SearchNews

Xây nhà container và tất tật những điều cần biết

29/09/2018 08:51

Cũng giống như xây nhà ở truyền thống, dựng nhà container không chỉ dừng lại ở mức chồng ghép các khối container lại với nhau mà còn nhiều vấn đề cần được hiểu rõ và lên kế hoạch giải quyết triệt để.

Với chi phí thấp, thời gian thi công nhanh chóng lại phù hợp với mọi địa hình, nhà container đã trở thành xu hướng khá thịnh hành và được nhiều người quan tâm, không chỉ ở thế giới mà còn tại Việt Nam. Những kinh nghiệm, lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn có được một công trình nhà ở container an toàn, tiện nghi và đặc biệt là tránh được những rủi ro không đáng có về mặt pháp lý.

Vấn đề pháp lý

Vấn đề nhà container vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều và quy định mâu thuẫn trong việc xác định liệu có phải là công trình xây dựng hay không, có cần xin phép xây dựng hay không. Trên thực tế, pháp luật hiện hành không cấm việc sử dụng container nhưng cũng chưa quy định cụ thể về loại hình này. Do vậy, để tránh rắc rối về pháp lý và có thể thoải mái xây dựng, sử dụng nhà container, bạn cần:

1. Có giấy tờ sử dụng đất tại nơi sẽ đặt công trình container.

2. Xin giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng, đặt công trình tạm. Bạn cũng nên đăng ký với chính quyền địa phương về tạm trú, đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường, đô thị, PCCC..

Trong trường hợp không thể thực hiện các yêu cầu trên, bạn nên gắn thêm bánh xe vào nhà container để biến nó thành công trình di động, vừa thuận tiện cho việc di chuyển, vừa tuân thủ quy định về xây dựng.

nhà container
Nhà container được gắn thêm bánh xe cho phép bạn di chuyển đến bất cứ đâu.

Mua container mới hay cũ?

Nếu có đủ điều kiện kinh tế, hãy chọn mua container mới để đảm bảo được chất lượng công trình và tiết kiệm được thời gian kiểm tra, xử lý những hỏng hóc, han gỉ hay tân trang container. Tuy nhiên, chi phí cho mỗi chiếc container mới khoảng từ 50 đến 200 triệu đồng tùy theo kích thước và không phải bất cứ ai cũng có thể đầu tư một khoản tiền lớn như vậy cho công trình tạm. Khi đó, việc tận dụng những thùng container cũ sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể bởi giá container cũ chỉ bằng khoảng 1/3 giá bán container mới.

Nếu chọn mua container đã qua sử dụng, bạn nên tìm những sản phẩm còn mới khoảng 70% trở lên, có tuổi đời càng ngắn càng tốt và phải đến tận nơi kiểm tra trực tiếp các chi tiết như: vỏ container có các mép phải phẳng, nóc không bị lõm hay thủng dột, sàn nguyên bản không bị bong tróc, cửa đầy đủ, kín sáng, kín nước, máy lạnh (nếu có) hoạt động ổn định, nội thất còn tốt…

Hoặc bạn có thể lựa chọn loại container one-trip (chỉ dùng để chở một chuyến hàng rồi bị bỏ đi) nhằm tiết kiệm chi phí chung mà vẫn đảm bảo được chất lượng công trình.

Chọn kích cỡ container phù hợp

Container có nhiều kích cỡ với khoảng hơn 11 loại được sử dụng cho các mục đích khác nhau. Tuy nhiên, khi nói đến dựng nhà, người ta thường phân chia thành container tiêu chuẩn (standard container) và container khối cao (high cube container). Hầu hết container tiêu chuẩn được sử dụng để dựng nhà là loại container chở hàng với các kích thước: dài khoảng 6m, 12m hoặc 16m; rộng khoảng 2,4m và cao khoảng 2,4m. Loại container này có ưu điểm là thông dụng, dễ mua, chi phí hợp lý so với giá trị mang lại.

Trong khi đó, container khối cao có cùng kích thước với container tiêu chuẩn, ngoại trừ chiều cao hơn 2,7m. Độ cao gia tăng thêm 0,3m bổ sung không gian phía trên và tạo sự khác biệt đáng kể. Điều này cho phép thi công cách nhiệt trần và sàn mà vẫn đảm bảo không gian sống thoải mái. Tất nhiên, độ cao tăng lên cũng đồng nghĩa với việc chi phí để mua một chiếc container cao sẽ nhiều hơn so với chi phí dành cho container tiêu chuẩn. Tùy thuộc vào nhu cầu và kinh phí đầu tư mà bạn có thể chọn loại container phù hợp.

