SearchNews

Biệt thự container

30/12/2009 08:18

Tại TP.HCM, lần đầu tiên có một căn biệt thự không đụng hàng, diện tích sử dụng 500 m2 được làm từ container.

Tại TP.HCM, lần đầu tiên có một căn biệt thự không đụng hàng, diện tích sử dụng 500 m2 được làm từ container.

Những ngày qua, nhiều người tò mò khi thấy trên một khu đất biệt thự ven sông Sài Gòn thuộc khu phố 5, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM bỗng trở thành nơi tập kết của những container.

Không... “đụng hàng”

Khu đất rộng khoảng 550 m2 được bao bọc bởi các bức tường cũ có trưng bản phối cảnh biệt thự Mỹ Thanh. Nhìn từ ngoài chỉ thấy những container xếp chồng lên nhau thành hai tầng, nhiều chiếc còn nguyên vách, tên của công ty vận tải biển. Vài container bị tháo gần hết vách, trơ ra bốn trụ chính và tấm sàn. Trên hầu hết vách container được khoét thành những ô chữ nhật, mang dáng dấp của những cửa đi, cửa sổ.

Dù bản phối cảnh là biệt thự nhưng tại công trình hoàn toàn không có một viên gạch. Chỉ có một ít cát, xi măng và tất cả còn lại là những container bị cắt, khoét và những phần thừa. “Không thấy phía trên có giàn sắt chóp nón với hình dáng quen thuộc của một mái nhà cùng với bản phối cảnh thì khó thể tin những container lắp ghép này là một căn biệt thự” - một người đi đường thích thú bình luận.

Kiến trúc sư Nguyễn Cửu Long, Giám đốc Xí nghiệp 2 thuộc Công ty Nhà tiện ích Descon, là người “vẽ” ra biệt thự container ngộ nghĩnh trên. Ông cho biết ở nhiều nước, việc xây nhà, thậm chí xây chung cư, nhà hàng, siêu thị... bằng container khá phổ biến. Còn ở nước ta, lâu nay container chỉ dùng làm văn phòng công trường, phục vụ cho các công trình xây dựng do dễ di chuyển và có thể đặt trên bất kỳ mảnh đất trống nào.

Phối cảnh biệt thự Mỹ Thanh.

“Ở nơi khác thì không rõ chứ tại TP.HCM thì đây là công trình biệt thự đầu tiên làm toàn bằng container” - ông Long khẳng định.

Tiết kiệm

Kiến trúc sư Long cho biết hiện container chứa hàng nhập khẩu về thì nhiều nhưng container chứa hàng xuất đi thì ít khiến lượng container thừa ở TP.HCM ngày càng nhiều. Cứ để container rỗng nằm ở bãi chứa thì chiếm diện tích và về lâu dài có thể trở thành rác công nghiệp, gây lãng phí. Nhưng nếu biết cách sắp xếp một cách thẩm mỹ sẽ tạo thành những căn biệt thự không... đụng hàng.

Hình dáng của căn biệt thự lắp ghép từ 28 container loại 20 feet với diện tích sàn 500 m2 đã hình thành. Theo ông Long, container được sản xuất từ thép không rỉ, có độ bền cao, không bung, không gãy nhằm chịu được sức nặng của hàng hóa (trung bình mỗi container 20 feet chứa 25 tấn hàng) và chịu được sức nặng cộng dồn khi xếp chồng năm bảy lớp container chứa đầy hàng lên nhau. Bản thân các container đã tự nằm được trên nền đất và có thể đặt xếp chồng lên nhau như vậy nên dùng container làm nhà phát huy hiệu quả ở những vùng đất yếu.

Với căn biệt thự đang thi công chỉ cần đúc 50 “gối” bê tông làm móng, tạo mặt phẳng để đặt container. Tổng số tiền làm “gối” chỉ khoảng 25 triệu đồng. Trong khi xây biệt thự theo kiểu thông thường thì với phần móng của biệt thự ngốn đứt vài trăm triệu đồng. “Chỉ riêng phần móng, xây biệt thự bằng container thì chủ nhà tiết kiệm được cả chục lần” - ông Long tính toán.

Phòng khách của biệt thự.

Hơn nữa, khi dùng container thì không cần phải đào đất, đóng cọc làm móng nên rút ngắn thời gian thi công. Biệt thự bình thường sẽ mất hàng tháng trời cho việc xây móng, phần thô nhưng với biệt thự container thì chỉ trong một tuần là vừa xây xong “gối”, đặt container vào vị trí và “bung” một số vách để biến thành các phòng chức năng phù hợp với yêu cầu sử dụng của gia chủ. Số vách container tháo ra được tận dụng làm ô văng che cửa, tấm đỡ cầu thang, vách phòng tắm...

