng, phụ gia chống thấm mang lại hiệu quả cao, đồng thời góp phần giúp kết cấu công trình bền vững hơn. Đây là vật liệu chống thấm phù hợp với trần bê tông diện tích nhỏ, nên cân nhắc với diện tích từ trung bình trở lên.
Keo chống thấm trần nhà bê tông
Keo chấm thấm được sử dụng để che đậy các vết nứt nhỏ li ti trên bề mặt trần nhà, ngăn nước ngấm sâu vào bên trong. Giải pháp này chỉ áp dụng trong trường hợp trần bị rạn nứt ở mức độ nhẹ.
Nhựa đường
Vật liệu này được sử dụng phổ biến trong ngành xây dựng. Chống thấm trần nhà bê tông bằng nhựa đường được đánh giá là giải pháp đơn giản, hiệu quả, tiết kiệm và có độ bền cao.
Sơn chống thấm
Sử dụng sơn chống thấm trần nhà vừa giúp ngăn chặn tình trạng thấm dột từ trên xuống, từ ngoài vào trong, vừa mang đến vẻ đẹp sang trọng, hiện đại cho không gian nội - ngoại thất.
|
Sơn chống thấm hiện có rất nhiều loại để bạn lựa chọn phù hợp với điều kiện, công trình. |
>>> Vật liệu chống thấm - ưu nhược điểm và cách dùng sao cho hiệu quả
Các phương pháp chống thấm trần nhà bê tông hiệu quả
Hiện có 2 phương pháp chống thấm trần bê tông phổ biến là chống thấm thuận và chống thấm ngược. Quan trọng là bạn lựa chọn được phương pháp phù hợp với điều kiện cụ thể của công trình.
Chống thấm thuận cho trần bê tông
Chống thấm thuận là xử lý chống thấm trần nhà bê tông cùng chiều tác động của nước xâm nhập. Cụ thể, nước đi theo chiều nào thì vật liệu chống thấm sẽ được liên kết theo chiều đó. Phương pháp này rất phổ biến và thường được cân nhắc đầu tiên. Vật liệu chống thấm gồm màng chống thấm đàn hồi, hóa chất tinh thể thẩm thấu gốc nước, lưới sợi thủy tinh chống thấm và phụ gia chống thấm.
Ưu điểm của chống thấm thuận là thi công tương đối dễ dàng, không quá phụ thuộc vào tay nghề kỹ thuật của đội thợ; hiệu quả chống thấm tối ưu và chi phí thấp. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp thấm dột đều có thể chọn giải pháp này.
|
Chống thấm thuận là phương pháp chống thấm trần nhà bê tông phổ biến nhất. |
Chống thấm ngược cho trần bê tông
Đây là phương pháp chống thấm ngược với nguồn gây thấm. Chẳng hạn, khi nước thấm từ bề mặt tường ngoài, đội thợ sẽ tiến hành chống thấm ngược ở bề mặt tường bên trong. Vật liệu chống thấm yêu cầu cần có độ bám dính tốt cũng như khả năng thẩm thấu vào thân bê tông. Theo đó, lớp màng trong thân bê tông ngăn chặn việc thấm nước hiệu quả hơn.
Phương pháp chống thấm ngược thường được tiến hành theo 3 cách sau:
-
Bơm dung dịch vào bên trong lòng trần bằng cách khoan lỗ
-
Sử dụng sơn chống thấm chuyên dụng
-
Sử dụng màng bitum, phụ gia chống thấm
Trong đó, cách thông dụng và hiệu quả nhất là sử dụng bơm dung dịch chống thấm vào bên trong trần bê tông nhằm đảm bảo khả năng ngăn nước gần lớp bề mặt của mái, sân thượng nhất. Chống thấm ngược đòi hỏi kỹ thuật cao, đội thợ lành nghề, giàu kinh nghiệm. Vì thế, chỉ khi không thể sử dụng được phương pháp chống thấm thuận thì mới dùng tới chống thấm ngược.
Dù lựa chọn phương pháp nào thì trước khi thi công, bạn nên chuẩn bị bề mặt cần chống thấm thật tốt để đạt hiệu quả tối ưu. Bề mặt được vệ sinh sạch sẽ, không còn bụi bẩn, rêu mốc sẽ giúp xử lý chống thấm tốt hơn, đảm bảo tính thẩm mỹ, đồng thời tránh tình trạng trần nhà về sau thấm nước trở lại. Thậm chí, bạn có thể loại bỏ lớp sơn đã bị thấm nước trước khi thực hiện.
Nếu trần nhà bị thấm ít và bạn biết cách xử lý thì có thể tự thực hiện. Tuy nhiên, nếu quy mô thấm rộng, gia chủ nên tìm đến các đơn vị thi công chống thấm trần nhà bê tông uy tín, chuyên nghiệp để đảm bảo hiệu quả lâu dài.
Lam Giang (TH)
>>> Trên đây là những chia sẻ của Dothi.net về giải pháp chống thấm trần nhà bê tông, bạn đọc có thể xem thêm một số bài viết liên quan tới vấn đề chống thấm cho nhà ở dưới đây.
- 4 sai lầm phổ biến khi chống thấm cho nhà ở
- Cách chống thấm cho các kiểu mái nhà