SearchNews

Thị trường gạch ốp lát: Doanh nghiệp Việt thất thế

13/02/2011 10:03

Chỉ khi dám đầu tư lớn, gạch ốp lát Việt Nam mới có thể “so kè” với gạch Trung Quốc.

Chỉ khi dám đầu tư lớn, gạch ốp lát Việt Nam mới có thể “so kè” với gạch Trung Quốc.

Vào những năm 1998-1999, loại gạch ốp lát (sau đây gọi chung là gạch) chất lượng thấp, giá rẻ, nhập lậu từ Trung Quốc đã gây náo loạn tại thị trường Việt Nam. Mười năm sau trở lại Việt Nam, Trung Quốc đổi chiêu, tung ra nhiều loại gạch ốp lát giá rất cao và tuyên bố đó là hàng cao cấp.

Tuy nhiên, ông Tô Sơn Lâm, Phó Giám đốc Công ty Thạch Bàn, tỏ ra hoài nghi về chất lượng các loại gạch này vì theo ông đa phần được nhập qua đường tiểu ngạch nên “bán giá nào chẳng được”. Và ông nhận định, “Hàng Trung Quốc đang phá vỡ thị trường Việt Nam”.

Không cạnh tranh nổi

Theo thông tin do Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam cung cấp, Trung Quốc đang đứng đầu thế giới về sản xuất các loại gạch ngói. Ngay cả các nước sản xuất gạch ốp lát nổi tiếng như Tây Ban Nha, Ý cũng khó cạnh tranh với họ về mẫu mã và giá cả. Và mặc dù Hiệp hội đã ban hành Thông tư số 14/2010/TT-BXD nhằm quản lý chất lượng gạch nhập khẩu, ổn định tình hình; nhưng lúc này, gạch Trung Quốc vẫn làm mưa làm gió trên thị trường.

Quan sát một số cửa hàng chuyên bán gạch ốp lát trên đường Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành (Q.11, TP.HCM), gạch ốp lát Trung Quốc nhìn bên ngoài không thua gì gạch cao cấp Việt Nam về độ bóng, hoa văn và hầu hết đều được giới thiệu là dòng cao cấp.

Anh Hưng, nhân viên một cửa hàng bán vật liệu xây dựng trên đường Lý Thường Kiệt, dù luôn miệng nói là hàng nhập từ chính công ty ở Trung Quốc nhưng lại không biết rõ công ty nào. Anh này còn cho biết, đa phần khách hàng chọn mua gạch Trung Quốc nhiều hơn gạch trong nước với các nhãn hiệu Đồng Tâm, Thạch Bàn, Bạch Mã.

Theo nhận xét của kiến trúc sư Trần Thanh Quang, gạch Trung Quốc được dùng nhiều trong công trình xây dựng nhà dân dụng, còn các công trình xây dựng cao ốc thì chủ yếu dùng gạch khổ lớn của Ý, Malaysia, Tây Ban Nha và giá rất đắt, có loại tới 1-2 triệu đồng/m2.

Anh cho biết rằng, gạch nhãn hiệu trong nước hiện không thể cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc, đặc biệt là gạch men.

Do nhu cầu hay khả năng

Trong khi gạch Trung Quốc tung hoành ở phân khúc sản phẩm khổ lớn thì các nhà sản xuất gạch Việt Nam lại chỉ trung thành với các loại gạch khổ nhỏ (40 x 40cm, 50 x 50 cm…). Câu hỏi được đặt ra là tại sao các doanh nghiệp không tung ra sản phẩm khổ lớn hơn để giành thị trường?

Ông Lâm, Công ty Thạch Bàn, khẳng định các doanh nghiệp gạch lớn của Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất loại gạch khổ lớn tương tự, nhưng do loại hàng này giá thành cao, thu hồi vốn không nhanh bằng hàng khổ nhỏ hơn.

Cùng nhận định trên, ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Kinh doanh Công ty Liên doanh American Home, nói: “Do nhu cầu ít nên phân khúc thị trường của gạch khổ lớn vẫn còn nhỏ. Muốn sản xuất được phải đầu tư lớn, dây chuyền công nghệ cao và chấp nhận thu hồi vốn chậm”.

Hơn nữa, theo kiến trúc sư Quang, nguyên liệu sản xuất cũng phải nhập khẩu, chủ yếu là nhập các loại đá đẹp về để làm đa dạng mẫu mã. Việt Nam rất ít nguyên liệu này, chỉ có một số loại như đá đen Bình Định, đá Khánh Hòa, đá tím Ninh Bình.

Khác với nhận định của các nhà sản xuất, anh Quang cho biết hiện gạch khổ lớn đã được dùng đại trà, nhu cầu từ xây dựng các công trình lớn cũng khá cao. Nhưng doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó cạnh tranh nếu không theo kịp công nghệ và mẫu mã của Trung Quốc.

(Theo NCĐT)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu