Bộ Giao thông Vận tải chưa đưa ra kết luận về nguyên nhân và trách nhiệm các bên trong vụ sập cầu sáng nay, song theo giới chuyên môn, với các công trình, khi xảy ra sự cố, trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà thầu thi công chính.
Trả lời báo giới trong cuộc họp báo sáng nay, Chánh Văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, cho hay, hiện chưa thể kết luận nguyên nhân sự cố. "Để xác định được nguyên nhân cần phải có thời gian, song tôi tin vào năng lực và công nghệ của các nhà thầu Nhật", ông Công khẳng định. Vài ngày trước, Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức đã vào kiểm tra tiến độ thi công cầu Cần Thơ và theo kết quả các cuộc họp, việc thi công cầu này đảm bảo đúng tiến độ.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, nhà thầu đã lắp ghép sàn đạo (đà giáo chống đỡ dầm hộp) và ván khuôn để thi công đổ bê tông nhịp số 13, 14 thuộc cầu dẫn nối với phần cầu chính. Chiều dài mỗi nhịp 40 mét, kết cấu nhịp dầm hộp với chiều cao 2,2 mét. Hai nhịp này có kết cấu dầm hộp liên tục và chia thành 12 đốt để thi công. Chiều 25/9, đơn vị thi công đã đổ được 10 đốt, sáng nay, đơn vị xây dựng chuẩn bị thi công đốt thứ 11-12. Trong quá trình làm việc đã xảy ra sự cố sập sàn đạo.
Trao đổi với phóng viên ngay sau khi nghe tin về sự cố này, ông Martin Rama, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới (WB) tại VN - tổ chức cũng có nhiều dự án ODA tại VN - cho biết, hiện ông vẫn chưa nắm được tình tiết cụ thể của sự việc trên. Tuy nhiên kể từ sau vụ PMU 18, WB đã tiến hành nghiên cứu và thấy rằng, trong công tác thực hiện các dự án xây dựng sử dụng vốn ODA có xảy ra tình trạng sử dụng nguyên liệu xây dựng, chẳng hạn như xi măng, hay sắt thép không đạt tiêu chuẩn như trong thiết kế ban đầu. Chính vì vậy làm ảnh hưởng tới chất lượng chung của toàn bộ công trình. Tuy nhiên, ông Martin cho rằng thực trạng này chỉ xảy ra ở một vài dự án chứ không phải là toàn bộ các dự án.
Tuy nhiên, ông Martin Rama cũng nhấn mạnh, theo kinh nghiệm của WB, nếu trong trường hợp dự án do tổ chức này tài trợ mà bị sự cố như vậy thì họ sẽ có nghiên cứu cụ thể để xem trong tất cả các khâu thực hiện, khâu nào phải chịu trách nhiệm chính. Thông thường việc điều tra sẽ bắt đầu từ công ty trực tiếp xây dựng công trình đó, rồi mới xem xét các khâu khác.
Trong khi đó, một chuyên gia giám sát các công trình cầu đường khẳng định, nhà thầu chịu trách nhiệm chính mỗi khi có sự cố xảy ra, bởi bản thân họ phải có đội ngũ giám sát riêng, bao gồm giám sát về chất lượng và an toàn của công trình.
Tư vấn giám sát cũng có trách nhiệm liên đới, bởi đơn vị này là cơ quan độc lập thứ ba giám sát quá trình thi công cũng như chất lượng của từng hạng mục hoàn thành. Về nguyên tắc, tư vấn giám sát phải có mặt liên tục trong suốt quá trình thi công công trình. Tuy nhiên, có một thực tế tại Việt Nam là tư vấn giám sát không đủ nhân lực để dàn quân ra tất cả công trình.
Một chuyên gia xây dựng công trình giao thông đang chỉ đạo thi công hầm Thủ Thiêm, TP HCM thì cho hay, các công trình lớn như cầu Cần Thơ dễ có sự cố ở giàn giáo di động chống đỡ cho cầu khi đổ bê tông. Theo chuyên gia này, nhiều khả năng các giá đỡ chịu lực để nâng khối lượng bê tông và sắt thép tại cầu Cần Thơ đã bị đứt hoàn toàn, gây ra sự cố. Với công trình quy mô lớn như cầu Cần Thơ, bê tông đổ cho một điểm như sáng nay có khối lượng tối thiểu 1.000 m3, chưa kể thép.
Cầu Cần Thơ được xây dựng theo công nghệ mới của Na Uy. Công nghệ này đã được sử dụng thành công tại cầu Thanh Trì (Hà Nội) và ngày càng được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam. Hiện một số nhà thầu trong nước đã sử dụng được công nghệ này.
Bộ GTVT đánh giá vụ việc này là "nghiêm trọng" và đã thành lập ban chỉ đạo khắc phục sự cố và đã giao cho thứ trưởng Ngô Thịnh Đức phụ trách. Hiện Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã trực tiếp bay vào hiện trường để xử lý vụ việc.
Nhóm phóng viên
Có thể gửi ảnh, clip hoặc chứng kiến của bạn về vụ tai nạn tại đây