Phòng trẻ em có một số yêu cầu đặc biệt so với những căn phòng khác trong nhà. Chính vì vậy, trước khi thiết kế và trang trí phòng trẻ em, chúng ta cần nắm được các hoạt động và tâm lý của trẻ để có một thiết kế phù hợp.
Hoạt động chính của trẻ là ăn, chơi, ngủ (hoạt động thể chất). Do đó phòng trẻ không nên chỉ kê giường ngủ như những phòng khác, mà nên để dành một khoảng sàn rộng cho trẻ chơi đùa. Nên kê giường ngủ của trẻ vào sát tường để tăng diện tích trống. Vì trẻ càng hoạt động thể chất nhiều càng tốt, nên có thể bố trí thêm đồ chơi lớn như mô hình nhà cho trẻ chui vào được, cầu trượt mini, lều vải... tuỳ thuộc vào diện tích phòng, hoặc tạo giường tầng để trẻ leo trèo và tạo khoảng trống phía dưới cho trẻ chơi đùa.
Cũng vì tính hiếu động của trẻ mà vấn đề an toàn được đặt lên hàng đầu. Lưu ý không bố trí đồ đạc cứng, sắc cạnh hoặc đồ dễ vỡ, thậm chí cả đồ chơi nhỏ mà trẻ em dễ ngậm và nuốt. Đồ đạc phải không có góc nhọn, kết cấu đơn giản nhưng chắc chắn, không có các chất độc (trong sơn, mạ, chi tiết cấu tạo...). Ngăn kéo, cánh tủ cũng cần chắc chắc (tránh rơi ngăn kéo), có độ trơn nhất định (tránh kẹp tay trẻ). Phòng trẻ em không nên có ban công, nếu có thì ban công phải thiết kế sao cho trẻ không thể trèo lên được. Thiết bị điện trong phòng thiết kế hạn chế và bố trí ngoài tầm với của trẻ.
Sàn nhà nên lát gỗ hoặc trải thảm để đỡ lạnh và cứng, tốt hơn là dùng sàn gỗ vì sàn gỗ dễ làm vệ sinh hơn thảm. Tường nhà là nơi trẻ hay bôi bẩn, nên dùng vật liệu dễ lau chùi (ốp gỗ, ốp tấm nhựa...) hoặc thiết kế hẳn một mảng tường như một tấm bảng để trẻ tự do tô, vẽ trên đó.
Trẻ em trong giai đoạn tiếp thu, ghi nhớ và bắt chước rất tốt, nên thiết kế đồ đạc và các chi tiết trang trí có hình khối cơ bản (hình chữ nhật, vuông, tròn) và các hình ngộ nghĩnh, mang tính tưởng tưởng cao để kích thích trí tưởng tượng của trẻ. Ví dụ có một chi tiết trang trí hình tròn trên trần, trẻ có thể liên tưởng đến mặt trời, quả bóng, trát đất, hay thậm chí liên tưởng đến cả chiếc bánh, bông hoa... Không nên dùng các chi tiết trang trí quá cụ thể sẽ làm giảm trí tưởng tượng của trẻ. Ví dụ như trang trí hình tròn với chi tiết là hình quả bóng đá, khi đó hình tròn đó chỉ gợi trong trí óc trẻ là quả bóng đá, chứ không tạo được sự phong phú trong trí tưởng tượng của trẻ.
Về màu sắc, nên dùng 3 màu cơ bản xanh, đỏ, vàng để tạo nên các màu khác. Màu sắc phong phú trong phòng sẽ kích thích dây thần kinh thị giác của trẻ phát triển. Cùng với hình khối nói trên, màu sắc sẽ tạo tạo ra trí tưởng tượng phong phú cho trẻ. Đây là một khâu không thể thiếu trong quá trình trưởng thành của trẻ.
Ngoài việc thiết kế đồ đạc có kích thước phù hợp với độ tuổi của trẻ, cũng cần phải lưu ý trẻ tăng trưởng và thay đổi rất nhanh. Do đó, đồ đạc có khả năng thay đổi kích cỡ hoặc dễ dàng thay đổi bố trí đồ trong phòng là giải pháp thích hợp và kinh tế. Vì vậy nên sử dụng nhiều đồ rời và linh hoạt hoặc đa chức năng, không nên sử dụng các đồ gắn cố định vào tường hoặc sàn.
Giới tính cũng là yếu tố nên chú trọng khi thiết kế phòng trẻ. Bé trai nên thiết kế màu sắc mạnh mẽ (xanh dương, đỏ, trắng), các chi tiết trang trí có hình khối dứt khoát. Trái lại, phòng bé gái nên thiết kế màu sắc vẫn phong phú nhưng nhẹ nhàng và ít tương phản hơn (hồng, trắng, cam, xanh lá cây...), hình khối trang trí mềm mại tạo nét duyên dáng và nữ tính hơn.
Một chi tiết tuy nhỏ nhưng vô cùng quan trọng trong quá trình chăm sóc trẻ là không tạo phòng kín độc lập tuyệt đối, nên dùng cửa kính trong (kính an toàn) cho phòng trẻ để cha mẹ có thể luôn quan sát được hoạt động của con cái trong phòng, và nếu có thể nên bố trí thêm thiết bị thu âm thanh trong phòng trẻ để cha mẹ kịp thời xử lý đối với tình huống xấu.
KTS Bùi Việt Hoài
Công ty Kiến trúc A+