Tại nhiều nước châu Âu hiện nay, không gian công cộng không nhất thiết phải ở ngoài trời như đường phố, công viên hay quảng trường mà có thể là những không gian bên trong lòng đất hoặc ở những tầng ngầm của các toà nhà lớn.
Xu hướng đưa không gian công cộng vào trong các toà nhà ngày càng trở nên phổ biến ở Paris, nhất là trong các dự án xây dựng các trung tâm thương mại mới. Trong bối cảnh quy hoạch và phát triển các không gian công cộng gắn liền với cơ sở hạ tầng và giao thông, nhiều hình thái mới của không gian công cộng dần hình thành theo kiểu không gian ngầm hoặc trong lòng các công trình xây dựng quy mô lớn. Những không gian ngầm như vậy ban đầu có thể gây ra một số vấn đề về “tâm lý” như cảm giác thiếu thông thoáng hay không đảm bảo an ninh. Nhưng việc khắc phục những hạn chế này không phải là điều quá phức tạp. Dự án Trung tâm thương mại Halles de Seura ở Paris cũng có một hạng mục được quy hoạch dưới dạng không gian công cộng trong nhà nhưng được bố trí rất nhiều cây xanh cùng với một lối vào rộng và rất “bề thế” để tạo cảm giác thông thoáng cho người sử dụng.
Tại Berlin cũng có những khu thương mại và những sân trong rất rộng, cao ngay trong lòng các toà nhà văn phòng, ngân hàng và viện bảo tàng. Những không gian này được thiết kế phù hợp với điều kiện khí hậu bản địa, song cũng để đảm bảo sức hấp dẫn tối đa của những không gian “công cộng” này đối với khách thăm và người tiêu dùng. Một khu vực khác tại Berlin là khu Potsdamer Platz cũng có một thành phố thu nhỏ Daimler City với rất nhiều không gian công cộng dạng khép kín theo nhiều hình thái khác nhau. Trong số này phải kể đến Sony Center với một sân trong rất rộng có mái vòm lớn được thiết kế theo công nghệ mới ở phía trên đảm bảo tạo ra một không gian công cộng có quy mô tương đương với một quảng trường nhỏ và có nhiều lối đi thông ra ngoài. Đối diện với trung tâm này là tổ hợp nhà của Daimler. Trong tổ hợp này có một tuyến hành lang rất rộng nối liền nhiều toà nhà với nhau ở cả bốn tầng nhà, trong đó có hai tầng ngầm.
Ban đầu, hành lang này là một con phố thông thường, sau đó được cải tạo thành một tuyến phố kinh doanh có không gian khép kín và cuối tầng trệt và tầng ngầm của các toà nhà hai bên phố được nối liền với nhau thành một trung tâm thương mại. Cách đó không xa là toà nhà trụ sở của hãng Debis nơi có một sân trong rộng với quy mô tương đương với không gian bên trong của cả Nhà thờ Đức Bà ở Paris.
Tại Roma, dường như không gian công cộng cũng có xu hướng khép kín dần theo phong cách có từ thời La Mã cổ đại. Đến giữa thế kỷ 18, những bản sơ đồ thành Roma nổi tiếng của Giovanni Battista Nolli (1748) cũng đã thể hiện không gian bên trong của các công trình tôn giáo và sân trong của các dinh thự theo cách tương tự như những không gian công cộng mở trên các đường phố hay các quảng trường, từ đó tạo nên sự phong phú về loại hình không gian công cộng của thành Roma cũng như khả năng bổ sung và đối thoại giữa những không gian đó. Hai thế kỷ sau, những công trình độc đáo như “toà thành thời Trung cổ” của công viên âm nhạc (do kiến trúc sư Renzo Piano thiết kế) hay ý tưởng “cánh đồng bất tận” của Viện bảo tàng nghệ thuật đương đại Roma do nữ KTS nổi tiếng Zaha Hadid thiết kế cũng có nhiều điểm tương đồng với hình thức “khép kín” không gian công cộng và đảm bảo sự tiếp nối với cấu trúc đô thị nhưng không hề tạo ra tình trạng “cô lập không gian công cộng”.
Việc đưa không gian công cộng vào bên trong cũng là một hệ quả của việc ứng dụng thành công nhiều công nghệ mới về thông tin liên lạc trong lĩnh vực xây dựng. Khái niệm “toà nhà thông minh” tương ứng với việc biến những công trình xây dựng truyền thống thành các tổ hợp nhà có quy mô lớn liên kết với nhau. Việc kết nối các công trình xây dựng thành những tổ hợp thương mại đặt ra vấn đề về vai trò của không gian công cộng đương đại vào thời kỳ mà các tập đoàn đa quốc gia đang có xu hướng đầu tư vào các đô thị. Ngay bản thân mỗi thành phố cũng muốn “tự biến mình” thành những trọng điểm phát triển thương mại thể hiện đầy đủ mọi phẩm chất và sự năng động để thu hút đầu tư và khôi phục lại những khu vực bị xuống cấp. Còn ở cấp độ các khu dân cư, để đáp ứng những yêu cầu về an ninh, nhiều khu nhà cũng có xu hướng tự tổ chức thành những không gian khép kín trong khi các không gian công cộng được chuyển đổi theo hướng chuyên môn hoá dần và được đưa vào bên trong các khối nhà để tạo thành những tổ hợp công trình khép kín. Những xu hướng này chưa hẳn đã là một dấu hiệu tốt cho các không gian sống trong đô thị bởi để có được những không gian công cộng thực sự, các thành phố phải mở rộng mọi cánh cửa của mình.
(Theo Urbanisme)