SearchNews

Ai được quyền nhận sổ đỏ thay người đã chết?

21/06/2018 13:55

Hỏi: Ông tôi mất đột ngột khi chưa lấy sổ đỏ và cũng không để lại di chúc. Giờ con cháu muốn lấy sổ thì cần làm thủ tục gì và ai sẽ được thay mặt để nhận sổ?

Vạn Bảo

Trả lời:

Luật sư Đỗ Trọng Linh, Công ty luật Bảo An trả lời câu hỏi của bạn như sau:

Với trường hợp ông bạn qua đời đột ngột, hiện pháp luật chưa quy định ai có quyền nhận thay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, theo Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Dân sự hiện hành, gia đình bạn có thể cử một người đại diện đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện các thủ tục pháp lý (nếu cần) và nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

sổ đỏ
Pháp luật chưa quy định ai có quyền nhận sổ đỏ thay người đã chết được ghi trong giấy hẹn.

Theo nguyên tắc, người đi nhận thay phải có văn bản đề nghị về việc nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với nội dung trình bày lý do nhận thay, đồng thời mang theo hồ sơ gồm:

- Bản sao chứng minh nhân dân của người được cử đi nhận thay (có chứng thực);

- Giấy chứng tử của ông bạn;

- Giấy hẹn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

- Biên bản họp gia đình (có công chứng hoặc chứng thực) với thành phần tham gia là những người ở hàng thừa kế thứ nhất (vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi của người chết) thống nhất về việc cử người đại diện đi nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Khi thực hiện, nếu gặp khó khăn hay vướng mắc gì, người đại diện có thể liên hệ với cơ quan tài nguyên môi trường nơi đang quản lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để được hướng dẫn chi tiết.

Việc chia di sản thừa kế sau khi đã lấy được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dựa trên nguyên tắc sau:

- Vì ông bạn không để lại di chúc nên những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất và người thừa kế thế vị (nếu có) theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015 cần liên hệ với cơ quan công chứng nơi có bất động sản để làm thủ tục khai nhận thừa kế.

- Nếu không có tranh chấp, các bên lập Văn bản thỏa thuận về việc phân chia di sản thừa kế (được công chứng bởi cơ quan công chứng đã chứng nhận việc khai nhận thừa kế). Di sản thừa kế sẽ phân chia theo nội dung đã thỏa thuận khi Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có hiệu lực pháp luật.

- Nếu xảy ra tranh chấp, một trong các đồng thừa kế có thể khởi kiện ra Tòa án để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, Khoản 2 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, những người thừa kế cùng hàng sẽ được hưởng di sản như nhau. Cũng theo quy định tại Khoản 2 Điều 660 Bộ luật Dân sự 2015, những người thừa kế có thể yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật, trong trường hợp không thể chia đều bằng hiện vật thì những người nhận thừa kế được phép thỏa thuận về việc định giá hiện vật và người nhận hiện vật, nếu không thỏa thuận được thì hiện vật sẽ được đem bán để chia.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu