Bếp trong nhà ở hiện đại không chỉ được hiểu là không gian để nấu nướng, ăn uống mà còn là một nơi sinh hoạt thân thiện cho cả gia đình sau một ngày làm việc bận rộn. Ngay từ khi chuẩn bị xây nhà, việc nghiên cứu mặt bằng khu bếp phải được tính toán cẩn thận.
Một căn bếp dù lớn hay nhỏ cũng phải tạo thành một hệ thống hợp lý giữa các khu vực bồn rửa, chuẩn bị và bếp nấu. Các tủ kệ bếp theo đó thường được bố trí theo hình chữ L, chữ U hay kê dọc mặt tường. Để tận dụng tối đa không gian, các kệ tủ thường được thiết kế theo các góc cạnh trong phòng giúp làm nhẹ bớt các đường nét cứng nhắc. Các tủ thông thường dùng để chứa đồ sẽ cần các cánh cửa để che chắn trong khi các kệ không cửa sẽ được dùng để các vật dụng hoặc các bình lọ đẹp trang trí.
Bếp cần thông thoáng nhưng cũng cần có sự kín đáo cần thiết, nên thường các bồn rửa sẽ được ưu tiên đặt ở những nơi có ánh sáng thiên nhiên hoặc gần cửa sổ. Tủ lạnh là một bộ phận quan trọng và chiếm một không gian nhất định trong nhà bếp nên thường được tính chỗ đặt gần kệ bếp và phải được thể hiện ngay từ đầu trên bản vẽ. Việc tính toán cho từng vị trí trên mặt bằng như vậy cũng sẽ không thừa vì ngay cả nơi đặt một ổ cắm điện cũng phải tiện lợi và phù hợp với không gian chung quanh.
Ở các căn nhà phố hoặc những căn hộ việc tính toán cho một căn bếp hoàn hảo sẽ được hướng theo qui tắc: tủ bếp sáng sủa tận dụng tất cả góc cạnh, bếp lò kín đáo, cất các vật dụng linh tinh ngoài tầm mắt sẽ làm căn phòng trở nên rộng rãi hơn. Với những căn bếp được lắp đặt trọn bộ, tủ lạnh, lò viba, lò nướng, máy hút khói... thường được bố trí trong các khoang trù liệu sẵn khiến cho gian bếp trở nên gọn gàng, sạch sẽ...
Một căn bếp thân thiện, hiếu khách
Cũng để phù hợp với một căn bếp nhỏ, việc làm nên những quầy bar ngăn hờ giữa bếp và phòng ăn hiện cũng là xu hướng thông dụng. Đây là nơi thuận tiện để tổ chức những bữa ăn nhanh hoặc một chỗ để chủ nhà có thể vừa ngồi thư giãn, uống một ly nước giải khát sau khi đi làm về.
Thay cho quầy bar và những bức tường bạn cũng có thể linh động làm những sàn nhà giật cấp, sử dụng chính đồ nội thất để làm thành những vách ngăn hờ... Việc tạo ra những khoảng không gian mở liên thông giữa khu vực bếp, phòng ăn và phòng khách cũng là cách tạo nên một không gian thoáng đãng, thân thiện và hiếu khách...
Cần thiết cho việc nấu nướng và chế biến các món ăn nên việc chiếu sáng cho gian bếp cũng được quan tâm và đòi hỏi phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định. Nếu không tận dụng được tối đa ánh sáng tự nhiên ban ngày thì việc bố trí đèn hợp lý cho bếp cũng là việc tối quan trọng. Ánh sáng dành cho bếp theo đó không thể quá màu mè cũng như kiểu cách, phải vừa đủ sáng để chế biến thức ăn đồng thời cũng tạo nên sự ấm áp, gần gũi...
Để có một căn bếp đẹp, màu sắc sử dụng cho bếp cũng phải được chọn lựa phù hợp với không gian và phong cách kiến trúc chung của căn nhà. Những gam màu tươi mát và hiện đại sẽ mang lại cảm giác thoải mái, dễ phù hợp với mọi lứa tuổi nhưng cũng dễ đề-mốt; ngược lại những màu sắc truyền thống như màu nâu gỗ, màu trắng sẽ được sử dụng lâu bền và khó lỗi thời...
Những vật dụng xinh đẹp dùng để trang trí cho bếp như vài xâu hành tỏi (giả), một bức tranh, vài chậu cây cảnh... cũng sẽ là những thứ không thừa giúp gian bếp của bạn trở nên độc đáo và cá tính...
(Theo Tuổi Trẻ)