Trong mỗi ngôi nhà, ngoài không gian chung và riêng được bố trí trong mối quan hệ tổng thể, khoa học phong thủy còn quan tâm đến không gian hỗ trợ nhằm bổ sung (tiếp khí) cho không gian ở tốt hơn.
Những khoảng đệm dọc theo lối đi lại của nhà (hoặc hành lang nối giữa các phòng) thường ít được sử dụng. Nhưng nếu để ý và khéo sắp xếp, bạn có thể biến những khoảng không gian này thành nơi sinh hoạt gia đình với nhiều chức năng. Ví dụ như dịp lễ, Tết, những khách quan trọng có thể tiếp ngoài phòng khách, còn những khách thân mật hơn hoặc bạn bè của con cái thì có thể chỉ cần vài chiếc ghế kê bên hành lang cũng đủ là nơi hàn huyên vui vẻ. Hoặc khi phòng riêng không đủ diện tích, nhà lại thiếu thư phòng, bạn có thể bố trí tủ sách, tủ trưng bày, vật kỷ niệm... dọc theo hành lang. Những vùng hỗ trợ như vậy được tính toán từ đầu sẽ giúp hành lang sử dụng hiệu quả hơn.
Khoảng kế bên cầu thang có thể làm không gian dự phòng rất tốt. Đây có thể là chỗ vui chơi của trẻ, tiếp khách thân mật, mà ít gây ảnh hưởng đến các hoạt động khác. Do đó, tính chất của không gian này là động và linh hoạt, ngăn chia nhẹ nhàng và tận dụng diện tích.
Nếu nhà có điều kiện, trong thiết kế ban đầu cần lưu ý làm thêm một phòng mang tính dự trù cho chỗ ngủ lại khi nhà có khách bất chợt. Khi không có khách sẽ dùng làm kho hay phòng tập thể dục (nếu có đủ độ thoáng), sẽ rất tiện và giảm bớt áp lực lên các phòng khác trong nhà. Khi trẻ lớn cần có chỗ học trong tầm kiểm soát chung.
Đối với bếp, không gian dự phòng chính là sàn nước và sân sau (hoặc sân giữa tùy theo nhà). Nếu bếp nhỏ, sàn nước có ánh nắng trực tiếp chiếu xuống sẽ giúp cân bằng giữa phong phía trên (động, thuộc dương) và thủy phía dưới (tĩnh hơn, thuộc âm), giúp tránh quẩn gió và tụ ẩm quá mức cho bếp. Trên sân thượng, không gian hỗ trợ chính là phòng giặt, ủi đồ có thể kết hợp làm kho hoặc phòng người giúp việc. Cách bố trí đầy đủ không gian hỗ trợ sẽ phân chia rạch ròi yếu tố chính - phụ trong nhà ở tốt hơn.
(Theo Thanh Niên)