Bậc tam cấp là gì?
Bậc tam cấp nằm ở vị trí nối liền giữa sân và nhà, đóng vai trò giao thông đi lại giữa trong nhà và ngoài trời. Đôi khi, bậc tam cấp cũng được hiểu là phần nối giữa nền nhà và cầu thang lên tầng.
|
Bậc tam cấp nối liền giữa sân và nhà. |
Sở dĩ gọi là bậc tam cấp bởi từ xưa, ông bà ta xây 3 bậc thềm trước nhà để lấy lối đi vào, lối đi lên xuống trong trường hợp nền nhà cao hơn mặt sân. Trong nhiều công trình, phần nền chính cao hơn mặt sân, mặt đất hay mặt đường mà phải thiết kế bậc thềm để nên xuống thì dân gian vẫn gọi chung là tam cấp cho dễ hiểu, mặc dù số bậc có thể nhỏ hơn hoặc lớn hơn 3. Như vậy, bậc tam cấp là tên gọi chỉ một bộ phận trong kiến trúc và hoàn toàn mang tính tương đối. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi chỉ đề cập các kiến thức liên quan đến bậc tam cấp trước nhà (bậc thềm).
Ý nghĩa của bậc tam cấp
Quan niệm xưa cho rằng, con người là một trong ba yếu tố quan trọng trong thuyết Tam sinh (Thiên – Địa – Nhân). Để sống hài hòa, hợp với trời đất thì bậc tam cấp cũng cần được thiết kế hòa hợp theo thuyết Tam Sinh. Vì vậy, các bậc thềm vào nhà làm theo 3 cấp chính là Thiên – Địa – Nhân với mong muốn sức khỏe dồi dào, công việc thuận lợi, tài lộc đầy nhà.
Trên thực tế, có một vài sự nhầm lẫn giữa cách tính bậc tam cấp Thiên – Địa – Nhân với cách tính Sinh – Lão – Bệnh – Tử khiến nhiều người mang tâm lý lo sợ khi làm bậc tam cấp. Tuy nhiên, cách tính Thiên – Địa – Nhân trong Tam Sinh chỉ áp dụng cho bậc thềm giữa nhà và sân mà không áp dụng để tính cầu thang lên xuống. Còn cách tính Sinh – Bệnh – Lão – Tử chỉ áp dụng để tính bậc cầu thang mà không áp dụng để tính bậc nối vào nhà và sân.
Một số chuyên gia phong thủy còn cho rằng, thay vì xây tam cấp 3 bậc như truyền thống, gia chủ có thể xây tam cấp 5 bậc tượng trưng cho Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ để mang lại phong thủy tốt.
Số bậc tam cấp
Bậc tam cấp không chỉ quan trọng với các công trình nhà ở dân sinh mà còn được ứng dụng trong nhiều công trình quy mô lớn khác như cơ quan nhà nước, khách sạn, các công trình công cộng, đình, chùa, lăng mộ…
Khi thiết kế bậc tam cấp, người ta đặt bậc 1 cao hơn sân và bậc 3 thấp hơn nền nhà. Do vậy, nếu tính cả sân, thềm nhà và bậc tam cấp thì sẽ có tất cả 5 bậc. Tùy vào độ cao của thềm so với nền sân mà số bậc tam cấp ở mỗi công trình xây dựng sẽ khác nhau, có thể là 1, 3, 5, 7, 9. Thông thường, với nhà ở hay biệt thự, số bậc tam cấp là 3 hoặc 5 bậc. Với đình, chùa thì tam cấp có 7 hoặc 9 bậc để thể hiện sự tôn nghiêm, chắc chắn và bền vững cho công trình.
|
Tam cấp trong nhà ở có từ 3-5 bậc. |
Bậc tam cấp được xây theo số lẻ vì số lẻ đại diện cho số dương, trong khi số chẵn đại diện cho số âm. Khi xây nhà, dù làm bậc tam cấp hay cầu thang, người ta đều lựa chọn số bậc lẻ cho phù hợp với thuyết Âm Dương – bậc dành cho người sống đi lại.
Số bậc lẻ cũng phù hợp với thói quen đi lại xét theo nhân trắc học. Những người thuận bên phải sẽ bước chân phải lên bậc đầu tiên. Nếu bậc thềm là số chẵn, bước cuối cùng là chân trái, không thuận tiện cho việc di chuyển tiếp theo. Bên cạnh đó, một số người phương Tây quan niệm sự may rủi phụ thuộc vào số bậc cầu thang. Họ nhẩm tính: Bước đầu tiên là "được", bước thứ hai là "mất"... nên chọn số lẻ để bước cuối là "được".
Dù xác định số lượng bậc trong tam cấp là chẵn hay lẻ, cũng cần ưu tiên đảm bảo thuận tiện trong sinh hoạt. Ví dụ như nhà ở trong ngõ hẹp, có diện tích nhỏ và phương tiện đi lại phổ biến là xe máy thì nên làm càng ít bậc càng tốt. Trừ khi phải tôn cao đề phòng mưa ngập thì nền nhà nên làm càng thấp càng tốt để đảm bảo dễ dàng khi đưa xe lên xuống.
Tiêu chuẩn kỹ thuật của bậc tam cấp
Thông thường, chiều cao mỗi bậc tam cấp từ 15-18cm. Đây là khoảng cách lý tưởng để việc bước lên xuống được dễ dàng, thoải mái, không phải gắng sức và tránh đau mỏi, chấn thương xương khớp. Điều này cực kỳ cần thiết đối với những gia đình có người già và trẻ nhỏ. Với các công trình công cộng như bệnh viện, chiều cao bậc tam cấp có thể thấp hơn, khoảng 12-18cm cho phù hợp với đặc thù lĩnh vực.
Bề rộng mặt bậc tam cấp thông thường khoảng 20-30cm, lý tưởng nhất là 26-30cm. Đây là kích thước vừa với bàn chân người để khoảng cách giữa các bước không quá gần hay quá xa, chân bước không bị hẫng. Khi thiết kế nhà ở dân dụng, kích thước bậc tam cấp có thể linh hoạt tùy theo thông số nhân trắc học của các thành viên trong gia đình mà không nhất thiết phải tuân theo các thông số trên.
|
Mặt bậc thềm quá hẹp gây mất thẩm mỹ và khó khăn cho di chuyển. |
Chiều dài bậc tam cấp tương đương với chiều dài của sảnh chính bước vào nhà, phụ thuộc vào thiết kế và thực tế xây dựng của từng công trình. Với những công trình có tiền sảnh rộng rãi, bậc tam cấp cũng cần được thiết kế đủ dài để ôm trọn không gian sảnh. Tam cấp có thể được xây một mặt hoặc bao quanh hai, ba mặt sảnh tùy thuộc vào thiết kế và yêu cầu kiến trúc của từng ngôi nhà.
Vật liệu xây bậc tam cấp
Thông thường, bậc tam cấp được xây bằng gạch hoặc đổ bê tông tùy theo yêu cầu của chủ nhà. Vật liệu hoàn thiện bậc tam cấp được sử dụng là xi măng, đá tự nhiên, gạch ốp hoặc ván gỗ.
Dù lựa chọn vật liệu nào thì cũng cần đảm bảo được 2 tiêu chí sau đây:
1. Độ cứng cao: Vị trí tam cấp đóng vai trò là nơi trung chuyển giữa trong nhà và ngoài sân nên có lưu lượng cũng như mật độ đi lại cao. Vật liệu làm tam cấp phải có khả năng chịu lực, chịu được va đập để đảm bảo an toàn đối với người sử dụng và tính thẩm mỹ cho công trình.
2. Độ bền cao: Bậc tam cấp cũng chịu tác động rất lớn từ các yếu tố thời tiết như mưa, nắng, bụi bẩn… nên dễ hư hỏng, xuống cấp. Do vậy, cần sử dụng loại đá chất lượng cao bởi những loại đá rẻ tiền sẽ không chịu được tác động của môi trường.
Đá tự nhiên nguyên khối với ưu điểm là độ cao, chí phí hợp lý, vẻ đẹp trang nhã, gần gũi với thiên nhiên nên được ưa chuộng và sử dụng phổ biến để hoàn thiện bậc tam cấp.
|
Nhiều bậc tam cấp được chạm trổ hoa văn vô cùng tinh tế. |
Màu sắc bậc tam cấp
Màu sắc bậc tam cấp chính là màu của vật liệu hoàn thiện. Dù bậc tam cấp là không gian sử dụng ở bên ngoài nhưng lại nằm ở vị trí mặt tiền nên màu sắc bậc tam cấp có ảnh hưởng không nhỏ tới thẩm mỹ cũng như cảm quan ban đầu về ngôi nhà. Ngoài lựa chọn màu sắc vật liệu hài hòa với tổng thể công trình, nhiều gia chủ kỹ tính còn yêu cầu thêm các đường nét, hoa văn để tăng thêm vẻ sang trọng, lộng lẫy cho không gian sống.
Lưu ý khi thi công bậc tam cấp
Khi thiết kế, thi công bậc tam cấp, cần lưu ý đến khâu vận chuyển, vệ sinh trong và sau hoàn thiện để đảm bảo mặt bậc tam cấp luôn bền đẹp, sáng bóng, không bị sứt mẻ hay trầy xước.
Một số mẫu bậc tam cấp đẹp
|
Bậc tam cấp bằng đá hoa cương có giá thành cao nhưng vẫn được nhiều người lựa chọn bởi độ bền, sang trọng và dễ vệ sinh. |
|
Bậc tam cấp bằng gạch có thêm tay vịn để đảm bảo an toàn. |
|
Chất liệu gỗ màu vàng nhạt của bậc tam cấp tạo cảm giác thân thiện, chào đón cho ngôi nhà. |
|
Tam cấp làm từ đá phiến không chỉ có độ bền vĩnh cửu mà còn góp phần làm tăng giá trị thẩm mỹ cho công trình. |
|
Chỉ cần một chút sáng tạo, bậc tam cấp nhà bạn đã trở nên lung linh khi đêm về. |