SearchNews

Môi giới lo thiếu chứng chỉ nghề

24/05/2006 15:48

Giới kinh doanh bất động sản đang xôn xao trước thông tin tới đây các giao dịch đều qua sàn, đồng thời người hành nghề môi giới phải có chứng chỉ. Trong khi đó, cả nước hiện chưa có cơ sở nào đào tạo nghiệp vụ này.

Giới kinh doanh bất động sản đang xôn xao trước thông tin tới đây các giao dịch đều qua sàn, đồng thời người hành nghề môi giới phải có chứng chỉ. Trong khi đó, cả nước hiện chưa có cơ sở nào đào tạo nghiệp vụ này.

Theo quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản, dự kiến được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/10, mỗi trung tâm phải có ít nhất 1 người có chứng chỉ môi giới bất động sản. Cá nhân được cấp chứng chỉ khi đã qua khóa đào tạo và đạt kết quả sát hạch về môi giới bất động sản, có ít nhất 2 năm kinh nghiệm. Chứng chỉ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp.  

Giáo sư Lê Đình Thắng, Trưởng khoa kinh doanh bất động sản, Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cho hay cả nước mới chỉ có 1-2 trường đại học đào tạo chuyên môn về kinh doanh bất động sản với khoảng vài chục sinh viên mỗi năm. Nghiệp vụ môi giới được đưa vào chương trình học khoảng 45 tiết. Theo tiêu chuẩn trên, sinh viên tốt nghiệp có bằng cử nhân vẫn chưa đủ điều kiện để được cấp chứng chỉ môi giới.

Ngoài đào tạo cử nhân, Đại học Kinh tế có liên kết với các đơn vị khác tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức kinh doanh địa ốc, quản lý kinh doanh ... song nghiệp vụ môi giới được nhắc đến rất mờ nhạt, chứng chỉ được cấp cũng chỉ ghi rất chung chung. Với 3.000 trung tâm, công ty đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản trên địa bàn thủ đô, ông Thắng cho rằng UBND tỉnh khó có thể vừa tổ chức đào tạo vừa thực hiện sát hạch, cấp chứng chỉ. Lý do đây là cơ quan chính quyền, bản thân các công chức có thể đảm nhiệm việc này hiện chưa có bằng cấp hay chứng chỉ về môi giới bất động sản, đồng thời họ cũng không có kinh nghiệm thực tế.

Tại TP HCM, tình hình tương tự. Hiện thành phố có tới gần 5.000 trung tâm, doanh nghiệp môi giới song chưa ai có chứng chỉ cũng chưa có trường nào đào tạo. Một số khóa học về bất động sản do đơn vị con của các trường đại học như Viện quản trị doanh nghiệp TP HCM có mở lớp giảng dạy kiến thức về bất động sản nhưng chứng chỉ đó không được ai công nhận, hơn nữa khóa học không hề đề cập đến những kỹ năng, yêu cầu của nghề môi giới. Theo ông Võ Đình Quốc, Giám đốc hệ thống siêu thị địa ốc ACB (TP HCM), đây là chứng chỉ hành nghề quan trọng tương tự như kiểm toán viên, kỹ sư tư vấn nên cần có quy chuẩn thống nhất trên cả nước. Việc đào tạo, cấp phép phải được tổ chức bài bản nếu không sẽ rơi vào tình trạng đua nhau mua chứng chỉ như tin học, ngoại ngữ cách đây vài năm.

Ngay trong lĩnh vực cấp chứng chỉ thẩm định giá bất động sản hiện cũng có rất nhiều bất cập. Ông Quốc kể, theo quy định đơn vị thực hiện thẩm định giá là pháp nhân độc lập không nằm trong hệ thống kinh doanh bất động sản, phải có 3 nhân viên được cấp chứng chỉ thẩm định viên về giá mới được thành lập pháp nhân. Nhưng để được đi học và xin lấy chứng chỉ lại phải là nhân viên của một công ty định giá. Có kế hoạch thành lập công ty thẩm định giá bất động sản, ACB đang phải tìm cách gửi nhân viên vào công ty khác để xin đi học hoặc "câu" các thẩm định viên ở nơi khác về. Đó là chưa kể thủ tục xin cấp chứng chỉ ở Bộ Tài chính kéo dài tới 6 tháng chưa xong.

Môi giới mua bán nhà là nhu cầu thiết yếu của người dân, nếu luật "trói" bằng quy định như trên, các chuyên gia dự báo tất sẽ nảy sinh giao dịch chui, thị trường không bao giờ minh bạch.

Nhà nước, tư nhân đua nhau lập sàn

Điều 60 của dự luật Kinh doanh bất động sản quy định "tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản khi bán, chuyển nhượng, cho thuê, mua bất động sản phải thông qua sàn giao dịch". Thực hiện nguyên tắc này cơ quan quản lý tin rằng sẽ hạn chế được tình trạng giao dịch ngầm, hạn chế các thông tin giả, thông tin nhiễu không đúng sự thật, giá cả bất động sản sẽ sát với giá thị trường.

Riêng Hà Nội hiện có khoảng 3.000 trung tâm, doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó số đơn vị làm thủ tục tại cơ quan đăng ký kinh doanh chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Theo dự báo của các chuyên gia, quy định như vậy sẽ tạo ra phong trào đua nhau lập sàn giao dịch. Trong khi khả năng kiểm tra độ chính xác của các thông tin rất hạn chế. "Mỗi sàn có thể tiếp nhận hàng trăm yêu cầu chào bán một ngày, liệu họ có đủ nhân lực đến kiểm tra từng nơi một?", giám đốc một trung tâm môi giới nhận xét.

Theo dự kiến, trong tháng 6, sàn giao dịch bất động sản Hà Nội, trực thuộc Sở Tài nguyên Môi trường nhà đất Hà Nội sẽ hoạt động. Sàn được đặt tại tầng 1 tòa nhà N2D (17 tầng) khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở cho hay điểm mạnh của sàn so với các trung tâm nhà đất khác là cung cấp thông tin chính xác, hơn nữa trong 3 năm đầu hoạt động, ngân sách thành phố hỗ trợ toàn bộ chi phí nên dự kiến mức phí giao dịch sẽ thấp hơn nhiều so với mặt bằng của thị trường. Ông Hậu tin rằng với hai lợi thế trên, sàn giao dịch nhà đất Hà Nội sẽ không vắng khách.

Tuy nhiên các chuyên gia tỏ ra hoài nghi, liệu các sàn giao dịch sẽ tồn tại như thế nào khi nhân tố quyết định chính là thị trường bất động sản đang bị đóng băng.

(Theo VnExpress)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu