Với nhiều gia đình, căn bếp gần như là nơi sinh hoạt chính. Không có căn phòng nào trong nhà cần một hệ thống sắp xếp và lưu trữ hợp lý như nhà bếp.
1. Bỏ đi những đồ không dùng đến
Có khá nhiều công việc bạn cần làm để giữ cho căn bếp luôn gọn gàng nhưng điều đầu tiên đó là cân nhắc để bỏ đi những đồ không dùng đến. Chỉ giữ lại những đồ bạn thực sự cần sử dụng để xóa tan cảm giác bừa bãi, lộn xộn vốn có.
2. Lắp đặt tủ đựng đồ
Nếu bạn đang tu sửa hay lắp đặt tủ đựng đồ, nhớ cân nhắc ý tưởng đặt chúng gần với trần nhà. Có thể độ cao sẽ gây cản trở khi lấy đồ, bạn nên chứa đựng những đồ dùng ít khi sử dụng vào đó. Biết tận dụng độ cao chính là bí quyết để bạn có thể chứa nhiều đồ hơn trong bất cứ căn phòng nào.
3. Giỏ treo trên cao
Bạn có thể giải phóng những ngăn kéo bằng cách đặt những giá treo hay giỏ treo từ trên trần bếp thả xuống. Có rất nhiều kích cỡ, kiểu dáng và chất liệu nên bạn sẽ không khó khăn trong việc tìm kiếm một loại hợp với mình.
Ngòai ra, móc treo là ý tưởng tuyệt vời cho phòng bếp vì tính linh hoạt vốn có. Bạn có thể gắn móc treo ở bất cứ đâu, có thể là trên tường hay thậm chĩ là mặt đáy của giá để đồ. Một điều nhỏ cần chú ý là với trọng lượng đồ dùng cần treo phải thích hợp với từng loại móc.
4. Sắp xếp ngăn kéo
Ngăn kéo chính là một trong số những vật dụng hữu ích nhất trong nhà bếp. Nhiều khi do thói quen sử dụng, bạn thường để tất cả những đồ dùng nhà bếp trong đó mà không sắp xếp khiến cho ngăn kéo luôn chật cứng. Chỉ cần dành một chút thời gian sắp xếp, ngăn kéo của bạn sẽ có khả năng chứa đựng nhiều đến không ngờ.
6. Lắp đặt chạn rời
Những chiếc chạn đứng với kiểu dáng gọn gàng và có thể tách riêng giúp bạn tiết kiệm không gian triệt để. Lắp đặt gần khu vực ăn uống, bạn sẽ dễ dàng chứa đựng vô số chai lọ bát đĩa và nhiều đồ dùng khác.
7. Tận dụng tường bếp
Đóng đinh trên tường và căng dây kim loại để treo đồ dùng nhà bếp là ý tưởng khá thú vị. Giống như bạn đang tạo nên một bộ sưu tập với nhiều chủng loại phong phú từ những đồ dùng quá quen thuộc như chảo rán, nồi niêu, chai lọ hay thậm chí là sách dạy nấu ăn.
Bạn cũng có thể tạo tủ âm bằng các hốc tường. Lò vi sóng hay các loại chai lọ khá thích hợp để đặt vào những tủ âm trên tường đó.
8. Sử dụng hộp đựng
Thay cho những chiếc túi lớn, bạn có thể cất đồ khô vào những chiếc hộp đựng kín hơi và sạch sẽ, dễ dàng xếp gọn thành từng chồng. Nhớ dán nhãn cho từng hộp hay dùng hộp chất liệu nhựa trong để tránh nhầm lẫn.
9. Tận dụng cửa sổ
Với những căn bếp chật hẹp, bạn có thể đặt giá để đồ trên bệ cửa sổ để chứa những vật dụng nhỏ, nhưng nhớ đảm bảo khoảng trống hợp lý để cửa vẫn đóng mở được bình thường.
10. Đừng quên giỏ đựng rác
Giấu giỏ đựng rác sau cánh cửa nhưng nhớ để cách xa khu vực chuẩn bị đồ ăn, đó chính là cách giải quyết hợp lý nhất.
Những vật dụng như một vài cái bút, mấy tờ giấy nhắn, một số hóa đơn … bạn nên dành riêng một ngăn kéo, một giỏ đựng hay sử dụng nam châm để gắn giấy nhắn lên bảng kim loại.
Ngọc Việt