Lập kế hoạch và bản thiết kế chi tiết

Giống như xây nhà truyền thống, khi dựng nhà bằng container, việc lên kế hoạch xây dựng, thiết lập bản vẽ thiết kế chi tiết rất quan trọng. Nó cho phép bạn dễ dàng hình dung được công trình của mình trông sẽ như thế nào, cần bao nhiêu thùng hàng container, có đảm bảo được các công năng cần thiết hay không? Hãy lên kế hoạch, bản vẽ thật kỹ lưỡng, tránh phải thay đổi phương án trong quá trình thi công. Bởi một khi đã tác động, đục khoét vào container thì rất khó để sửa chữa và có thể đội chi phí chung lên rất nhiều lần.

Thông thường, cần có tối thiểu 2 container ghép lại với nhau để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của một gia đình với đầy đủ giường, phòng bếp, phòng vệ sinh, bàn ăn, bàn làm việc… Container làm bằng thép rất chắc chắn nên bạn có thể xếp chồng lên nhau thành nhà tầng và làm cầu thang đi lên.

nhà container 2 tầng
Những chiếc container chở hàng có thể được xếp chồng khối lên nhau để tạo thành công trình cao tầng.

Bạn cũng cần tính toán hướng nhà, hướng khu đất để tìm ra hướng đặt container phù hợp, tránh được nắng nhưng phải đảm bảo thông gió và đủ ánh sáng tự nhiên.

Thi công nhà container

Dù không phải làm nền móng nhưng container được chế tạo từ thép nên cần làm các trụ bê tông cao khoảng 0,8m để tránh mục phần đáy, đồng thời đổ thêm các cột bê tông làm giằng để cố định nhà phòng khi có gió bão.

Sau khâu chuẩn bị nền, đến phần ghép và cắt vách để biến thùng container kín mít thành không gian sinh hoạt thoải mái. Ngoài cửa ra vào và cửa sổ, hãy trổ thêm đường thoát hiểm đề phòng trường hợp có cháy nổ. Ở giai đoạn này, bạn cần tính toán kỹ càng nhu cầu, vị trí và kích thước của từng khu vực bởi việc cắt ghép các mảng thép quá nhiều sẽ làm giảm độ bền của hệ kết cấu chịu lực.

Công đoạn quan trọng khi thi công nhà container không thể bỏ qua đó là cách nhiệt và chống ồn để đảm bảo một cuộc sống thoải mái. Có rất nhiều tấm cách nhiệt hiệu quả được bày bán trên thị trường nhưng tại Việt Nam, thông dụng nhất vẫn là thạch cao ốp tường. Nếu kinh phí cho phép, bạn nên làm mái chống nóng, ốp gỗ bên ngoài để hạn chế lượng nhiệt trong mùa hè hoặc sơn trắng bên ngoài container để phản xạ nhiệt được tốt nhất.

Không khí trong nhà cần được lưu thông liên tục, do đó, bạn cần trang thêm bị quạt, điều hòa nhiệt hoặc tận dụng chính cửa sổ, cửa đi để thông gió. Việc sử dụng chất liệu kính làm cửa sổ sẽ giúp không gian bên trong trở nên thoáng đãng, sáng sủa và giảm bớt cảm giác chật chội.

Trang trí nội thất

Chất liệu thép cấu thành container thường mang lại cảm giác lạnh lẽo vào mùa đông, do vậy, nội thất trong nhà container nên làm bằng gỗ để tăng vẻ ấm cúng cho ngôi nhà. Cần lựa chọn nội thất tỷ lệ thuận với nhà container về kích thước và có thiết kế tối giản nhằm đảm bảo sự hài hòa, tiết kiệm diện tích. Ngoài ra, bạn có thể kết hợp các chậu cây, chậu hoa đặt trong phòng hay hiên nhà để làm dịu đi chất liệu kim loại của công trình.

Cây xanh có tác dụng giảm nhiệt, tạo bóng, che bức xạ mặt trời nên rất có lợi cho các công trình container vốn tỏa nhiệt, nóng bức vào mùa hè. Do đó, hãy trồng nhiều cây bóng mát, cây bụi quanh nhà vừa để làm mát, làm trong lành bầu không khí, đồng thời làm đẹp cho không gian sống.

Khi cách thức xây dựng nhà truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt, không phải ai cũng đủ dũng cảm để làm cho mình một ngôi nhà bằng container. Tuy nhiên, với quá nhiều lợi ích mà nhà container mang lại cùng những kiến thức, kinh nghiệm mà Dothi.net chia sẻ trên đây thì việc dựng nhà container để sinh sống lâu dài cũng rất đáng để cân nhắc phải không?

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu