Gia đình tôi chỉ có mẹ tôi và tôi. Ba tôi mất tích trước giải phóng. Hiện tại địa phương đang có đợt cấp sổ hồng cho những hộ chưa có sổ. Vậy tôi có thể làm thủ tục đứng tên trên giấy tờ nhà đất được không?
Tôi là người duy nhất thuộc hàng thừa kế duy nhất, việc nhận thừa kế có liên quan đến chồng tôi không?
(ntlhuyen2707@.....)
|
Quy định của pháp luật về việc thừa kế khi nhà đất không có sổ đỏ |
- Trả lời:
Luật đất đai 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014 quy định, trường hợp người sử dụng đất có giấy tờ mua bán (chuyển nhượng) quyền sử dụng đất viết tay được xác lập trước ngày 15/10/1993 được UBND cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15/10/1993; hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại điều 100 Luật đất đai 2013 nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 1/7/2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai.
Nay được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Như vậy, đối với nhà đất mà bạn đề cập cần xác định thời điểm xác lập quyền sử dụng trên cơ sở các giấy tờ viết tay mà mẹ bạn mua.
Nếu thuộc trường hợp được nhà nước công nhận quyền sử dụng, sở hữu nhà đất theo quy định của pháp luật thì khi mẹ bạn chết, tài sản đó trở thành di sản thừa kế thuộc quyền sử dụng, sở hữu của người thừa kế hợp pháp.
Do bạn là người thừa kế duy nhất thuộc hàng thừa kế thứ nhất, mẹ bạn chết không để lại di chúc nên việc thừa kế được thực hiện theo pháp luật, chỉ có một người duy nhất là bạn ở hàng thừa kế thứ nhất, nên bạn có quyền tiến hành các thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng và đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật.
Chồng bạn không được hưởng thừa kế nên không phải là đồng sở hữu, sử dụng tài sản nhà đất nói trên.
Luật sư Lê Cao