Mùa mưa mang đến cái mát mẻ nhưng cũng kèm theo vô khối nỗi lo cho căn nhà. Nào trần bị ố, tường thấm nước, bong tróc sơn, không khí ngập mùi ẩm mốc…nguồn cơn cớ sự xoay quanh hai chữ thấm và dột.
1001 nguyên nhân.
Theo anh Phạm Hoàng Trung, PGĐ Marketing phụ trách Kỹ thuật của Công ty sơn 4Orange, tình trạng nhà thấm, dột rất phổ biến ở nước ta. Nguyên nhân có thể do thi công "đốt" tiến độ, không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và do cách chọn vật liệu không phù hợp. Đây là nguyên nhân gây thấm, dột phổ biến. Ví dụ như tường không được tô hồ bề mặt, không tô kỹ mạch hồ giữa các viên gạch. Đa phần nhà ở nước ta xây biệt lập, khoảng cách giữa hai nhà rất hẹp nên chắc chắn mặt ngoài của bức tường giáp nhà hàng xóm thường không được tô hồ. Kẽ hở này là nơi nước ngấm vào tường gây rộp, bong tróc sơn.
Với hiện tượng dột, đa phần nước vào nhà từ những nơi giáp mí tôn, lỗ đinh của tôn, những nơi mái tôn giáp mí với những nhà xung quanh, những nơi gắn quạt hút gió. Cũng có nhà không bị nứt nhưng mỗi lúc trời mưa lại thấy nước rơi tự do từ trên trần xuống. Nguyên do khi thi công không nghĩ đến độ dốc cho trần khiến trần đọng nước. Nhiều ngôi nhà được chủ nhân chú trọng dùng các vật liệu chống thấm, dột ngay từ giai đoạn thi công nhưng lại dùng không đúng cách hoặc chọn không đúng loại vật liệu.
Ngoài ra, cũng có thể nhà thấm, dột có nguyên nhân từ kết cấu ngôi nhà hoặc vị trí đất thấp, ẩm….Thôi thì một ngàn lẻ một nguyên nhân khiến căn nhà xuống cấp, làm cho mái dột, trần ố, tường thấm nước và bong tróc sơn trong mùa mưa. Đặc biệt tình trạng thấm, dột dẫn đến không khí đầy mùi nấm mốc trong nhà. Khỏi cần nói cũng hiểu điều này gây hậu quả đối với sức khỏe như thế nào, nhất là với những gia đình có trẻ nhỏ hoặc người mắc các bệnh về đường hô hấp.
Sơn chống thấm có ngăn được nước
Có bao nhiêu nguyên nhân gây tình trạng nước mưa "xâm lược" căn nhà thì cũng có ngần ấy cách xử lý. Nhưng theo anh Phạm Hoàng Trung, nguyên lý chung khi xử lý thấm dột là phải tìm ra nguyên nhân nguồn nước và giải pháp "chữa trị" dứt điểm. Khi bạn thấy bức tường này bị thấm, đừng vội bắt tay vào "giải quyết" nó, biết đâu nguyên nhân gốc rễ lại từ sân thượng.
Giải pháp được xem là đơn giản nhất và được nhiều người sử dụng nhất hiện nay là dùng sơn chống thấm. Sơn hoặc keo chống thấm đa phần chống thấm do màng sơn sau khi hoàn thiện sẽ tạo một lớp màng liên kết bảo vệ bề mặt tường, sàn. Những loại sơn tốt có màng liên kết tốt, độ co giãn cao do thành phần keo trong sơn tốt và chịu được những tác nhân môi trường thay đổi bất thường.
Ít người biết rằng sơn chống thấm cũng có nhiều loại phù hợp với các loại bề mặt khác nhau. Từ những chất phụ gia chống thấm pha vào xi măng trộn khi đổ bêtông, đến những chất chống thấm sàn dạng dẻo phủ lên bề mặt sân thượng, sàn nhà vệ sinh trứớc khi lót gạch; sơn nước chống thấm gốc xi măng giúp tiết kiệm chi phí đối với những vách tường không cần thiết đến sự thẩm mỹ cao; sơn chống thấm sinh hóa, sơn nước trang trí, hay những loại keo silicon để hạn chế những khe hở cửa, lỗ đinh…Trong đó, sơn nước chống thấm vừa là một trong những giải pháp chống thấm tường đơn giản, được thi công sau khi bề mặt tường hoàn thiện, vừa có tính năng tạo nét thẩm kỹ của công trình.
Cần nhất cách sử dụng đồng bộ
Chọn được đúng loại thuốc "đặc trị" rồi nhưng phải sử dụng đúng cách mới có hiệu quả như ý. Đối với sơn chống thấm, khi sử dụng cần nhất sự đồng bộ. Nếu không đủ kinh phí, nên cắt đối tượng thi công theo từng cụm, để tránh tình trạng chỗ có chỗ không sơn chống thấm hoặc sử dụng không đủ độ dày. Khi tút lại nhà vì thấm, dột, anh Phạm Hoàng Trung cho rằng hết sức lưu ý nguyên lý nước sẽ chảy. Nếu chúng ta bịt chỗ này, nước sẽ chảy đến chỗ khác. Do đó nên sử dụng đồng bộ, tiết kiệm không đúng chỗ sẽ gây nên những thiệt hại lớn hơn, mất thời gian sửa chữa nhiều hơn. Lúc đó tính ra chi phí lại còn cao hơn.
Ngoài ra, khi sơn, chú ý phủ 2-3 lớp theo đúng tiến độ nhà sản xuất, hạn chế việc đốt tiến độ thi công làm màng sơn không đủ độ dày và những lớp sơn trước chưa thật sự khô hẳn. Điều này dễ gây ra hiện tượng tường tróc từng mảng.
(Theo SSM)