Hiện nay, số hộ gia đình sở hữu ô tô riêng ngày càng nhiều lên. Do vậy, không gian dành cho ô tô là điều được nhiều chủ nhà và các kiến trúc sư đặc biệt quan tâm khi thiết kế, xây dựng nhà ở. Thậm chí, không ít chủ nhà còn yêu cầu kiến trúc sư thiết kế sẵn gara để xe dành cho nhu cầu sử dụng trong tương lai.
Đa số mọi người đều muốn thiết kế gara ô tô gắn liền với nhà ở để đảm bảo thuận tiện cho quá trình đi lại. Với ngôi nhà rộng lớn thì việc bố trí gara ô tô không quá khó khăn, chủ nhà có thể đặt gara ở trong nhà, ngoài sân tùy theo sở thích và nhu cầu sinh hoạt. Đối với những gia đình sở hữu diện tích đất xây nhà không quá rộng rãi, đặc biệt như biệt thự phố, biệt thự liền kề, nhà ống được xây trên đất phân lô thì rất khó có thể bố trí gara để xe ở bên ngoài. Tuy nhiên, nếu bố trí gara trong nhà, các yếu tố độc hại phát sinh từ chất thải động cơ ô tô hoặc nguy cơ cháy nổ có thể đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
Vậy có nên bố trí gara để xe trong nhà không?
Theo cơ quan y tế Canada, nếu gara được thiết kế liên thông với nhà ở, các khí thải độc hại từ động cơ có thể gây ô nhiễm không khí trong nhà. Khói thải từ ô tô trong gara sẽ bay hơi và xâm nhập vào nhà qua cửa ra vào, cửa sổ, khe cửa…
Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn các gia đình có gara ô tô liên thông với nhà đều có một lượng lớn chất thải độc hại như CO, CO2, NOx, C2H2, C6H12, benzene… trong nhà. Đặc biệt, trong số các hợp chất này, benzene được khẳng định là chất gây ung thư. Việc tiếp xúc với các chất này trong một thời gian dài có thể gây ảnh hưởng xấu đến tủy xương, quá trình sản xuất máu, thậm chí gây tử vong. Do vậy, nếu có điều kiện, gia chủ nên bố trí gara ô tô ở ngoài và trang bị thêm mái che khép kín hoặc làm cửa cuốn 4 vách.
|
Tuy thuận tiện nhưng thiết kế gara ô tô gắn liền nhà ở có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của con người. |
Trong trường hợp không thể thiết kế gara ở bên ngoài, gia chủ cần đảm bảo một số tiêu chuẩn dưới đây để ngăn ngừa những nguy cơ tiềm ẩn từ gara ô tô đối với gia đình mình.
Tiêu chuẩn thiết kế gara ô tô trong nhà ở
Vị trí, lối vào của gara
Căn cứ vào đặc điểm của thửa đất, mục đích và nhu cầu sử dụng mà gia chủ và kiến trúc sư tính toán phương án bố trí gara cho phù hợp, tuy nhiên cần đảm bảo vị trí của gara sao cho dễ dàng lấy xe ra vào và không ảnh hưởng đến trục giao thông bộ vào nhà. Cụ thể, gara thường được bố trí ở ngay lối vào cửa chính, thẳng hoặc chỉ lệch một chút so với cửa chính để không cắt ngang, uốn lượn qua nhà hay cản trở sinh hoạt trong gia đình.
Với nhà phố, gara thường nằm ở tầng hầm hoặc tầng 1 (tầng trệt – theo cách gọi của người miền Nam). Với nhà biệt thự có lợi thế về diện tích và khuôn viên rộng rãi, lối vào gara để xe có thể được làm riêng rẽ với lối vào nhà ở để đảm bảo thuận tiện cho quá trình sinh hoạt của các thành viên sống trong đó.
Xét theo góc độ phong thủy, gara ô tô nên đặt ở hướng Đông Bắc kết hợp với hình chạm vẽ phù hợp sẽ giúp đón vượng khí tốt nhất. Gara dù đặt trên mặt đất hay dưới tầng hầm đều nên tránh gần giếng, đường ống nước, đống rác, tránh góc nhọn chiếu vào. Với gara dưới hầm, cần tránh bố trí phòng vệ sinh, phòng ngủ, vị trí để rác hay các kiến trúc xung xạ ở trên.
Đường dốc
Khi thiết kế gara dưới tầng hầm, cần chú ý tới độ dốc để đảm bảo an toàn mỗi khi lên xuống. Theo tiêu chuẩn xây dựng, đường xuống hầm không dốc quá 15-20% so với chiều sâu của hầm, tránh trường hợp ô tô gầm thấp dễ bị chạm gầm mỗi khi xe lên xuống. Chẳng hạn, nếu chiều sâu hầm là 1m thì chiều dài dốc hầm không nên nhỏ hơn 5m.
Bên cạnh đó, đường xuống hầm nên có những rãnh xẻ kết hợp vật liệu hoàn thiện bề mặt để chống trơn trượt. Ở đầu và cuối dốc cần bố trí cắt nước để đảm bảo nước không thấm xuống hầm. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, không nên bố trí đường hầm ra quá gần đường giao bởi khi đi từ hầm lên mặt đất mà gặp đường giao thông đột ngột có thể dẫn đến tai nạn, nhất là với loại hình nhà phố tại Việt Nam có khoảng cách với mặt đường rất ngắn.
Diện tích gara
Diện tích gara được xác định dựa trên kích thước loại ô tô mà gia chủ sở hữu và số lượng xe để trong gara. Theo tiêu chuẩn thông thường, gara ô tô trong nhà cần có diện tích 3x5m để có thể chứa một chiếc xe 4 chỗ loại nhỏ như Kia Morning hoặc 3x5,5m nếu gia chủ sở hữu xe 4 chỗ loại thân dài như Mazda 3.
Ngoài ô tô, phần lớn các gia đình ở Việt Nam đều sở hữu 1-2 chiếc xe máy. Trong khi đó, diện tích chiếm chỗ của một chiếc xe máy rơi vào khoảng 1,5x2m. Do vậy, kích thước phổ biến và hợp lý khi nhà có 1 ô tô và 1-2 xe máy tối thiểu nên là 3,5x5,5m.
Chiều cao gara ô tô
Chiều cao gara ô tô tối tiểu là 2m. Ngoài ra, nếu gia đình sở hữu các loại xe có kích thước quá khổ thì cần tính toán sao cho đỉnh xe cách mép trên của cửa ít nhất 50cm để đảm bảo xe đi qua dễ dàng, không bị chạm nóc.
|
Chiều cao tính từ mặt đường lên đến mép cửa tầng tầm phải đảm bảo cho xe dễ dàng đi vào. |
Nội thất trong gara
Nếu dư giả về tài chính, gia chủ có thể nhờ kiến trúc sư tư vấn nhằm tạo sự phá cách, khác biệt cho không gian để xe. Tuy nhiên, thông thường, không gian bên trong gara chỉ nên thiết kế đơn giản, tránh các chi tiết rườm rà không cần thiết để tiết kiệm chi phí thi công.
Tường và trần nên trát phẳng, sử dụng loại sơn dễ lau chùi, chống bám bẩn và tránh ẩm mốc. Ngoài ra, bạn cũng có thể ốp đá có bề mặt thô nhám, sần sùi lên tường để tránh ồn hoặc làm trần thạch cao, trần nhôm… với chi phí không cao nhưng lại đảm bảo thẩm mỹ và thời gian thi công nhanh chóng.
Bề mặt sàn phải làm bằng vật liệu tốt, ít bị mài mòn, có độ nhám bề mặt cao để chống trơn trượt cũng như chịu được xung lực do xe ô tô tạo ra. Bạn có thể sử dụng đá tự nhiên đục nhám, đá granite phun nhám, gạch terazzo, đá xẻ tự nhiên… là những vật liệu có sẵn trên thị trường để lát sàn.
Ngoài ra, theo góc nhìn phong thủy, bên trong gara nên sơn màu đơn giản, trang nhã để tinh thần con người cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái mỗi lần vào lấy hoặc cất xe.
Ánh sáng và thông gió trong gara
Khi gia chủ quyết định thiết kế gara trong nhà, ánh sáng và thông gió là hai yếu tố cần được lưu tâm. Tốt nhất nên bố trí các cửa sổ trên tường, trên mái hoặc khe thoáng để tận dụng ánh sáng tự nhiên vào ban ngày. Bên cạnh đó, cần kết hợp sử dụng thêm bóng đèn compact hoặc đèn neon để cung cấp thêm ánh sáng cho gara mà vẫn tiết kiệm điện. Để đảm bảo gara luôn thông thoáng, ngoài cửa thông gió tự nhiên, gia chủ nên bố trí thêm quạt thông gió để hút mùi xăng dầu và mùi khói xe ra bên ngoài.
Thiết kế cửa tự động cho gara
Hiện nay, gara thường được trang bị cửa cuốn tự động bởi loại cửa này rất tiện dụng, tiết kiệm diện tích và có tính cơ động cao. Trên thị trường hiện nay, nhiều loại cửa cuốn được thiết kế phù hợp để làm cửa gara ô tô, tuy nhiên, gia chủ nên ưu tiên lựa chọn dựa trên các tiêu chuẩn sau:
- Chọn cửa gara có khe sáng để góp phần thông khí và cung cấp ánh sáng cho không gian bên trong.
- Chọn cửa có tốc độ đóng/mở nhanh nhằm tiết kiệm thời gian sử dụng.
- Chọn cửa được trang bị acquy tích điện hoặc có dây xích để dễ dàng nâng lên, hạ xuống bằng tay khi mất điện.
- Nên ưu tiên chọn cửa cuốn được trang bị tính năng chống cháy, bộ điều khiển từ xa, có cảm biến tự động đóng cửa khi có cháy xảy ra.
Một số lưu ý khác khi thiết kế gara ô tô trong nhà:
- Nên thiết kế thêm hệ thống cấp thoát nước và chậu rửa tay trong gara để phục vụ cho việc rửa xe tại nhà và đảm bảo gara luôn sạch sẽ, khô ráo.
- Nếu trổ cửa sổ trong gara, cần bố trí cửa ở cuối hướng gió sao cho gió không thổi từ gara vào không gian sinh hoạt của gia đình.
- Với cửa đi liên thông lên nhà chính, nên làm bằng vật liệu kính có khả năng cách âm, cách nhiệt, cách mùi.
- Không để các chất dễ cháy nổ trong gara. Hóa chất, dụng cụ sửa xe cần được đặt trong tủ chuyên dụng dưới gara.
- Đầu tư hệ thống báo khói, báo cháy chất lượng bởi gara là nơi có nguy cơ cháy nổ rất cao.
- Tuyệt đối không khởi động xe khi cửa gara vẫn đóng kín.
- Khi cất xe vào gara, nên để đầu xe hướng vào trong nhà để mùi xăng xe, khói độc sẽ nhanh thoát ra ngoài hơn khi khởi động hay tắt máy. Theo phong thủy, điều này cũng tượng trưng cho sự cát tường.