SearchNews

Bảo tồn phố cổ loay hoay đến bao giờ?

21/10/2011 14:32

Đã có bao cuộc họp, bao dự kiến quy hoạch và bảo tồn khu phố cổ, nhưng rồi phố cổ Hà Nội càng ngày càng bị xâm hại. Mới đây, UBND TP Hà Nội lại tổ chức cuộc họp về giãn dân phố cổ, bảo tồn nhà cổ, các công trình có giá trị....

Đã có bao cuộc họp, bao dự kiến quy hoạch và bảo tồn khu phố cổ, nhưng rồi phố cổ Hà Nội càng ngày càng bị xâm hại. Mới đây, UBND TP Hà Nội lại tổ chức cuộc họp về giãn dân phố cổ, bảo tồn nhà cổ, các công trình có giá trị....

Phố cổ khổ trăm bề

Cách đây chừng dăm năm, tôi đã từng đến căn nhà 47 Hàng Bạc, gặp ông Đỗ Ngọc Thanh, một trong những chủ sở hữu, khi đó vẫn còn cầu thang gỗ, sàn gỗ, các vì kèo đều bằng gỗ đen bóng, trên lợp ngói sẫm màu rêu phong, khá nguyên vẹn đường nét của ngôi nhà cổ.

Thời điểm đó, Hà Nội đang ráo riết chuẩn bị Kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội nên chính quyền và nhiều tổ chức về văn hóa, du lịch rất quan tâm “phong trào” bảo tồn nhà cổ. Sau khi bảo tồn hai ngôi nhà ở 38 Hàng Đào và 87 Mã Mây, UBND TP Hà Nội bắt đầu nhắm tới ngôi nhà 47 Hàng Bạc, vì được xếp vào ngôi nhà cổ nhất ở Thủ đô, mang đặc trưng của kiến trúc cuối thế kỉ 19 (khác kiến trúc Pháp).

Ông Thanh cũng cho biết, Ban quản lí nhà phố cổ Hà Nội đã nhiều lần gặp và bàn bạc với các hộ dân ở số nhà này về việc trùng tu, bảo tồn ngôi nhà 47 Hàng Bạc. Nhưng cứ gặp gỡ, bàn bạc rồi để đó. Cho đến giờ, một phần của ngôi nhà đã bị sập vì cháy, ngôi nhà vẫn im lìm, mốc thếch, lạc lõng giữa nhiều nhà hiện đại, chẳng có một dự án nào khả thi “viếng thăm” số nhà này nữa? Theo ông Thanh, căn nhà bị cháy vào dịp Tết năm 2010. Cầu thang gỗ không còn, các hộ dân phải làm tạm một cầu thang sắt cỏn con để leo lên căn gác xép bên trên. Nơi mái nhà năm xưa, giờ chỉ còn lại một khoảng trời trống trải, cỏ cây um tùm bên những thanh xà cháy dở. Sau vụ cháy, hai hộ dân phải đi nơi khác ở tạm.

Vợ chồng ông Thanh sống trong căn phòng tự ngăn chia ra bên dưới, chật chội, ẩm thấp cùng với 5 hộ gia đình (khoảng 20 người) không có điều kiện di tản, đành bám trụ lại, chờ được chính quyền hỗ trợ để được di dời, mặc dù hiện bên trong nhà, UBND phường Hàng Bạc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho treo tấm biển cảnh báo “khu vực nguy hiểm”, cấm qua lại vì có nguy cơ sập!

Những người nặng lòng với Hà Nội rất xót xa khi phải chứng kiến phố cổ Hà Nội xập xệ và bị xuống cấp, mái sập, tường lở vữa… và kinh hoàng nhất là nhiều nhà sống trong khu phố cổ duy trì nhà vệ sinh, công trình phụ, đường ống nước đã có từ thời Pháp thuộc. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị tồn tại trong khu vực này vài ba trăm năm cũng đang xuống cấp trầm trọng.

Gần 4 năm trước, chính quyền TP Hà Nội đã cho khảo sát khu phố cổ. Kết quả cho thấy, hơn 63% nhà xuống cấp, 51,9% hộ phải sống trong những căn nhà chỉ có một phòng. Sau đó nhiều hội thảo được tổ chức với không ít phương án bảo tồn phố cổ được vạch ra, nhưng chưa thấy phương án nào triển khai. Trong khi đó, ngoại trừ số ít thích ổn định, ngại ra khỏi khu phố cổ, nhiều người dân khu phố cổ “dài cổ” đợi chính quyền lên kế hoạch dời nhà đến nơi ở mới.

Theo nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Út-su-mi Sa-va-cô (Nhật Bản) đứng đầu khảo sát, nghiên cứu về không gian sinh hoạt và kiến trúc ở những con phố ồn ào, náo nhiệt của 36 phố phường Hà Nội, thì trong số 102 ngôi nhà khu phố cổ chỉ có 44 gia đình có nhà vệ sinh riêng, số còn lại phải dùng chung, trong điều kiện không bảo đảm. 42 gia đình phải dùng chung nhà tắm, 83 gia đình có bếp riêng. Đường nước đều dùng cho cả khu vệ sinh lẫn bếp. Chính vì sống trong một không gian hẹp, nên người dân khu phố cổ đã tìm mọi cách vươn lên cao, hoặc mở rộng tối đa diện tích nhà, khiến cho diện tích sử dụng chung dần bị thu hẹp, kiến trúc cũng thay đổi.

Với sự xuống cấp về mọi mặt của phố cổ, nỗi lo của các nhà bảo tồn đang nhân lên từng ngày. 10 năm qua, nhiều căn nhà cổ bị chia năm xẻ bảy ra để ở, cơi nới, chắp vá xô bồ, không còn hình thù của nhà cổ nữa. Một số căn nhà khác hư hỏng nặng hoặc bị người dân cố tình phá dỡ để xây lại nhà mới. Thanh tra xây dựng thành phố cho biết, khoảng 90% nhà mới xây dựng, cải tạo sai phép với nhiều hành vi khác nhau. Có nhiều ngôi nhà xây tới 5 - 6 tầng. Một số hộ chưa đạt được thỏa thuận giữa các hộ hoặc vì lí do nào đó chưa sửa chữa, cải tạo, cũng tự ý thay đổi kết cấu, vật liệu xây dựng, như đổ mái bằng, mái tôn; thay hết cửa gỗ bằng cửa khung nhôm kính... tạo nên sự “đan xen” trong kiến trúc và mất dần nét cổ xưa của căn nhà, khu phố. Đến giờ, khu vực phố cổ Hà Nội có không ít ngôi nhà cao 5 - 7 tầng, thậm chí 10 tầng như một khách sạn ở phố Bát Đàn.

Bao giờ giãn dân phố cổ?

Đã quá nhiều lần đề án giãn dân phố cổ Hà Nội (từ hơn chục năm về trước) được đưa ra và vì nhiều lẽ lại… tạm dừng. Thông tin mới nhất cho biết đề án này lại được đưa ra sau khi đã “làm mới” về mặt số liệu. Nếu thực hiện đề án này, Hà Nội sẽ giải quyết được 3 mục tiêu: Giảm mật độ dân cư trong khu phố cổ; từng bước cải thiện đời sống người dân; bảo tồn và tôn tạo phố cổ, góp phần phát huy các giá trị di sản vật thể của Thủ đô...

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình cần nhanh chóng thực hiện đề án cũng còn không ít ý kiến băn khoăn về tính khả thi của đề án. Về vấn đề này, KTS Nguyễn Trực Luyện cho biết: “Khẩn trương nhưng không có nghĩa làm ồ ạt. Phải có những nghiên cứu về hoạt động kinh tế, nếp sống ở phố cổ. Xây dựng được kế hoạch sau khi một số khu vực, hộ dân đã giảm một số người; sau đó việc sửa chữa, trùng tu nhà cổ sẽ được thực hiện như thế nào? Tổ chức đời sống của các hộ gia đình ra sao? Các hộ giãn dân, sẽ sống tiếp như thế nào… là điều phải suy nghĩ.

Ngoài ra, cũng có ý kiến băn khoăn với việc giãn dân phố cổ, chính quyền cần tính tới các giải pháp cho việc chống tái tăng dân số trở lại. Mặc dù có rất nhiều gia đình sinh sống trong phố cổ chờ đợi cơ hội được tham gia dự án giãn dân để có một ngôi nhà đàng hoàng theo đúng nghĩa, song tâm lí: “Giàu xứ quê không bằng ngồi lê Kẻ Chợ” đã in sâu vào nếp nghĩ của không ít người. Vì thế, nếu họ rời bỏ phố cổ nhưng không tìm được phương kế sinh nhai nào thay thế, một môi trường sống thuận tiện thì dễ xảy ra hiện tượng tăng dân số cơ học ở khu vực này. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã tổ chức cuộc họp về giãn dân phố cổ, bảo tồn nhà cổ, các công trình có giá trị. Ông Phí Thái Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội đã yêu cầu cơ quan chức năng phải đẩy nhanh hoàn thiện dự án giãn dân phố cổ. Theo đó, nỗ lực tới năm 2014, bảo đảm có đủ 1.800 căn hộ tại Khu đô thị Việt Hưng cho các hộ dân ở khu phố cổ chuyển sang.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, người từng dày công nghiên cứu ngôi nhà cổ 47 Hàng Bạc cho rằng, muốn bảo tồn được nhà cổ, phố cổ Hà Nội, trước hết phải giãn bớt dân cư tại khu phố cổ, sau đó mới tiến hành đầu tư trùng tu các công trình cổ.

Phố cổ Hà Nội vẫn trăn trở bởi những người nặng lòng với Thăng Long. Mười mấy năm với bao lần làm mới đề án và nhiều tranh cãi vẫn chưa có hồi kết. Khách du lịch và người dân phố cổ sẽ còn chứng kiến sự xuống cấp, già nua của khu phố cổ - niềm tự hào của kinh thành Thăng Long này đến bao giờ?

(Theo NCT)


Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu