Không phải chỉ màu nóng là đỏng đảnh, các màu lạnh như xanh ngọc cũng thuộc loại rất “khó chơi” vì ở nơi nội thất hay bị “dội” và cộng hưởng với nhau gây cảm giác chói, khó chịu.
Thế giới nội thất bắt đầu từ công việc tô điểm bên trong những công trình mà từ xưa thường làm bằng đá, gạch tô vữa quét vôi ở phương Tây. Đó là thế giới của những màu nhàn nhạt, hiền lành, trung tính, khi đứng riêng một mình thì không thể xác định được là màu gì. Dưới ánh sáng nội thất, những màu này thường ẩn hiện, ôm chứa và làm phông cho các vật dụng trang trí để bật lên qua cách bài trí vật dụng, màu sắc. Đặc biệt là dưới ánh đèn vàng, các màu trung tính luôn tôn vinh các sắc màu tươi của hoa, chất liệu vải hoặc các chất liệu gỗ…
Đến thời nay, nguyên tắc trang trí này vẫn còn thịnh hành với sự sử dụng các màu phấn (pastel colors) để làm màu chủ đạo trong trang trí nội thất. Trên các bộ ghế sofa màu trung tính, những chiếc gối ôm màu xanh nõn, màu đỏ rượu, màu cánh sen luôn thu hút tầm mắt. Những màu nguyên thủy như vàng, cam, xanh lục, xanh biển trên mình các con vẹt cũng tạo sự lôi cuốn bất ngờ của thế giới tự nhiên.
Những màu mạnh, rực rỡ, thật thắm, thật tươi gây kích thích thị giác mạnh luôn là mong muốn khám phá trong thế giới nội thất nhưng rất khó thành công vì các màu như sen thắm, xanh ngọc, vàng rực không khác các cô gái xinh đẹp, trẻ trung nhưng đỏng đảnh khó chinh phục.
Phòng khách do Geofrey Bradfield thiết kế cho một căn hộ ở New York là một cách tôn vinh sự sang trọng và tinh tế của màu tím môn bằng gam màu xám hòa quyện cùng các màu đen và chất liệu chrôme trong ánh sáng trắng. Một nhánh lan trắng đặt gần đó đầy ẩn ý của sự sang trọng và quý phái. Không hiền lành như Bradfield, nhà thiết kế nội thất Jamie Drake đã mạnh dạn sử dụng màu tím lan để làm màu chủ trong căn hộ của riêng mình tại New York
Ngay tiền sảnh các bức tường màu tím thật thắm này báo hiệu một bảng màu nội thất đặc biệt tiếp theo sau: kích cỡ to lớn của bình hoa xanh biếc, những bông hoa trắng, các bảng mã vạch cách điệu nhộn nhịp những gam tím, hồng, vàng nhảy múa tạo chút dương tính cho sự yểu điệu nơi đây. Trong phòng khách, các màu tím lan tiếp tục nhảy múa quanh tấm thảm với sự phụ họa của những vòng tròn đủ màu trên tấm tranh trừu tượng. Màu tím ở đây vẫn nổi bật .
Trong phòng ăn, màu tím tiếp tục, tuy có nhạt hơn nhưng vẫn “vung vãi” khắp nơi với sự cân bằng của bộ bàn ăn xám, các gam tím than, một ít xanh nõn tươi trẻ. Qua đến phòng ngủ chính, màu vàng nghệ hơi gây bất ngờ nhưng vẫn chắc chắn với các vệt đen trắng ngựa vằn nhấn nhá. Đối với Drake: tím là tím, vàng là vàng, không pha trộn.
Không phải chỉ màu nóng là đỏng đảnh, các màu lạnh như xanh ngọc cũng thuộc loại rất “khó chơi” vì ở nơi nội thất hay bị “dội” và cộng hưởng với nhau gây cảm giác chói, khó chịu. Công ty thiết kế nội thất Diamond Baratta Design, New York, đã thành công khi mang biển vào trong một ngôi biệt thự ở Florida, Mỹ.
Chuyển tiếp từ màu trắng bên ngoài, tiền sảnh bắt đầu giới thiệu màu ngọc, màu xanh nõn, trên nền tường trắng và một bức tranh tường hòa điệu cùng chiều sâu của cầu thang thành một bức tranh nhiệt đới theo phong cách của Paul Gauguin
Cảm giác nhẹ nhàng không còn khi ta bước vào phòng khách: biển như ập vào với màu xanh trên thảm, trên vải bọc các chiếc ghế có hoa văn quả trám gợi lại hình ảnh các chú hề tung hứng trong gánh xiếc như đang “surfing”. Tại phòng ăn, phong cách thuộc địa vùng biển Caribe thật rõ ràng. Các trang trí mắt cáo châu Âu hòa quyện cùng chi tiết bàn ăn thật ngoạn mục với các chiếc ghế màu nguyên thủy như lơ lửng trên quỹ đạo của các vòng chiêm tinh trên thảm.
Tại phòng sinh hoạt và giải trí, bức tranh tường tạo một “lối thoát ngọt ngào” cho sự choáng ngợp về màu sắc. Bức tranh to lớn ẩn giấu dàn thiết bị nghe nhìn phía sau, những họa tiết đặc biệt trên ghế, trên thảm rất ý nhị: áo chim cò đã làm nên… phong cách biển.
(Theo Nhà đẹp)