Tầng chân tường là một dạng tầng hầm thấp bên dưới nền tầng một, thường chỉ dùng làm tầng kỹ thuật, chẳng hạn như để các thùng đựng nước để bơm lên trên mái...
Trong các ngôi nhà ống chọn giải pháp kiến trúc lệch tầng, sàn cao - sàn thấp sẽ cho những không gian rất đẹp, nhất là ở tầng trên cùng và sân thượng. Nhưng ở tầng thấp nhất, sàn trước thấp, sàn sau muốn cao hơn sẽ phải đắp đất bù cốt cao độ. Gặp trường hợp có tường liền kề của hàng xóm, khoảng hở giữa các bức tường riêng sẽ là nơi côn trùng trú ngụ. Ngoài ra, với một khối lượng đất đắp cao như vậy, chắc chắn lâu ngày sẽ sinh ra tổ mối, ổ gián, hang chuột... ngầm dưới mặt đất, chưa kể dần dần đất đắp sẽ sụp lún...
Với ngôi nhà này, kiến trúc sư đã mạnh dạn nâng thêm sàn sau lên, cho cao hơn sàn trước khoảng 1,7 m và kết hợp với hẻm sau làm thành một tầng chân tường có đủ chỗ để xe hai bánh và phòng ngủ cho người giúp việc. Khoảng giữa phòng khách, bếp chênh nhau 1,7 m là giếng trời và cũng là nơi để bàn ăn cao hơn phòng khách khoảng 85 cm.
Độ cao trung gian này làm cho ngôi nhà có độ cao sàn "chập chùng" nhưng bếp không cao chất ngất. Bên dưới sàn bê tông của phòng ăn là phòng kỹ thuật, thùng nước và máy bơm được đặt nổi, vừa vệ sinh, vừa dễ sửa chữa. Chưa sử dụng hết không gian, chủ nhà có thể làm một hầm rượu chát trong tầng kỹ thuật. Với chênh lệch độ cao sàn ở phía sau gần 4,5 m tầng trệt lại có thêm kho lửng bên trên phòng vệ sinh. Tầng áp mái cũng được tận dụng để làm kho và hồ nước.
Gọi là "tầng chân tường" nhưng tầng này vẫn thoáng khí và không ẩm thấp, vì không thấp hơn mặt đường và mặt hẻm sau. Với một con hẻm phía sau, giải pháp kiến trúc này còn giấu được các xe máy, và người giúp việc cũng có chỗ nghỉ ngơi.
(Theo Nhà Đẹp)