SearchNews

Điểm danh những phong cách thiết kế nội thất nổi bật trong năm 2018

23/05/2018 17:17

Từ cổ điển đến hiện đại, từ nghệ thuật đến mộc mạc, từ tối giản đến ấn tượng… tất cả đều là những phong cách thiết kế nội thất vô cùng nổi bật và rất được yêu thích. Những điểm đặc trưng của từng phong cách cơ bản dưới đây sẽ giúp bạn dễ dàng tìm kiếm được ý tưởng thiết kế nội thất cho phù hợp với không gian nhà mình.

Trước khi bắt tay vào thiết kế cho bất cứ một công trình nào, các kiến trúc sư đều phải cân nhắc tới việc lựa chọn phong cách thiết kế nội thất sao cho phù hợp với đặc điểm, kiến trúc của công trình cũng như cá tính, thói quen sinh hoạt của gia chủ nhưng vẫn phải đảm bảo được công năng, tính thẩm mỹ và tính kinh tế. Dưới đây là những phong cách nổi bật trong thiết kế nội thất mà các kiến trúc sư và gia chủ có thể tham khảo để vận dụng linh hoạt cho công trình của mình.

Phong cách hiện đại

Phong cách hiện đại là một khái niệm rất rộng, được sử dụng để mô tả những công trình có sự tương đồng về cách bố trí mặt bằng tự do và phi đối xứng, sử dụng màu sắc trung tính nhưng ấn tượng, nội thất có hình khối cơ bản như hình chữ nhật, hình vuông, tròn với bề mặt sắc nét, không khắc viền và không có các chi tiết trang trí. Phong cách này cũng hướng tới việc sử dụng các vật liệu mới như thép, kính và bê tông.

phong cách thiết kế nội thất hiện đại
Phong cách thiết kế nội thất hiện đại phù hợp với thị hiếu của đa số mọi người

Phong cách hiện đại có ưu điểm là phù hợp với thị hiếu của đa số mọi người bởi vẻ đẹp, tính tiện dụng, gọn gàng nhưng vô cùng hấp dẫn và sang trọng. Phong cách này cũng rất phù hợp với những không gian nhỏ vì nó giúp tối đa hóa cho các không gian và tạo cảm giác căn phòng như rộng hơn so với thực tế. Ngoài ra, phong cách hiện đại rất dễ thiết kế và thi công, do vậy không đòi hỏi đội ngũ thiết kế, thi công có kinh nghiệm lâu năm.

Tuy nhiên, phong cách này cũng có nhược điểm khiến nhiều người phải e dè đó là chi phí. Thông thường, để làm toát lên phong cách này thì cần sử dụng chất liệu, đồ đạc ngoại nhập, có chất lượng cao nên chi phí rất lớn. Ngoài ra, một số người cảm thấy phong cách thiết kế nội thất hiện đại quá đơn điệu, cứng nhắc, tạo cảm giác lạnh và thiếu tính dân tộc.

Phong cách cổ điển

Không giống như phong cách hiện đại, phong cách cổ điển thiên về sử dụng những nội thất có thiết kế sang trọng, họa tiết cầu kỳ nhưng vẫn phải toát lên vẻ tinh tế, đẳng cấp. Thông thường, các chi tiết trong thiết kế thường là biểu tượng tôn giáo, mô phỏng tác phẩm nghệ thuật kinh điển hoặc được trạm, khảm cầu kỳ theo phong cách hoàng gia. Một đặc điểm nổi bật trong phong cách cổ điển đó là chỉ sử dụng một tiêu điểm và các đồ vật được bố trí đối xứng qua tiêu điểm này.

phong cách cổ điển
Phong cách cổ điển thiên về những đồ nội thất có thiết kế cầu kỳ, hoa văn tinh tế

Phong cách cổ điển tồn tại nhược điểm là thiếu sự gần gũi, thân thiện và khó áp dụng.

Phong cách tân cổ điển

Phong cách tân cổ điển được xem là sự kết hợp hoàn hảo giữa phong cách cổ điển và phong cách hiện đại. Theo đó, các chi tiết cổ điển sẽ được thể hiện lại theo cách hiện đại hơn. Tại đây, các giá trị cũ vẫn được bảo tồn, đồng thời các chi tiết mới sẽ được bổ sung thêm nhằm tạo sự khác biệt cho phong cách. Chẳng hạn, thay vì mạ vàng, bạc các chi tiết thì có thể thay bằng sơn, vecni.

phong cách tân cổ điển
Thiết kế nội thất phong cách tân cổ điển

Phong cách đương đại

Nhiều người vẫn thường nhầm lẫn giữa phong cách hiện đại và đương đại bởi giới hạn giữa hai phong cách thực sự rất mong manh. Điểm đặc trưng nhất của phong cách đương đại đó là các thành phần kiến trúc đều rất đơn giản, sử dụng các đường, khối rõ ràng để tạo nên không gian nội thất, đồng thời hạn chế các chi tiết trang trí, họa tiết rườm rà.