“Xây biệt thự bằng container chỉ mất khoảng ba tháng trong khi xây biệt thự thường với thời gian gấp đôi chưa chắc đã xong. Quan trọng hơn, với phương án này, tôi vẫn có thể có được một biệt thự vừa ý nhưng tiết kiệm được khoảng 30% tổng chi phí” - ông Văn Công Mỹ, chủ căn biệt thự Mỹ Thanh, cho biết.

Không ngại nóng, chỉ sợ đường... hẹp

Vách của container dày 3-5 mm, được sơn phủ kỹ, đảm bảo bền chắc và chống muối mặn ăn mòn do thường xuyên vận chuyển trên biển. Nhờ đó mà vách này được giữ lại làm vách nhà, trần nhà. Nếu chủ nhà không thích sự gồ ghề, lượn sóng thì sẽ ốp vật liệu, trang trí nội thất để che đi.

Lo ngại đầu tiên đối với “căn nhà sắt” là sự nóng bức. Tuy nhiên, chủ căn biệt thự nói: “Hiện nay đã có nhiều loại vật liệu cách nhiệt, cách âm, chống thấm, chống ồn như phủ sơn, phủ lớp bảo ôn, dùng mút, vách cách nhiệt, vách gỗ... Tôi tin chỉ với biện pháp kỹ thuật cũng sẽ giải quyết chuyện nóng mà không cần đến máy lạnh”.

Người đi đường bị cuốn hút bởi sự lạ lẫm của căn biệt thự. Ảnh: MP

Ông Long cho biết biệt thự Mỹ Thanh sẽ được phủ toàn bộ vách tôn bằng bê tông nhẹ, ốp trần thạch cao, lát gỗ sàn. Sau khi thi công xong thì nhìn bên ngoài không còn dấu vết gì của container. Nhưng một nhược điểm đối với việc sử dụng container xây nhà là cần có... đường vào để chở container. Bởi nếu xẻ nhỏ container ra để vận chuyển sẽ làm kết cấu của container yếu đi; tốn kém cho việc lắp ráp lại nên mất đi tính hiệu quả về kinh tế.

Ngoài ra, do chiều cao của container khoảng 2,6 m trong khi độ cao thông thường của một tầng nhà phải trên 3 m nên các container tại biệt thự Mỹ Thanh được nâng độ cao và gia cố cường lực.

Về thời hạn sử dụng, ông Long cho biết ngay cả nhà bê tông cũng có niên hạn sử dụng. Nhà container có thể sử dụng 50 năm. Tuy nhiên, một căn nhà sau khoảng 50 năm sẽ lỗi mốt và gia chủ thường muốn xây lại cho đẹp hơn, phù hợp với nhu cầu sử dụng hơn. Do đó, đầu tư xây một nhà container tính ra vừa lợi ích kinh tế hiện tại, lại vừa thuận tiện cho việc tái xây dựng về sau này.

Dựng nhà hàng container ở khu quy hoạch treo

Ngoài việc dùng container xây biệt thự, ông Văn Công Mỹ đang tính toán xây dựng một nhà hàng ở khu vực Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Nơi dự định xây nhà hàng nằm trên vùng đất yếu, lại rơi vào vùng quy hoạch treo 17 năm qua. Nhà nước cấm xây nhưng đâu có cấm đặt những khối gì trên mảnh đất đó. Với lập luận này, ông Mỹ không gặp sự phản đối của chính quyền địa phương và quyết định dựng một cụm nhà hàng container ở đây. Theo ông, khi cần giải tỏa thì thuê xe đến cẩu nhà hàng container đi mà không lo việc đập dỡ, bồi thường.
Kiến trúc sư Nguyễn Cửu Long đánh giá đây là sự tiện lợi mà những công trình xây dựng thông thường không thể có được.

Được biết, ngoài hai công trình vừa nêu, hiện một kiến trúc sư chuyên ngành kết cấu cũng quyết định xây dựng một căn biệt thự bằng container ở quận 2, TP.HCM; một nhà hàng bằng container ở bến Ninh Kiều (Cần Thơ) cũng đang được chuẩn bị khởi động.

Các dự án này đã mở ra cơ hội mới cho việc ứng dụng container vào công trình xây dựng.

(Theo PLTPHCM)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu