Ảnh minh họa
Theo ông Chi tham khảo Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ thì có quy định “Chủ đầu tư phải mở một tài khoản thanh toán tại một tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để nhận tiền bảo trì do người mua, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư nộp; khi mở tài khoản, chủ đầu tư phải ghi rõ tên tài khoản là tiền gửi kinh phí bảo trì nhà chung cư dưới hình thức có kỳ hạn”.
Tuy nhiên, ông Chi không thấy có quy định nào đề cập đến việc tên tài khoản được tùy ý lựa chọn. Ông Chi hỏi, hiện nay có quy định riêng nào của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc chủ đầu tư nhà chung cư mở tài khoản với tên “Tiền gửi kinh phí bảo trì nhà chung cư” không?
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến như sau:
Liên quan đến tài khoản thanh toán, theo Khoản 22, Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, “Tài khoản thanh toán là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng”.
Hiện nay, việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP và Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, Thông tư số 32/2016/TT-NHNN ngày 26/12/2016 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 23/2014/TT-NHNN.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có quy định chung về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán, theo đó quy định cụ thể phạm vi sử dụng tài khoản, mục đích sử dụng tài khoản, các thỏa thuận khác giữa khách hàng và tổ chức tín dụng phù hợp với quy định của pháp luật. Không có quy định riêng về việc mở tài khoản thanh toán của chủ đầu tư và tên gọi của tài khoản thanh toán của chủ đầu tư theo quy định tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ.