> Cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoàn thành vào năm 2013
Ðược khởi công đầu tháng 7-2009, dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai do Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, có chiều dài (giai đoạn một) là 245 km, từ Nội Bài (TP Hà Nội), đi qua các tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, dự kiến hoàn thành năm 2013. Nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, tiến độ thi công dự án này trong tình trạng "rùa bò", ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Bắc.
Teho VEC, dự án có tám gói thầu xây lắp chính, nhưng sau gần ba năm khởi công đến giữa tháng 5-2012, giá trị xây lắp toàn tuyến mới đạt hơn 26% so với giá trị hợp đồng xây lắp; giá trị giải ngân đạt 26,7% so với giá trị hợp đồng. Ðáng chú ý, gói thầu A5 do nhà thầu Keangnam (Hàn Quốc) thi công trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện mới đạt 5,2% giá trị hợp đồng, dù đã phải vài lần thay thế giám đốc điều hành và giám đốc tư vấn; các nhà thầu phụ của gói thầu này đều bỏ dù bị lỗ vì nhiều lý do khác nhau.
Các nhà thầu biện hộ do mất nhiều thời gian làm quen và thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định; thiếu quyết liệt và lúng túng khi triển khai dự án; mất nhiều thời gian lựa chọn nhà thầu phụ cũng như xử lý các nhà thầu phụ không đáp ứng yêu cầu; huy động thiết bị thi công và nhân công thiếu và chậm. Một điều không thể phủ nhận là một số điểm các địa phương chậm bàn giao mặt bằng sạch; thời tiết trong năm mưa nhiều; giá cả nguyên vật liệu biến động lớn; một số mỏ vật liệu thông thường chưa được cấp phép hoặc thời gian xin cấp phép kéo dài... Cũng phải ghi nhận những cố gắng vượt bậc của các nhà thầu trong việc thi công khi nền đất yếu, cầu vượt sông Hồng, hầm chui qua núi, hoặc đào sâu gần 50 m hạ cốt hay cầu cao 25 m để vượt các tuyến đường cắt.
Trong giải phóng mặt bằng (GPMB), toàn tuyến hiện còn vướng mắc 5,79 km/245 km (2,36%), các địa phương phấn đấu đến ngày 30/6 tới sẽ bàn giao hoàn toàn mặt bằng sạch cho chủ đầu tư. Trao đổi ý kiến với PV về công tác GPMB, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Tạ Văn Long cho biết: Dự án đường cao tốc chạy qua tỉnh gồm hai gói thầu A5 và A6 có chiều dài hơn 80 km, tỉnh đã thu hồi 664,58 ha đất của 3.320 hộ gia đình và tổ chức, đến nay chỉ còn vướng 56 hộ chưa vào khu tái định cư do thiếu nước sạch. Yên Bái đã thi công 34 khu tái định cư, triển khai 48 công trình công cộng, nhằm ổn định dân cư khi phải nhường đất cho việc thi công công trình trọng điểm quốc gia. Vướng nhất hiện nay là còn tám công trình công cộng vượt quy mô, đã xây dựng hoàn thành với kinh phí 7,862 tỷ đồng, nhưng VEC chưa chấp nhận thanh toán.
Tại tỉnh Lào Cai, Phó Giám đốc Ban quản lý đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai kiêm Trưởng Văn phòng thường trú Lào Cai Ðào Quang Tuấn nhận định bốn nguyên nhân chậm tiến độ là: Công tác GPMB kéo dài, thí dụ, đã quá thời hạn gần năm tháng theo Công điện số 2433/CÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư, tại gói thầu A8 vẫn còn một hộ dân chưa chịu di chuyển, gây cản trở cho việc thi công; do thời tiết miền núi thất thường, mưa nhiều, xảy ra lũ quét, sạt lở đất, gây khó khăn cho việc thi công cầu, cống; giá cả biến động lớn, việc xin cấp phép các mỏ vật liệu thông thường ở địa phương mất nhiều thủ tục và thời gian; nhà thầu chưa tích cực huy động thiết bị, nhân công, năng suất thi công thấp. Tại tỉnh Phú Thọ, còn vướng 0,6 km/61,39 km do một số hộ dân thấy thu hồi đất lúa cả năm trời các nhà thầu không thi công, cho nên đã "mượn đất" tái trồng lúa, màu nay tổ chức làm thì dân cản trở thi công. Hiện một số hộ dân nằm trong diện GPMB không nhận di dời đến khu tái định cư, hoặc đã nhận nhưng chưa xây dựng và còn 29 vị trí đường cáp quang chưa di chuyển.
Khi tìm hiểu việc thi công tại hiện trường tại Km 225 - km 229 thuộc gói thầu A8, có khoảng 120 lao động thuộc một đơn vị của VINACONEX E&C thi công, chỉ huy công trường Trần Văn Lợi cho hay: Do địa hình ở đây dốc cao, khe sâu, xa khu dân cư, cho nên khi thi công đơn vị phải bạt núi, đào sâu xuống 58 m, gặp đá cứng nên chúng tôi phải chia tổ nhỏ làm việc ba ca, chứ không thể làm với số đông dễ gây mất an toàn. Mưa kéo dài mấy ngày qua, nền đất nhão nhoét, đường lún sụt, khiến xe vận tải không thể vận chuyển đất để đắp nền đường. Ðơn vị phải điều chuyển lực lượng nhân công tăng cường sang bộ phận thi công đúc dầm cầu, làm cống thoát nước...
Tại Km114 - 116 km do nhà thầu Doosan (Hàn Quốc) thi công trên nền đất yếu, nền đường chạy qua đầm Hậu, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên (Yên Bái) cho nên việc xử lý mất khá nhiều thời gian. Ðó là phải đào hết lớp đất bùn, xử lý trượt, lu lèn bằng đất thịt nâng dần cốt lên theo thiết kế, cộng với mùa mưa năm nay đến sớm cho nên việc thi công gặp khó khăn. Tìm hiểu thêm về tình trạng thi công chậm ở một số gói thầu của dự án, còn có nguyên nhân các nhà thầu phụ bỏ chạy không thi công do giá vật liệu tăng cao. Chuyện càng làm, càng lỗ khiến nhà thầu chính lúng túng khi tiếp tục tìm kiếm các nhà thầu phụ khác thay thế.
Ðể dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đẩy nhanh tiến độ theo đúng cam kết, thiết nghĩ ngoài việc các địa phương khẩn trương bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công, thì VEC cần có thái độ dứt khoát với các nhà thầu quốc tế để thực hiện đúng hợp đồng, tiếp tục đưa các thiết bị đặc chủng trong thi công nền, mặt đường, tiếp tục xử lý chây ỳ, thậm chí nếu không chuyển biến quyết liệt sẽ thay thế nhà thầu mới có năng lực hơn.
Tại một số nơi người dân chưa đồng thuận cần tiếp tục tuyên truyền vận động, đi đôi với việc có các phương án bảo vệ thi công. Các địa phương có mỏ vật liệu thông thường (cát, sỏi, đất sét) theo luật thì phải đấu thầu, nhưng để kịp tiến độ cần có chính sách thông thoáng để kịp thời cung cấp vật liệu cho thi công. Chỉ có chính sách đúng, các ngành cùng vào cuộc một cách tích cực thì dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai mới về kịp tiến độ, mở ra sự phát triển toàn diện mới cho vùng Tây Bắc.
(Theo NDO)