Theo bà Lã Thị Kim Ngân, Viện trưởng Quy hoạch đô thị Hà Nội, cơ quan này đã xác định hàng loạt quy hoạch phân khu đô thị ở phía bắc và phía tây thành phố, làm tiền đề giảm tải dân số vùng lõi của Hà Nội.
Ngày 16/5, tại hội thảo chiến lược phát triển quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, việc triển khai quy hoạch thủ đô sẽ được thực hiện theo 3 bước.
Đầu tiên, thành phố đã và đang thực hiện quy hoạch các phân khu, trước mắt là 17 phân khu thuộc khu vực đô thị. Cùng với đó, các cơ quan chức năng sẽ triển khai quy hoạch chuyên ngành. Sở Xây dựng đang gấp rút lập quy hoạch hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong đô thị, như: quy hoạch cấp, thoát nước và xử lý nước thải; công viên, hồ nước, vườn hoa, nghĩa trang; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2015...
Bước hai là thành phố sẽ xây dựng các quy hoạch chi tiết thông qua các dự án cụ thể và xây dựng kế hoạch đầu tư, dự án trọng điểm của ngành. Giai đoạn này cần tập trung giải quyết các vướng mắc giữa ý tưởng quy hoạch và thực tế, đảm bảo cho tính khả thi của đồ án. Đây cũng là giai đoạn có sự so sánh giữa hiệu quả về kinh tế và xã hội, có thể tạo áp lực lên hệ thống hạ tầng xã hội chung của thành phố và từng khu vực.
Bước cuối cùng là đầu tư, xây dựng các công trình, hình thành sản phẩm cụ thể. Trong giai đoạn này, thành phố sẽ cấp phép xây dựng các dự án cụ thể, đồng thời sẽ thanh tra trật tự xây dựng sau khi cấp phép.
Là đơn vị trực tiếp xây dựng các quy hoạch phân khu, bà Lã Thị Kim Ngân, Viện trưởng Quy hoạch đô thị Hà Nội cho biết, việc xác định trọng tâm, trọng điểm, khu vực động lực rất quan trọng để chọn các đồ án quy hoạch ưu tiên. Viện đã lựa chọn đô thị trung tâm mở rộng là bước đi đầu tiên cho các quy hoạch phân khu đô thị. Trong đó ở phía bắc có 11 phân khu đô thị. Ở phía tây, phía tây sông Nhuệ, khu vực sông Đáy là khu phát triển mới của vùng ven đô để có thể tạo ra môi trường ở hấp dẫn, môi trường sống tiêu chuẩn. Đây cũng là những khu vực góp phần giảm tải dân số cho vùng lõi của Hà Nội. Hai không gian xanh lớn tạo ra đặc trưng, cấu trúc của đô thị trung tâm là vành đai xanh sông Nhuệ và sông Thiếp, đầm Vân Trì được kết nối với trục không gian cảnh quan sông Hồng.
Bà Ngân khẳng định, trục không gian Nhật Tân - Nội Bài là động lực để tạo ra sức sống cho khu vực phía bắc sông Hồng. Dựa trên những nền tảng của nguồn lực hiện nay, trục Nhật Tân - Nội Bài tạo cơ hội phát triển các đô thị xung quanh chỉ trong 5 năm tới. Còn tại trục tây Ba Vì sẽ tạo ra những khu vực, công trình mang tính điểm nhấn, giải quyết những chức năng còn thiếu của khu vực trung tâm.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại hội thảo bày tỏ lo ngại về nguồn lực thực hiện các dự án theo quy hoạch. Thực tế ở Hà Nội đã có nhiều quy hoạch được nghiên cứu, lập và phê duyệt nhưng không thể thực hiện do thiếu vốn.
Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, bên cạnh việc cụ thể hóa quy hoạch chung bằng các đồ án quy hoạch, vấn đề quan trọng nhất là năng lực quản lý và nguồn lực đầu tư. Quy hoạch chung đã đưa ra danh mục ưu tiên, việc Hà Nội cần làm là đề xuất danh mục dự án để kêu gọi đầu tư, tổ chức đấu thầu như từng làm khi triển khai quy hoạch năm 1998. Với tốc độ tăng trưởng rất lớn, tỷ lệ đô thị hóa của thành phố sẽ gấp 5 lần trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Cũng lo lắng về nguồn lực tài chính, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, cho rằng việc triển khai quy hoạch chung ở các huyện ngoại thành đang đặt ra không ít khó khăn, đặc biệt là vốn đầu tư. Riêng năm 2012, tổng kinh phí đầu tư cho hạ tầng của huyện Thạch Thất khoảng 130 tỷ đồng. Theo tính toán sơ bộ, nhu cầu khi triển khai xây dựng nông thôn mới của Hà Nội cần số vốn lên tới 4.500 tỷ đồng.
Để hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải, ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng phân tích, cần có sự chỉ đạo tập trung thống nhất, môi trường pháp lý phù hợp. Các khu vực, hạng mục và dự án ưu tiên đầu tư cần được quy định ngay khi phê duyệt quy hoạch phân khu và quy hoạch chuyên ngành.
Theo Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Tứ, để quy hoạch được thực hiện nhanh nhất, hiệu quả nhất chỉ có thể dựa vào việc xác định đúng, chính xác danh mục dự án đầu tư chiến lược trên địa bàn.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, thành phố sẽ ưu tiên đầu tư các dự án liên quan đến trung tâm chính trị - hành chính, cụ thể là trụ sở bộ ngành, cơ quan ngoại giao; các dự án liên quan đến văn hóa vùng, đến lịch sử, truyền thống, các khu di tích, làng nghề, chùa chiền, hệ thống trường học, trung tâm nghiên cứu khoa học, kinh tế - tài chính, sân bay, bến cảng...
(Theo VnExpress)