phong cách đương đại
Phong cách đương đại có các thành phần kiến trúc đơn giản, hạn chế các chi tiết rườm rà

Phong cách công nghiệp

Phong cách thiết kế công nghiệp nhấn mạnh vào các chi tiết cơ sở hạ tầng đơn giản ở mức tối thiểu, để lộ các chi tiết tưởng chừng như chưa hoàn thiện và sử dụng vật liệu thô nhiều hơn, gợi lên không gian nhà xưởng đầy thú vị. Ở phong cách này, bạn sẽ thấy sự xuất hiện của bức tường gạch không sơn trát, đường ống kim loại, dầm lộ thiên.

phong cách công nghiệp
Đặc trưng của phong cách công nghiệp là dầm lộ thiên và những bức tường gạch thô mộc

Do bản chất của phong cách công nghiệp là mô phỏng khoảng không gian rộng lớn trong nhà máy hay nhà kho nên các khu vực đều được bố trí chung trong một không gian mở. Màu sắc được sử dụng chủ yếu là trắng, xám và đen.

Phong cách tối giản

Phong cách nội thất tối giản được lấy cảm hứng từ phong cách Nhật Bản và các ý niệm từ triết lý Thiền. Chủ nghĩa tối giản tôn sùng sự giản lược trong kiến tạo không gian nên các yếu tố cấu thành không gian và nội thất càng đơn giản, càng ít chi tiết càng tốt. Mọi chi tiết hiếm hoi hiện hữu trong thiết kế đều phải được chăm chút kỹ lưỡng và đạt tới mức hoàn hảo.

phong cách tối giản
Ánh sáng tự nhiên là yếu tố rất quan trọng trong phong cách nội thất tối giản

Đặc trưng của phong cách tối giản là sử dụng màu trung tính, đồng thời tiết chế số lượng màu sắc, thường sử dụng không quá 3 màu. Do đó, ánh sáng là yếu tố quan trọng để tạo nên các hiệu ứng về thị giác và thẩm mỹ trong phong cách này. Việc thiết kế không gian mở với nội thất tối giản và tùy biến không gian nhằm tiết kiệm diện tích cũng cần được chú trọng. Các tủ lưu trữ đồ được thiết kế ẩn trong tường, trong nội thất cũng là chìa khóa góp phần tạo lập phong cách tối giản.

Phong cách retro

Phong cách retro xuất hiện lần đầu vào những năm 50-70 của thế kỷ trước và đã tạo nên cơn sốt trong làng thiết kế nội thất. Phong cách này chủ yếu áp dụng những nguyên tắc của phong cách cổ điển nhưng được cách tân mạnh mẽ để tạo nên đặc trưng riêng. Với phong cách retro, nhưng gam màu nhẹ nhàng thường được kết hợp với những màu sắc đậm, nổi bật để tạo nên vẻ đẹp rực rỡ một cách ngẫu hứng cho không gian.

phong cách retro
Phong cách retro là sự kết hợp tinh tế giữa tính hiện đại và cổ xưa

Nội thất trong phong cách retro có sự kết hợp tinh tế giữa hiện đại và cổ xưa nên vô cùng cuốn hút. Đó có thể là chiếc bàn, ghế, tủ được thiết kế cách tân, thanh thoát, chỉ giữ lại đường nét chính từ thiết kế cổ điển và có sự biến tấu các họa tiết theo cách thể hiện đơn giản hơn.

Phong cách Maverick

Phong cách Maverick có nhiều điểm tương đồng với phong cách hiện đại với cách tiết cận độc, lạ, sáng tạo. Điểm nhấn của phong cách thiết kế nội thất Maverick chính là sự kết hợp màu sắc một cách đầy ngẫu hứng cùng cách sử dụng các mảnh ghép sinh động.

Phong cách Maverick
Phong cách Maverick

Phong cách nội thất ven biển

Đây là một phong cách nhẹ nhàng, thoải mái, thân thiện và quyến rũ như biển cả bao la. Khi lựa chọn màu sắc cho phong cách này, người ta thiên về những màu lấy cảm hứng từ biển: Màu lam ngọc của nước, màu trắng của đám mây hay màu vàng nhạt của bờ cát…

phong cách ven biển
Nội thất màu lam ngọc là một trong những đặc điểm nhận dạng của phong cách ven biển

Trong phong cách ven biển, đồ nội thất được làm từ các vật liệu như mây tre đan, cotton, vải lanh… đều được ưu ái lựa chọn. Bên cạnh đó, hãy để ánh sáng mặt trời tràn ngập không gian trong ngôi nhà ven biển để làm bừng sáng nội thất và màu sắc.

Phong cách mộc mạc

Phong cách mộc mạc giữ lại những gì đẹp nhất và có hồn nhất của nội thất, thể hiện tinh thần lãng mạn của người thành thị yêu thích sự yên bình, muốn sống gần gũi với thiên nhiên. Chính vì thế mà phong cách này luôn mang lại cảm giác ấm cúng, gần gũi và có gì đó hoài cổ nhưng vẫn sang trọng, hiện đại.

phong cách mộc mạc
Phòng ngủ đẹp ngỡ ngàng với phong cách mộc mạc

Phong cách mộc mạc chuộng sử dụng các vật liệu như gỗ và đá trong kiến trúc, do đó, hãy để lộ chiếc xà, dầm bằng gỗ thô hoặc thiết kế một lò sưởi bằng đá trong nhà. Các đồ nội thất được đan thủ công từ mây, tre hay rễ cây cũng nên có trong ngôi nhà theo phong cách mộc mạc.

Phong cách công nghệ cao

Là phong cách hiện đại, sáng tạo, hướng tới cách bố trí và kết cấu của nội thất. Ở phong cách này, các chi tiết kim loại như bánh răng, đinh tán, ốc vít… được sử dụng nhiều để tạo điểm nhấn cho không gian. Màu sắc chủ đạo thiên về trắng, xám và một vài chi tiết màu đen.

phong cách high tech
Phong cách này sử dụng các vật liệu tân tiến trong thiết kế

Phong cách đồng quê

Phong cách đồng quê lấy cảm hứng từ các vùng nông thôn ở nhiều nước khác nhau như Ý, Pháp, Anh… mang hơi thở trang trại, đồi núi, hay bờ biển nhưng có thiết kế sang trọng hơn. Do đó, phong cách này bao hàm cả phong cách Bắc Âu (tuy vậy, phong cách Bắc Âu vẫn có những đặc trưng rất riêng nên Dothi.net sẽ trình bày chi tiết hơn ở phần dưới).

phong cách đồng quê
Phòng khách lãng mạn với phong cách đồng quê

Đặc trưng của phong cách đồng quê chính là nội thất thường được làm từ gỗ nguyên khối lớn để tạo vẻ mộc mạc, bình dị, gần gũi với thiên nhiên. Nhằm xua tan đi vẻ thô cứng của gỗ, người ta thường sơn bóng hay kết hợp thêm các vật liệu thủy tinh, kính và vải mềm. Màu sắc chủ đạo của nội thất phong cách đồng quê là màu be, trắng và xám… Đây đều là những gam màu nhẹ, không quá trầm nhưng cũng không quá nổi để tạo cảm giác nhẹ nhàng, thư thái.

Phong cách thiết kế nội thất Bắc Âu

Phong cách này mang hơi hướng sang trọng, nhẹ nhàng, đơn giản nhưng rất khoáng đạt. Điểm cốt lõi của phong cách Bắc Âu chính là sự cân bằng giữa 3 yếu tố: Chức năng, đơn giản và đẹp.

phong cách Bắc Âu
Nét ấm cúng của phong cách Bắc Âu được ứng dụng tại Việt Nam

Phong cách Bắc Âu chuộng nội thất có tiết kế đơn giản, các gam màu trắng, màu xanh dương và màu đất cùng các chất liệu tự nhiên như gỗ, da, lông thú. Đặc biệt, ánh sáng luôn là yếu tố không thể thiếu khi thiết lập không gian mang phong cách Bắc Âu, do vậy, hãy để ánh sáng tự nhiên tràn vào không gian nhà thay vì hạn chế nó.

Phong cách Á Đông

Phong cách Á đông chịu sự ảnh hưởng của các phong cách nội thất từ Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản nhưng kết hợp với các yếu tố địa phương để tạo sự gần gũi, thân thiện. Trong phong cách này, những vật liệu có nguồn gốc thiên nhiên như gỗ được ưu tiên sử dụng nhiều nhất; màu sắc phổ biến là đỏ sẫm, vàng tạo cảm giác ấm cúng, trầm lắng; đồ nội thất có đường nét chắc chắn nhưng mềm mại và tinh tế; hoa văn thường lấy cảm hứng từ những mong ước về cuộc sống bình an và hạnh phúc.

Phong cách Á Đông
Phong cách Á Đông

Ngoài ra, phong cách này thiên về bài trí nội thất theo các nguyên tắc phong thủy nhằm đem vận khí tốt vào nhà, đồng thời kỵ sử dụng các đồ dùng, vật trang trí có sát khí như gươm, súng, đao…

Phong cách Đông Dương

Phong cách Đông Dương là sự kết hợp giữa bản sắc của các nước Đông Dương với phong cách tân cổ điển của Pháp nhằm thể hiện được bề dày văn hóa và tinh hoa dân tộc của từng vùng miền. Phong cách này không đặt nặng tính quy mô, sự cầu kỳ mà ưu tiên sử dụng những chất liệu gần gũi, đơn giản nhưng có độ bền cao như tre, gỗ, mây.

phong cách Đông Dương
Căn hộ tập thể như rộng gấp đôi sau khi đập bỏ các vách ngăn và được thiết kế kế lại theo phong cách Đông Dương

Màu sắc chủ đạo trong những ngôi nhà được thiết kế theo phong cách Đông Dương là nâu gỗ sậm, trắng, đỏ kết hợp với các hoa văn cách điệu nhằm mang đến bầu không khí ấm cúng, gần gũi nhưng vẫn trang trọng.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu