SearchNews

Sống cùng mồ mả ở đô thị Việt Hưng

07/08/2007 11:58

Mặc dù bỏ hàng trăm triệu đồng để được ở khu chung cư hiện đại, nhưng rồi người dân ở khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội), đang lo ngại vì phải sống chung với mồ mả.

Mặc dù bỏ hàng trăm triệu đồng để được ở khu chung cư hiện đại, nhưng rồi người dân ở khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội), đang lo ngại vì phải sống chung với mồ mả.

Một góc khu đô thị Việt Hưng. Ảnh: SGGP

Những cư dân tại đây đang rất bất bình trước việc Ban quản lý dự án khu đô thị mới Việt Hưng tiếp tục để xảy ra việc người dân sống ở khu vực xung quanh “vô tư” đưa người mới chết vào chôn ngay tại khu vực đã được quy hoạch khu đô thị mới. Nghĩa địa nằm ngay trước nhà K2, nơi đã có hơn 30 hộ dân đến ở. Một phía được vây bọc bởi hàng cây và bức tường tạm bợ. Ngôi mộ mới chôn, còn nguyên vòng hoa, cờ phướn, chưa kịp bén cỏ.

Ông Trần Thanh Hải, 51 tuổi, bức xúc: “Chúng tôi không thể chấp nhận chuyện người ta tiếp tục đưa người chết đến chôn cất ngay sát một tòa nhà trong khu đô thị mới được. Tôi thì có thể chịu được nhưng vợ con tôi rất hoảng sợ”.

Còn ông Lê Văn Sơn, 60 tuổi, than thở: “Cả một khu đô thị lớn phải sống chung với nghĩa địa án ngữ trước mặt đã khó chịu rồi, trong khi ban quản lý khu đô thị còn để người ta đem người mới chết vào đây chôn thì sao chịu nổi”. Anh Nguyễn Đông Tú, 31 tuổi, sống trên căn hộ 110, nhà K2, nhìn thẳng ra khu mồ mả ngổn ngang, cũng khẳng định ngôi mộ trên vừa được chôn cách đây chỉ vài ngày, kèn trống, la khóc inh ỏi cả vùng và chính vì cảnh tượng này mà vợ anh phải bỏ về nhà mẹ đẻ để ở vì… sợ ma.

Còn anh Vũ Thành Nam, 34 tuổi, ở chung cư 710, cùng nhà K2 thì cho biết đã bỏ sang nội thành thuê nhà trọ từ 2 tháng nay. Lý do thứ nhất, nhà anh vẫn bị ban quản lý khu đô thị cắt điện hoàn toàn, thứ hai là anh không muốn vợ con sống cảnh ra khỏi cửa là gặp mồ mả, trong khi họ đã mất cả nửa tỷ đồng để hy vọng được ở khu đô thị hiện đại.

Nghĩa địa trên thuộc quản lý của phường Việt Hưng và đã có từ trước khi khu đô thị mới xuất hiện. Tuy nhiên, khi làm dự án, chính quyền TP Hà Nội đã giao HUD trách nhiệm phải dừng việc cho chôn cất ở nghĩa địa và khẩn trương di dời mồ mả cũ ra khỏi khu vực dự án.

Thế nhưng cho đến nay, không chỉ bê trễ trong việc di dời nghĩa địa cũ về nơi tập kết theo quy hoạch, ban quản lý dự án còn để người dân tiếp tục chôn mộ mới. Điều này càng khiến quá trình di dời mồ mả, giải phóng mặt bằng khó khăn, chậm trễ hơn. Bởi theo phong tục của người Việt, mộ người mới chết phải chờ ít nhất 3 năm mới có thể bốc (cải táng) sang nơi mới. Tuy nhiên, điều tệ hại hơn là sự kiện trên đang ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và cuộc sống của nhiều người.

Chung cư như... chùa Bà Đanh

Mang tiếng là khu đô thị hiện đại nhưng lại để xảy ra cảnh đưa người mới chết vào chôn cùng khu dân cư, cộng thêm những yếu kém, thờ ơ về cung ứng dịch vụ, chăm sóc khách hàng như đột ngột cắt điện, nước, không giao biên bản bàn giao nhà, không thực hiện các thủ tục làm và cung cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà... nên hiện nay, khu đô thị mới Việt Hưng đang rơi vào cảnh ế ẩm.

Theo HUD thì khu đô thị Việt Hưng đã hoàn thiện xong 39 chung cư cao tầng và tiến hành bán. Thế nhưng, đến nay khu đô thị vắng như... chùa Bà Đanh. Dãy nhà K2 là nơi đã hoàn thành và bắt đầu bán từ tháng 10/2006 với hơn 130 căn hộ, nhưng cho đến nay mới có khoảng 30 hộ đến ở và được coi là nơi “đông đúc” nhất. Dãy K3 ở sát cạnh thì hiu quạnh, vắng vẻ hơn nhiều. Không có người ở nên thang máy không hoạt động. Leo từ tầng 1 lên tầng 4 mới bắt đầu có người ở. Nhưng cả dãy tầng 4 cũng chỉ có 2 gia đình đến ở, gồm căn hộ số 404 và 414.

Ông Lê Đình Phong, gần 50 tuổi, chủ nhà số 404, cho biết “nhà số 414 cũng đóng cửa đi suốt, cả tuần mới thấy họ qua một lần”. Ông bảo: “Chúng tôi đã ở đây mấy tháng rồi mà chẳng thấy ai. Đêm cũng sợ”.

Khắp các dãy nhà K3, rồi sang K4, sang cả nhà B, nhà P, nhà H cũng đều chẳng thấy người. Cửa phòng nào cũng khép hờ hai cánh cửa sắt bên ngoài, bên trong cửa gỗ đóng lại. Nhưng cứ gõ mãi, đợi đến 15-20 phút mà chẳng thấy chủ nhà ra mở cửa. Đẩy thì cửa khóa. Mép cửa gỗ thì chăng đầy mạng nhện. Nhân viên trực bên dưới mới biết ban quản lý yêu cầu phải làm vậy để tạo ra vẻ khu đô thị đã có rất đông người ở.

(Theo SGGP)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu