Những đồ điện tử, đồ gia dụng hay những món đồ thường ngày khác có chứa những chất độc hại và là tác nhân mang độc tố vào nhà. Các chất độc phổ biến nhất phải kể đến như trichloroethylene, formaldehyde hay benzen.
Tuy nhiên, may mắn là có một số loại cây cảnh trong nhà có thể giúp loại bỏ độc tố, từ đó tạo ra không gian sống trong lành hơn. Hãy tham khảo những thông tin dưới đây để lựa chọn loại cây phù hợp với gia đình bạn nhé.
1. Đa búp đỏ/đa cao su
Cây đa búp đỏ được nhiều người yêu thích bởi màu sắc, hình dáng đẹp mắt và có ý nghĩa mang lại những điều tốt lành. Hơn thế nữa, loại cây này còn có khả năng hấp thu các chất độc như trichloroethylene, formaldehyde, carbon monoxide có trong không khí. Loại cây này cũng dễ chăm sóc, bạn chỉ cần tưới nước 1, 2 lần hàng tuần là được. Lưu ý, đa búp đỏ là loại cây ưa sáng nên cần được đặt ở những nơi có ánh sáng mặt trời.
Cây đa búp đỏ
2. Cây thường xuân
Loại cây leo mềm mại này có tác dụng to lớn trong việc làm trong lành không khí. Cụ thể, cây thường xuân có thể hấp thụ được trichloroethylene, formaldehyde, carbon monoxide và benzen. Cây thường xuân khá dễ chăm sóc, không cần nhiều ánh sáng và không đòi hỏi được tưới nước thường xuyên.
Cây thường xuân
3. Lan Ý
Lan Ý có lá bóng, đẹp, thậm chí còn ra hoa nên được nhiều người lựa chọn trong trang trí nhà. Bên cạnh tính thẩm mỹ cao, lan ý còn có khả năng loại bỏ các chất formaldehyde, benzen, trichloroethylene, amoniac có trong nhà. Lan ý là cây ưa bóng râm và không cần tưới nước nhiều.
Cây lan Ý
4. Cây lưỡi hổ
Loại cây cảnh đẹp, hợp với rất nhiều không gian trong nhà và không cần chăm sóc nhiều. Về công dụng lọc khí độc, cây lưỡi hổ có thể thanh lọc xylen, trichloroethylene, formaldehyde, benzen. Đặc biệt hơn, lưỡi hổ có khả năng nhả oxy vào buổi tối nên rất thích hợp để trồng trong nhà. Loại cây này ưa sáng hoặc chịu bóng bán phần, không đòi hỏi tưới nước nhiều.
Cây lưỡi hổ
5. Cọ lá tre
Gần đây, cọ lá tre là loại cây rất được ưa chuộng trong trang trí nội thất. Loại cây này không những đẹp, tạo được điểm nhấn mà còn loại bỏ được trichloroethylene, formaldehyde và benzen có trong không khí. Cọ lá tre ưa ánh sáng gián tiếp, bạn cũng không nên để bề mặt đất quá ẩm.
Cây cọ tre
6. Lô hội
Lô hội nổi tiếng với công dụng làm đẹp, chữa bệnh. Bên cạnh đó, lô hội còn có tác dụng thanh lọc không khí, đặc biệt là chất formaldehyde. Loài cây này rất ưa sáng, cần ánh sáng tự nhiên và cần được tưới nước 2, 3 lần mỗi tuần.
Cây lô hội
7. Vạn niên thanh
Vạn niên thanh với đặc tính dễ trồng, dễ sống, xanh tốt quanh năm, lại mang ý nghĩa may mắn, tốt đẹp nên rất được ưa chuộng trong trang trí nội thất. Hơn thế nữa, vạn niên thanh còn có tác dụng thanh lọc xylene, toluene trong nhà. Tuy nhiên, nhựa của cây này có thể gây ngứa và hoa, lá chứa chất độc nên cần hết sức cẩn thận. Vạn niên thanh sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện ánh sáng vừa phải và với nền đất ẩm.
Cây vạn niên thanh
8. Trầu bà lục lăng
Loại cây thân leo với lá hình trái tim, thân cây mảnh mai rất đẹp. Ngoài tác dụng làm đẹp, trầu bà lục lăng còn có thể thanh lọc formaldehyde. Khi trồng trầu bà lục lăng, bạn cần đảm bảo ánh sáng tự nhiên và không nên tưới quá nhiều nước cho cây.
Trầu bà lục lăng
9. Cây nhện
Cây dây nhện có thân dài và hình dáng bắt mắt. Cuối dây thân đều có điểm hoa trắng như hình ngôi sao. Khi trồng cây dây nhện, bạn có thể treo cây lên cao để tiết kiệm diện tích. Loại cây này có khả năng loại bỏ các chất độc hại như xylene, toluene, formaldehyde. Cây nhện ưa ánh sáng trực tiếp và không cần tưới nhiều nước.
Cây dây nhện
10. Cây vạn lộc
Với dáng hình đẹp, tên mang ý nghĩa may mắn nên không khó hiểu khi vạn lộc lại được yêu thích để trồng trong nhà. Cây vạn lọc có khả năng làm sạch khí trichloroethylene, formaldehyde, carbon monoxide và benzen trong không khí. Loại cây này có thể phát triển tốt trong điều kiện thiếu sáng, thiếu nước.
Cây vạn lộc