Bỏ hàng tỷ đồng để sở hữu một căn hộ chung cư cao cấp, nhưng nhiều khách hàng đang phải ngán ngẩm khi chất lượng nhà lại rất “bình dân”.
Chung cư cao cấp chất lượng... chưa cao cấp
Bác Nguyễn Trường Luyện, sống tại phòng 902, khu A, chung cư cao cấp Golden Westlake (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) cho PV biết, mặc dù được quảng cáo là chung cư cao cấp nhưng chất lượng lại không hề cao cấp.
Theo bác Luyện, mỗi khi bác cần dùng nước nóng từ bình nóng lạnh từ bác phải chờ từ 3 – 5 phút để cho chảy từ 5 – 8 lít nước lạnh thì mới có nước nóng để dùng. Và chỉ cần đóng máy lại sau 1 tiếng thì nước đã nguội lạnh hết. Nếu nhà nào có trẻ nhỏ, cần dùng nước nóng thường xuyên thì sẽ rất bất tiện.
Nguyên nhân là do chủ đầu tư thiết kế hoặc thi công không tốt. Đường nước nóng nhưng lại dùng ống dẫn quá to, dẫn đến hiện tượng trên.
Trong nhà vệ sinh và nhà tắm sau một thời gian sử dụng có mùi hôi do cống từ dưới bốc lên. Có những căn hộ đã bị hiện tượng này ngay từ khi mới nhận nhà.
Các cánh cửa cũng được làm rất “ẩu”. Cửa không khít nên gió vào gây nên những tiếng kêu khiến trẻ con rất sợ, nhất là vào mua gió mùa đông bắc.
Điều hòa chủ đầu tư lắp trong phòng cũng không đủ công suất. Ví dụ điều hòa phòng khách chạy “hết hơi” cũng chỉ được 30 độ.
“Trời mùa hè nóng như thế này mà chạy điều hòa 30 độ thì ai chịu nổi”, bác Luyện nhăn nhó. Sau đó, do ban quản lý dân cư đấu tranh, nên chủ đầu tư buộc phải đồng ý lặp thêm 1 điều hòa cho các căn hộ diện tích lớn.
“Nếu theo đúng tiêu chuẩn trong ngành thì không thể nào gọi các căn hộ ở đây là chung cư cao cấp được”, bác Luyện nhấn mạnh.
Không chỉ vậy, sàn gỗ ở phòng ngủ chính còn khá ọp ẹp, phải dùng keo dính lại. Đặc biệt, ban quản lý tòa nhà tỏ ra khá vô trách nhiệm với người dân.
"Tôi có mua 1 chiếc xe mới để trong hầm, sáng hôm sau thấy yên xe bị rạch 1 vệt to. Tôi báo lễ tân thì nhận được câu trả lời là sẽ xem lại camera để xác định nguyên nhân. Nhưng từ đó đến nay không có hồi âm nào cả”, bác Luyện bức xúc kể.
Trước đó, cũng tại chung cư Golden Westlake, bà Nguyễn Thị Ngọc Chung, chủ căn hộ số 610 tháp phía Tây cũng kể ra những "chiêu" kinh doanh “tiền hậu bất nhất” của chủ đầu tư dự án là Công ty Liên doanh Hà Việt Tung Shing.
Theo đó, hợp đồng đặt mua căn hộ có ghi đủ chi tiết về chủng loại vật liệu xây dựng, nội thất và kết cấu của căn hộ, song khi xây dựng, nhiều chi tiết đã bị chủ đầu tư tự ý thay đổi, mà không hề báo lại với khách hàng. Hàng loạt tiện ích hấp dẫn đi kèm như nhà trẻ, khu vui chơi giải trí, chỗ đỗ xe..., mà chủ đầu tư giới thiệu với khách hàng khi đến ký hợp đồng đặt mua căn hộ, đều không được đưa vào tiện ích chung của khu nhà.
Một dự án gắn mác chung cư cao cấp khác cũng bị khách hàng kiện tụng vì chất lượng tệ hại của công trình sau khi đưa vào sử dụng là Dự án chung cư M3 – M4 Nguyễn Chí Thanh.
Sau khi hoàn thành, toàn bộ tầng 1 và tầng 2 của công trình đã được hoán cải thành nhà hàng, quán cà phê, khiến tường và móng nhà bị lún, nứt nghiêm trọng. Người dân sống trong khu chung cư này nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên TP. Hà Nội, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Hoảng loạn vì báo cháy nhầm
Một trong những khu chung cư cao cấp được báo chí phản ánh nhiều nhất thời gian gần đây là Keangnam (tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Không chỉ nổi tiếng vì phí quá cao, Keangnam còn bị nhiều khách hàng tố vì chất lượng không đúng với mác “cao cấp”.
Theo bác Trần Xuân Trạch, một cư dân ở tòa nhà Keangnam, dù là chung cư cao cấp nhưng chất lượng lại rất…bình dân. Trước đó, do nhân viên thiếu chuyên nghiệp đã làm vỡ đường ống nước ở tầng 27 khiến cho 10 căn hộ và hành lang tầng 27 bị ngập nước đến đầu gối và hỏng luôn thang máy.
“Kết quả là 10 căn hộ tầng 27 phải sửa sàn gỗ và tường trong nhà do bị ngập nước”, bác Trạch cho biết.
Ngoài ra, cũng do sự thiếu chuyên nghiệp của nhân viên nên có lần đã báo động có cháy nhầm khiến cho cư dân của cả tòa nhà được 1 phen tá hỏa. Nguy hiểm nhất là sự cố này đã khiến cho 1 bà bầu bị động thai vì chạy bộ đến mấy chục tầng.
Phản ánh với PV, một cư dân sống tại tòa nhà Keangnam cũng cho biết, mặc dù tháng máy mới đưa vào sử dụng nhưng đã khiến nhiều người bị mắc kẹt. Người bị nhốt ít cũng 5-10 phút và cũng có người mắc kẹt tận 30 phút.
Ông T (Cư dân tầng 19) bức xúc: “Tôi đã bị mắc kẹt hai lần, một lần khoảng 5 phút, một lần 30 phút. Riêng lần 30 phút tôi đã bấm chuông cho đội bảo vệ, họ nói bác cứ đứng đợi. Trong suốt thời gian đó, thang máy hết đi lên tầng 16 rồi lại xuống tầng 1 và cứ như thế đến 30 phút mới được giải cứu. Rất nhiều người bị như thế, chứ không riêng gì tôi”.
Ngoài ra, theo nhiều cư dân ở đây, khi mới đưa vào sử dụng, khóa các cửa phòng đều hỏng, sàn nhà làm bằng gỗ công nghiệp cong vênh, trần không phẳng, lem nhem, tường nứt, bị bôi bẩn, các phào trần lồi lõm, cửa sổ bị gỉ có màu vàng,…
Bác T., một cư dân ở đây kể lại, khi mới nhận nhà tôi rất ngạc nhiên khi chung cư cao cấp nhưng nhà vệ sinh lại bốc lên một mùi hôi thối, tường nhà nham nhở những vết bẩn, tay vịn ban công thì sơn bị tróc ra.
Ngoài ra, theo bác T., diện tích các tiện ích chung không đáp ứng được những tiêu chí mà chủ đầu tư đã đưa ra. Cụ thể, cả 2 tòa nhà 48 tầng chỉ có 1 bể bơi mà diện tích bể bơi lại quá nhỏ (khoảng 150m2), các cháu nhỏ bơi cũng không đủ.
Trong khi, phòng tập thể dục của Keangnam cũng không lớn, "không đáp ứng đủ ôxy cho mọi người thở chứ đừng nói tới tập thể dục.
(Theo VTC)