Gian bếp cũng cần có sự đầu tư về mặt thiết kế cũng như cách lựa chọn nội thất cho phù hợp, bởi chúng là thành phần thiết yếu tạo nên không gian hiện đại, hoàn hảo và cực kỳ tiện dụng. Trong đó tủ bếp là một khoảng chi chính đáng và cần thiết nhằm đem đến sự gọn gàng, ngăn nắp.
Thông thường khi được thiết kế, căn bếp của các hộ gia đình sẽ được KTS xử lý về mặt công năng, màu sắc và kiểu dáng, chủng loại của tủ bếp sao cho phù hợp, tiện dụng nhất có thể. Chính vì vậy gia chủ hoàn toàn có thể yên tâm về mặt thẩm mỹ cũng như chức năng sử dụng của chúng.
Tuy nhiên, với những căn bếp không có thiết kế thì việc tự mình bài trí và lựa chọn tủ bếp cũng không hề đơn giản vì trên thị trường có quá nhiều mẫu mã khiến gia chủ cảm thấy rối mắt, trong khi đó nếu không được xem xét kỹ lưỡng có thể dẫn đến việc khi lắp đặt tủ bị quá khổ hoặc hụt so với tường nhà bếp, ngoài ra màu sắc và kiểu dáng không chắc chắn có phù hợp hay không, ảnh hưởng tới không gian tổng thể hay không.
Gia đình nào cũng mong muốn chọn được một tủ bếp sử dụng được lâu dài, kiểu dáng đẹp mắt, màu sắc hài hòa và quan trọng là tiện lợi và ít chi phí. Chính vì vậy, khi lựa chọn tủ cho căn bếp, bạn nên chú ý những tiêu chí sau đây:
- Nếu lựa chọn tủ đóng sẵn có ưu điểm là giá thành hợp lý nhưng lại có nhiều hạn chế như giới hạn về kích cỡ, chủng loại gỗ và kiểu dáng của cửa. Vì chúng khá phổ biến nên bạn không thể tạo ra nét cá tính riêng cho căn phòng, chính vì vậy khi quyết định lựa chọn loại tủ này thì gia đình cần chú ý đo kích thước thật chuẩn, lựa chọn màu sắc phù hợp với màu của tường và nên chọn những kiểu dáng đơn giản là hợp lý nhất.
- Tủ bếp thiết kế riêng có thể tạo ra nhiều kiểu dáng, màu sắc, chủng loại theo yêu cầu và hoàn toàn phù hợp với không gian nhà bạn. Ngoài ra khi đặt đóng tủ riêng bạn có thể tận dụng những góc trống cho một vài chiếc kệ nhỏ dụng để trang trí hay lưu trữ vật dụng làm bếp nhỏ.
- Cần biết những tiêu chuẩn của một tủ bếp trước khi bắt tay vào thực hiện. Bởi nếu làm sai, bạn sẽ khó khăn trong việc sửa chữa và tất nhiên là vô cùng tốn kém. Có thể được điều chỉnh tùy theo chiều cao của người sử dụng. Ví dụ, chiều cao tổng thể của toàn bộ phần tủ bếp vào khoảng 2,5m, thì nên để phần tủ dưới cao 1m và khoảng cách trống giữa phần tủ dưới và trên chỉ nên ở mức 0,45-0,6m
- Tủ bếp có thể là hình chữ L, U, G, I hay tủ bếp đảo tùy vào vị trí, không gian lớn nhỏ của bếp. Dựa trên chiều cao của trần phòng bếp mà chọn loại tủ cao hay thấp. Cao thì khoảng 2.4-2,5m, thấp thì khoảng 2m.
- Màu sắc của tủ và tường phải hài hòa và cân đối. Thông thường màu tường và màu tủ là hai màu tương phản nhau, màu tường phải làm nền nổi bật cho tủ bếp.
- Muốn tủ bền lâu thì không nên đặt trực tiếp lên sàn mà luôn phải có chân tủ, đặc biệt là tủ làm bằng gỗ.
Mai Hà