Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ cháy
nổ khí gas, gây thiệt hại về người và của. Phải chăng do thị trường kinh doanh đang bị "thả nổi"? Trách nhiệm của các cơ quan chức năng ở đâu? Cơ chế nào để bảo vệ người dân trong quá trình sử dụng?
Ông Phạm Gia Lượng, phó cục trưởng Cục An toàn lao động đã có cuộc trao đổi thẳng thắn cùng PV về những nội dung này.
Quá tin tưởng vào nhà cung cấp
Ông nghĩ sao về những vụ cháy nổ khí gas thời gian qua?
Cần xác định, những vụ nổ gas đó thường là nổ hỗn hợp gas, nghĩa là khí gas bị rò rỉ ra ngoài, gặp tia lửa điện nên phát nổ chứ không phải nổ bình gas. Do đó, có thể khẳng định nguyên nhân là do người sử dụng đã không được trang bị những kiến thức để xử lý tình huống khi phát hiện có hơi gas thoát ra ngoài. Vì thế, khi phát hiện có khí gas trong phòng kín, họ vẫn thực hiện những thao tác liên quan đến lửa như bật điện nên mới gây ra cháy nổ.
Nghĩa là, lỗi hoàn toàn thuộc về người dân?
Đổ lỗi hoàn toàn cho người dân thì chưa đúng mà còn phải căn cứ vào kết luận của cơ quan công an xem bình gas đó có còn trong thời hạn kiểm định an toàn hay không.
Theo ông, việc người dân không hiểu biết khi sử dụng gas là do đâu? Phải chăng họ coi thường mạng sống của mình đến vậy?
Thực ra tâm lý của người dân đều muốn có chất đốt rẻ tiền, phù hợp thu nhập. Họ thờ ơ với sự an toàn là do nhà cung cấp (các công ty, đại lý) gas chưa làm tròn trách nhiệm với khách hàng.
Ông có thể nói rõ hơn?
Theo Nghị định 107 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh khí dầu mỏ hóa có chỉ rõ, khi cung cấp sản phẩm tới khách hàng, nhà cung cấp phải có tờ hướng dẫn cách sử dụng gas an toàn dán trên bình. Trên tờ hướng dẫn đó đặt ra các tình huống cụ thể như khi thấy rò rỉ khí gas thì làm gì, bình quá cũ, quá hạn kiểm định thì xử trí ra sao.
Tuy nhiên, đáng tiếc là nhiều cơ sở không lưu tâm đúng mức vấn đề này. Thêm nữa, họ quá tin tưởng vào nhà cung cấp, cứ hết gas là nhấc máy điện thoại gọi nhân viên chở gas đến và cũng không quan tâm đến thao tác mà nhân viên thực hiện.
Không thể thắt chặt thị trường
Thiết nghĩ, nhà cung cấp đã không thực hiện đúng quy định là in và dán tờ hướng dẫn trên bình gas thì cũng có một phần trách nhiệm của các cơ quan chức năng chứ?
Đúng vậy. Quy định đã có nhưng việc thực hiện như thế nào lại là chuyện khác. Thật ra, kiểm tra, xử lý cũng khó.
Vì sao lại khó, thưa ông?
Hiện, cả nước có khoảng 20 triệu bình gas với hàng nghìn đại lý cấp 1, cấp 2. Trong khi đó, lực lượng chức năng lại mỏng nên không thể kiểm tra hết được.
Phải chăng, chính việc "thả nổi" thị trường kinh doanh gas với hàng nghìn đại lý gas trong khu dân cư đã khiến cho chúng ta rơi vào tình trạng "thả gà ra đuổi"?
Tôi khẳng định, thị trường kinh doanh gas không hề có chuyện thả nổi. Bởi Nhà nước đã có quy định rất rõ ràng điều kiện để các đại lý được cấp giấy phép kinh doanh gas, bao gồm mặt bằng, đội ngũ nhân viên phải được trang
bị kiến thức về an toàn, được tập huấn phòng cháy chữa cháy, cơ sở phải có cửa thoát hiểm. Chỉ khi đáp ứng được những yêu cầu đó thì mới được phép kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề là nhiều chủ đại lý được cấp giấy phép với quy mô một đằng nhưng lại làm một nẻo.
Dường như đang có một mâu thuẫn: trong khi lực lượng chức năng mỏng nhưng quy định về kinh doanh gas lại tạo điều kiện cho các cơ sở "trăm nhà đua nở". Giả dụ chúng ta thắt chặt thị trường thì có phải dễ bề quản lý hơn không?
Nếu thắt chặt thị trường sẽ rơi vào thế độc quyền. Khi đó, đối tượng chịu thiệt thòi chính là người dân. Nếu vẫn đảm bảo an toàn mà phân chia nhỏ lẻ thì sẽ là tốt nhất. Chúng ta đưa ra quy định như thế là đảm bảo an toàn rồi. Nếu như các cơ quan chức năng làm đúng trách nhiệm của mình thì sẽ hạn chế được những rủi ro cho người dân.
20% bình gas không đảm bảo an toàn
Nói như ông thì chính các cơ quan chức năng đã chưa làm đúng trách nhiệm?
Nếu chiều theo quy định thì sẽ có những cơ sở không đạt tiêu chuẩn kinh doanh. Tại sao nó vẫn tồn tại đã tạo nên bức xúc cho người dân và phải tiếp tục tìm hiểu.
Trên thực tế, việc thừa hành quy định của Nhà nước phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của người thừa hành công vụ. Tuy nhiên, đôi khi không hẳn do họ chưa làm tròn trách nhiệm mà còn bởi yếu tố khách quan khác.
Đó là yếu tố gì, thưa ông?
Thực tế đang diễn ra hiện tượng chiếm dụng bình gas. Đáng lẽ, bình gas phải được chuyển về cho đơn vị chủ quản nhưng lại chuyển sang cho một đơn vị khác. Đó là biểu hiện của gian lận thương mại.
Họ cắt quai xách, hàn chân đế bình và thay logo khác. Hiện số lượng này chiếm khoảng 15 - 20% tổng số lượng bình (khoảng 4 triệu bình - PV). Những bình này không được kiểm định chất lượng an toàn định kỳ nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn.
Điều đó có nghĩa người dân vẫn phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn khi sử dụng bình gas?
Đó là điều không tránh khỏi. Chúng ta đã phát hiện nhiều, xử lý nhiều nhưng không thể triệt để được. Hiện tượng gian lận thương mại phổ biến trên toàn thế giới chứ không riêng gì ở ta. Do đó, chỉ có thể hạn chế phần nào thôi.
Bây giờ, nhiều gia đình đã chuyển sang dùng bếp từ. Đó cũng là một cách để hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, tôi khẳng định, dùng gas vẫn rẻ nhất và sẽ an toàn nếu như mọi người được trang bị đầy đủ kiến thức.
Hiện chúng ta đang thực hiện việc dùng gas theo đồng hồ ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội). Trong tương lai sẽ triển khai ra tất cả các tòa nhà cao tầng. Khi đó, số lượng bình sẽ ít đi, những rủi ro cũng hạn chế hơn.
Có thể khởi kiện
Với những vụ nổ khí gas xảy ra thì người dân có quyền kiện không, thưa ông?
Trước hết, khi xảy ra nổ khí gas, nếu bình gas vẫn còn trong thời hạn bảo hành thì lỗi là do người dân. Họ không thể kiện được. Ngược lại, nếu bình gas quá hạn bảo hành thì đó là lỗi của nhà cung cấp. Người dân có quyền khởi kiện.
Trong trường hợp người dân am hiểu quy định, khi đổi bình gas, nếu thấy quá hạn kiểm định thì có thể khiếu nại đến hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để buộc nhà cung cấp phải bồi thường.
Theo ông, để hạn chế những vụ nổ khí gas, vấn đề cốt lõi là gì?
Để làm được điều đó cần có những giải pháp đồng bộ, cả người bán, người mua, các cơ quan chức năng cùng vào cuộc. Chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, nhất là người sử dụng phải có ý thức để tự bảo vệ mình.
Vâng, xin cảm ơn ông!
"Khi có vụ nổ xảy ra, việc quy trách nhiệm cho các cơ quan chức năng cũng khó vì có nhiều đơn vị quản lý thị trường kinh doanh gas, gồm có cơ quan phòng cháy chữa cháy, ngành lao động, ngành công thương, xây dựng. Việc phân cấp như vậy đảm bảo hoạt động kinh doanh đúng pháp luật, an toàn. Cần phải căn cứ vào từng vụ việc cụ thể để phát hiện xem lỗi đó ở khâu nào chứ không thể nói chung chung được". |
(Theo Bee.net)