Hoảng loạn chìm phà ở Quảng Nam
Như Dothi.net đã có bài Đi tìm nguyên nhân thực sự vụ chìm phà ở Quảng Nam, nhiều vấn đề còn uẩn khúc và ly kỳ còn đang tiếp tục gậy xôn xao dư luận ở vùng cửa biển này.
Uẩn khúc từ việc quá tải
Vụ chìm phà sáng ngày 21/11 trên sông Trường Giang, thuộc xã Tam Hải và Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam làm một thai phụ tử nạn và gần 40 hành khách hoảng loạn trong dòng nước dữ. Lí do gây tai nạn được cơ quan chức năng đề cập tới cơ bản là do phà quá tải.
Chiều 21/11, ngay sau tai nạn, chính quyền xã Tam Hải cho biết giữa UBND xã và lái phà đã có văn bản cam kết không chở bất kỳ ôtô nào trên phà mà chỉ vận chuyển người. Do đó việc ông Thu chở theo xe tải củi tổng trọng lượng 7 tấn là sai quy định.
Sáng 22/11, ông Bùi Văn Thu phà công của chiếc phà bị chìm khai với cơ quan điều tra là UBND xã Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam) đã cho phép ông chở kèm xe tải trên mỗi chuyến phà để vận chuyển lương thực, thực phẩm cho dân.
Bến phà Tam Hải chỉ cách UBND xã Tam Hải khoảng một km, hàng ngày phà thường xuyên chở ôtô tải qua lại chính quyền địa phương đều biết.
Theo giấy phép đăng kiểm, chiếc phà gỗ này chỉ được phép chở 30 hành khách mỗi chuyến (không đề cập chở phương tiện xe máy, xe đạp). Sáng 22/11, đại diện UBND xã đảo Tam Hải cũng thừa nhận là đã cho phép phà gỗ chở cả xe tải gạo, nước, lương thực, thực phẩm đi trên phà.
"Do vận chuyển phà qua sông Trường Giang sợ gạo ướt, thùng nước rơi nên thời gian qua xã có cho phép phà gỗ chở xe tải mang theo lương thực, thực phẩm thiết yếu qua sông. Riêng sáng 21/11, việc ông Thu chở xe tải chất đầy củi thì xã không hề hay biết", ông Phan Như Tường, Chủ tịch UBND xã đảo Tam Hải giải thích.
Thiếu tá Nguyễn Văn Chương, cảnh sát giao thông Quảng Nam, cho biết: cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã ba lần lập biên bản xử lý và yêu cầu phương tiện này không được chuyên chở ôtô nhưng chủ phương tiện bất chấp và gây tai nạn.
Theo ông Phan Như Tường - Chủ tịch UBND xã Tam Hải: “Bến phà hoạt động nhiều năm nay, do UBND xã Tam Hải quản lý, trước đây giao khoán cho cá nhân khai thác, nộp ngân sách xã, mỗi năm tổng doanh thu hơn 200 triệu đồng. Riêng năm nay, UBND xã Tam Hải trực tiếp đứng ra vận hành, khai thác, giao cho một tổ gồm 8 người chia làm 2 ca vận hành phà, bán vé qua phà với giá 1.000 đồng/người, 2.000 đồng/xe đạp, 3.000 đồng/xe máy. Còn xe tải cũng bán vé, khoảng 100 ngàn đồng/2 chuyến đi -về”.
Ông Võ Thành Trị - GĐ Trung tâm Đăng kiểm thuỷ bộ Quảng Nam cho biết: “Chiếc phà gỗ này khi đăng kiểm đã được ghi rõ là chỉ được phép chở không quá 30 người, đặc biệt lưu ý là không được chở ôtô, nhưng phà vẫn ngang nhiên vi phạm, dẫn đến tai nạn là không tránh khỏi. Đây cũng là thực trạng rất đáng báo động, bởi hiện nay, mấy chục bến đò, phà ngang sông trên địa bàn Quảng Nam hoạt động thiếu an toàn, thiếu kiểm soát, chưa kể nhiều phương tiện và người lái đò chở khách theo kiểu tự phát”. Ông Trương Khuê - Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh - cho một con số “giật mình”: Cả tỉnh hiện có 62 bến thuỷ nội địa, thì gần một nửa (26) là không phép, không đủ điều kiện đảm bảo an toàn, nhưng vẫn đang hoạt động.
Uẩn khúc về chiếc phà sắt mới 2,5 tỷ nằm đắp chiếu
Dư luận băn khoăn về thực hư chuyện chiếc phà mới bị hỏng nên phải dùng phà gỗ cũ để lưu hành. Nhưng suốt những tháng qua phà mới được cho là hỏng đó không hề được sửa chữa.
Nguyễn Quang Hòa, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành – ông Hòa cho biết: “Chiếc phà mới do UBND xã Tam Hải làm chủ đầu tư, đóng mới bằng sắt để thay thế cho chiếc phà cũ bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Việc phà mới này ngừng hoạt động chỉ nghe anh em ở dưới báo lên là do hỏng máy móc, trục trặc gì đó chưa rõ. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại việc có hay không việc chỉ vì tiêu hao nhiều nhiên liệu mà ngừng hoạt động chiếc phà tiền tỷ này”.
Nhiều người dân sống hai bên xã Tam Hải và xã Tam Quang cho rằng, phà mới đóng chạy tốn nhiên liệu, vả lại phà sắt nên mùa đông rất khó đưa khách qua lại dòng nước chảy xiết…
Theo quan sát của PV Dothi, một nhóm thợ chuyên sửa phà đã được điều động để sửa chữa chiếc phà sắt vừa mới đóng trị giá hơn 2,5 tỷ đồng bị hỏng máy để sớm đưa vào hoạt động trở lại. Hai chiếc phà tạm được điều đến để vận hành giao thông.
Ông Trần Khanh, Chánh văn phòng UBND huyện Núi Thành cho biết: “Chúng tôi đã điều động công an xã, công an thôn, dân phòng phải túc trực bảo vệ an toàn cho khách qua lại trên đò”.
Tại bến phà, người dân vẫn nháo nhào tranh nhau qua lại bến sông rất nguy hiểm. Còn hai chiếc phà tạm được điều động dù có lực lượng chức năng kiểm soát, nhưng vẫn không đủ áo phao cho khách mặc…
Ly kỳ
Trong mấy ngày nay, nhiều chuyện ly kỳ được người dân kể truyền tai nhau. Chuyện ly kỳ được nhắc đến trước tiên là 8 năm trước cũng ở vị trí chìm gần cửa biển An Hội như sáng 21/11, chính phà gỗ này đã bị đắm một lần.
Một chuyện ly kỳ khác được nhiều người nhắc tới là trên phà có 40 người gặp nạn, trong tình trạng hỗn loạn ấy mà rất may số người thiệt mạng trong dòng nước chỉ dừng ở con số 1. Nhiều người biết bơi tự tìm cách thoát thân. Cũng không ít người không biết bơi không có phao nhưng lại may mắn được cứu vào những thời khắc tưởng chừng tuyệt vọng.
Rất nhiều người may mắn thoát nạn đều kể với chúng tôi đã về làm lễ tạ ơn tổ tiên vì sự kỳ diệu ấy. Nhiều ngư dân quanh vùng cũng tự hỏi mình tại sao lúc đó, hôm xảy ra vụ tại nạn lại vô tình có mặt ở đó và cứu được nhiều người đến thế.
Nguyễn Hưng (tổng hợp)