SearchNews

Những giải pháp lấy sáng tự nhiên hiệu quả cho nhà phố

18/02/2019 14:05

Ánh sáng tự nhiên tốt cho sức khỏe, hạn chế ẩm mốc, giúp tiết kiệm chi phí cho năng lượng điện thắp sáng và sưởi ấm... Do đó, nhu cầu đón sáng cho ngôi nhà là điều rất cần thiết, đặc biệt là với những ngôi nhà phố san sát nhau hiện nay. Trong phạm vi bài viết này, Dothi.net giới thiệu tới bạn đọc các cách lấy sáng tự nhiên phổ biến, hiệu quả, giúp gia tăng chất lượng cuộc sống.

1. Lấy sáng từ mái nhà

Thiết kế giếng trời

Đối với nhà ống, nhà phố nằm san sát nhau, thiết kế giếng trời được xem là giải pháp lấy sáng hoàn hảo được nhiều gia chủ và kiến trúc sư lựa chọn. Thông thường, giếng trời được thiết kế ở giữa nhà, cạnh cầu thang để lan tỏa ánh sáng cho toàn bộ không gian nội thất. Không chỉ giúp nhà bạn thoáng sáng hơn, thiết kế này còn tạo điểm nhấn sinh động, dịu mát khi đáy giếng hoặc diện tường được tận dụng để trồng cây xanh, tiểu cảnh, hồ cá... 

giải pháp lấy sáng tự nhiên
Giếng trời là giải pháp lấy sáng tự nhiên phổ biến và hiệu quả nhất đối với nhà phố.

Nếu chọn lấy sáng tự nhiên cho nhà phố thông qua giếng trời, gia chủ cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Kích thước của giếng trời cần phù hợp với kích thước, kiến trúc của ngôi nhà để đảm bảo tính thẩm mỹ cho công trình.
- Giếng trời nên đặt ở trung tâm nhà, trên đỉnh cầu thang hoặc phía sau giáp tường nhà để ánh sáng được rải đều cho các khu vực.
- Hướng đặt giếng trời nên là hướng Bắc mát mẻ, còn hướng Tây hoặc Đông có thể khiến ngôi nhà phải nhận một lượng nhiệt lớn từ mặt trời, nhất là vào mùa hè. 
- Gia chủ nên sử dụng mái kính cường lực vừa vặn, chắc chắn có khung sắt bảo vệ để đảm bảo đón sáng, tránh thấm dột, rác thải rơi xuống nhà. 

Thiết kế cửa sổ cho tầng áp mái, tầng lửng

- Thiết kế mái phụ nhỏ có cửa sổ: Những ô cửa sổ bằng kính từ mái phụ là cách lấy sáng tự nhiên hiệu quả cho phòng ngủ, phòng làm việc trên tầng áp mái hoặc tầng lửng, đồng thời tạo sự sang trọng, bề thế cho hệ mái. Thông thường, các kiến trúc sư sẽ thiết kế 2 mái phụ đối xứng trên một hệ mái hoặc 1 mái phụ ở chính giữa để tạo điểm nhấn. Mái phụ trồi lên trên mặt phẳng mái dốc với kích thước nhỏ hơn và hài hòa với hệ mái chính. Cửa sổ trên mái phụ có thể lắp một cánh bằng kính dạng trượt hoặc cửa gỗ hai cánh.

mái phụ đón sáng tự nhiên cho nhà phố
Cửa sổ kính ở mái phụ góp phần đón sáng tự nhiên cho không gian trong nhà.

- Thiết kế cửa đẩy hoặc cửa trượt cho tầng áp mái: Cửa trượt hoặc cửa đẩy bằng kính cho tầng áp mái cũng là cách đón sáng tự nhiên từ mái nhà được nhiều gia đình lựa chọn. Kiểu cửa đẩy không phức tạp, rườm rà, đơn giản chỉ là một mặt phẳng bằng kính trên bề mặt mái dốc. So với cửa sổ từ mái phụ thì cửa đẩy bằng kính sẽ đón được nhiều ánh sáng hơn. Để đảm bảo chất lượng, chịu được tác động của thời tiết và không gây nguy hiểm cho người dùng, bạn nên lựa chọn cửa đẩy, cửa trượt 1 cánh hoặc 2 cánh bằng kính cường lực.

phòng ngủ trên tầng áp mái
Phòng ngủ trên tầng áp mái ngập tràn ánh sáng nhờ khung cửa sổ kính trong suốt.

Mái nhựa lấy sáng

Ngày nay, mái nhựa lấy sáng được sử dụng phổ biến nhờ những ưu điểm vượt trội như khả năng chịu mưa nắng tốt, mẫu mã đa dạng, thiết kế đẹp. Khung giá đỡ mái nhựa được làm bằng innox, thép không gỉ bền chắc. Đặc biệt, mức xuyên sáng của tấm nhựa có thể lên tới 80% và cách nhiệt đến 50%, đảm bảo nguồn sáng tự nhiên cho nhà phố mà không hề gây nóng bức.

mái nhựa lấy sáng
Mức xuyên sáng của mái nhựa có thể lên tới 80%.

2. Thiết kế cửa sổ sát nền nhà

Kinh nghiệm cho thấy, thiết kế cửa sổ sát nền nhà là cách lấy sáng tự nhiên hiệu quả cho nhà ống, nhà phố chật hẹp. Kiểu cửa sổ này không chỉ cung cấp tầm nhìn thoáng đẹp hơn ra cảnh quan bên ngoài mà còn giúp những không gian kín đáo như phòng bếp, phòng ngủ tận dụng được tối đa nguồn sáng tự nhiên. 

lấy sáng tự nhiên hiệu quả cho nhà phố
Khung cửa sổ được thiết kế sát sàn nhà giúp lấy sáng tự nhiên hiệu quả cho nhà phố.

3. Mở rộng kích thước các khung cửa 

Nếu khung cửa càng cao rộng thì lượng ánh sáng tràn vào nhà càng nhiều. Vậy nên, cách đơn giản nhất để đón sáng tự nhiên cho nhà phố, tạo bầu không khí mát mẻ là mở rộng kích thước của cửa chính và cửa sổ. Thế nhưng, gia chủ cần chọn các khung cửa ở vị trí thích hợp để tránh mưa hắt vào nhà hoặc nắng gắt vào buổi chiều. Đồng thời, để có thể chủ động điều chỉnh lượng ánh sáng phù hợp, sau khi mở rộng khung cửa, bạn nên thiết kế thêm rèm che, treo thêm một vài chậu cảnh xanh mát tạo điểm nhấn sinh động.

ánh sáng tự nhiên vào nhà
Khung cửa cao rộng sẽ giúp ánh sáng tự nhiên vào nhà nhiều hơn.

4. Sử dụng các ô cửa kính lớn

Đây được xem là giải pháp lấy sáng tự nhiên cho nhà phố khá đơn giản và dễ áp dụng. Những mẫu cửa đơn giản, không trang trí rườm rà sẽ mang lại hiệu quả đón sáng tối ưu, giúp ngôi nhà bạn vừa thoáng sáng, tránh được khói bụi, vừa sở hữu tầm nhìn đẹp ra khung cảnh bên ngoài.

Gia chủ nên bố trí các ô cửa kính lớn ở vị trí trên tường cao, chẳng hạn như khoảng thông tầng ở phòng khách hoặc thay thế cho bức tường bê tông truyền thống. Để điều chỉnh lượng ánh sáng tự nhiên vào nhà, đồng thời đảm bảo tính riêng tư cần thiết, bạn nên sử dụng thêm rèm che tông màu sáng.

5. Sử dụng vách ngăn bằng kính, lam che thông thoáng

Vách ngăn phòng bằng kính giúp tiết kiệm diện tích đáng kể, tạo cảm giác thoáng rộng hơn cho không gian và đặc biệt là giúp ánh sáng tự nhiên có thể len lỏi vào mọi ngóc ngách trong nhà. Vậy nên, nếu không quá cần thiết thì gia chủ nên thay bức tường bê tông kiên cố bằng vách ngăn kính cường lực trong suốt.

vách ngăn kính
Vách ngăn kính cho phép ánh sáng tự nhiên lan tỏa khắp không gian nhà.

Vách ngăn đặc giữa các khu vực sinh hoạt trong nhà phố là một trong những lý do khiến không gian nội thất bị tối và bí bức. Bạn có thể cân nhắc giải pháp thay thế vách ngăn bằng hệ lam gỗ, lam sắt nghệ thuật, nửa kín nửa hở với những họa tiết đẹp mắt. Lam che không chỉ đảm bảo sự riêng tư cần thiết mà còn giúp nhà phố thoáng sáng hơn mà không cần phải sử dụng quá nhiều các thiết bị chiếu sáng hoặc trổ nhiều cửa sổ. 

6. Dùng gương hút sáng 

Nếu được lắp đặt ở vị trí hợp lý, gương soi còn có tác dụng phản chiếu áng sáng, hút sáng tự nhiên, nới rộng không gian nhà phố một cách hiệu quả. Bạn có thể đặt những chiếc gương lớn ở cửa sổ, cửa chính sao cho ánh sáng được phản chiếu tới từng ngóc ngách tối nhất trong nhà.

Lưu ý là, để tránh tạo cảm giác rối mắt, bạn không nên sử dụng quá nhiều gương theo cách này trong một căn phòng. Ngoài ra, bạn cũng nên tìm hiểu các yếu tố phong thủy khi sử dụng gương để tạo sự cân bằng âm - dương, giúp mang lại vận khí tốt cho cả gia đình. 

gương hút sáng
Gương soi nếu được bố trí ở vị trí hợp lý sẽ giúp hút sáng tự nhiên rất tốt.

7. Sử dụng vật liệu lấy sáng

- Gạch bông gió (gạch thông gió, gạch ô thoáng): Không chỉ là vật liệu lấy sáng tự nhiên phổ biến dành cho nhà phố, gạch bông gió còn có giá trị thẩm mỹ cao, tạo sự gần gũi, thân thiện với môi trường. Kiểu gạch này xua tan sự thô cứng và bí bức của những bức tường bê tông truyền thống.

gạch bông gió lấy sáng
Chiếu xuyên qua gạch bông gió, ánh sáng mặt trời tạo thành những hoa nắng sinh động, đẹp mắt.

- Gạch nung: Đây là vật liệu lấy sáng phù hợp với nhiều không gian chức năng trong nhà phố như phòng bếp, phòng khách, phòng tắm. Gạch nung đang trở thành xu hướng thiết kế nội thất phổ biến hiện nay.

- Gạch kính: Vật liệu này được làm từ các khối thủy tinh rỗng ở giữa, có khả năng cách nhiệt (giảm sức nóng 52%), cách âm, chịu lực tốt, độ bền khá cao. Chức năng chính của gạch kính là lấy sáng, đặc biệt là nguồn sáng tự nhiên cho nhà phố. Các kiến trúc sư Việt Nam thường sử dụng gạch kính để lấy sáng từ mái nhà, hông nhà (nếu có mặt thoáng). 

gạch kính đón sáng
Gạch kính vừa giúp đón sáng, vừa đảm bảo tính riêng tư cần thiết.

- Lưới thép đục lỗ: Những ngôi nhà tọa lạc ở vùng khí hậu nhiệt đới nắng nóng, đô thị đông đúc thường sử dụng lưới thép đục lỗ để đón sáng cho không gian bên trong nhà. Nếu được sử dụng một cách khéo léo, vật liệu này còn tạo điểm nhấn mới lạ cho mặt tiền nhà phố. 

lưới thép đục lỗ
Lưới thép đục lỗ tạo điểm nhấn ấn tượng cho mặt tiền nhà phố.

- Lưới thông tầng: Hiện nay, các mẫu lưới thông tầng màu trắng đang rất được ưa chuộng trong việc lấy sáng tự nhiên. Hơn nữa, lưới thông tầng còn tạo nên không gian thư giãn thú vị cho cả người lớn và trẻ nhỏ. 

lưới thông tầng
Lưới thông tầng tạo không tạo không gian vui chơi thú vị.

8. Thiết kế khoảng thông tầng

So với cách lấy sáng từ giếng trời, thiết kế khoảng thông tầng vừa đảm bảo sự thoáng sáng cho không gian, tạo điểm nhấn sinh động, góc quan sát rộng mà không bị "hở". Đối với nhiều nhà phố hiện nay, khoảng thông tầng không chỉ là nơi thông gió, lấy sáng mà còn là đầu mối giao thông, kết nối giữa các thành viên trong gia đình. 

khoảng tầng tầng lấy sáng
Không chỉ giúp đón sáng tự nhiêng, khoảng thông tầng còn là điểm kết nối, giao lưu chính giữa các thành viên.

9. Thiết kế không gian mở

Ngoại trừ các phòng chức năng cần sự kín đáo như phòng ngủ, phòng tắm, nhà vệ sinh, gia chủ có thể lựa chọn phong cách thiết kế mở, liên thông giữa phòng khách với khu bếp - ăn để lưu thông không khí và ánh sáng tốt nhất. Cách thiết kế này vừa giúp đưa ánh sáng tự nhiên vào nhà nhiều hơn, sâu hơn, vừa đảm bảo sự liền mạch cho không gian và tạo cảm giác thoáng rộng hơn cho nhà phố. 

phong cách thiết kế không gian mở thoáng sáng
Phong cách thiết kế không gian mở đang là lựa chọn của nhiều gia đình hiện nay.

10. Kết hợp linh hoạt nhiều giải pháp

Nếu có thể, gia chủ nên kết hợp các linh hoạt các giải pháp đón sáng tự nhiên cho nhà phố, nhất là đối với nhà phố nằm sâu trong ngõ nhỏ, bị các công trình xung quanh "bủa vây". Tuy nhiên, bạn cần căn cứ vào địa hình, cấu trúc ngôi nhà để lựa chọn giải pháp hợp lý nhất nhằm đảm bảo sự hài hòa cho tổng thể không gian chung.

Để đạt hiệu quả cao nhất, ngay từ khâu thiết kế nhà phố, gia chủ cần quan tâm thích đáng tới việc đón sáng tự nhiên vào không gian nội thất. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là gia chủ phải xác định chính xác mong muốn của mình để kiến trúc sư đề xuất những giải pháp lấy sáng hiệu quả, tiết kiệm chi phí và đảm bảo tính thẩm mỹ cao nhất có thể.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu