Nhiều biện pháp PCCC được ban quản lý chợ cùng tiểu thương tại Huế đề ra nhằm đảm bảo an toàn PCCC từ sau kinh nghiệm cháy chợ Quảng Ngãi.
Tiểu thương, ban quản lý chợ cảnh giác cháy nổ cao độ
Tại chợ lớn nhất Huế - Đông Ba, Ban quản lý chợ đã nhóm họp các tiểu thương cách đây 2 ngày nhằm phổ biến câu chuyện cháy chợ Quảng Ngãi. Từ đó, yêu cầu các chị em phải đề cao cảnh giác trước tình hình cháy đang có nguy cơ gia tăng vào mùa khô.
Theo đó, hàng hóa không được chất đầy bên hệ thống điện trong lô quầy, toàn bộ hệ thống dây dẫn điện phải được mắc trong ống nhựa, hạn chế thắp hương đốt trầm. Các hàng ăn không sử dụng củi mà phải dùng than để đốt nhằm tránh tàn lửa bay phát tán. Mỗi gian hàng cần thiết nên trang bị 1 bình xịt cứu hỏa... Ngoài ra, hệ thống loa phát thanh của chợ nhắc nhở chị em đề phòng cháy nổ nhiều lần trong ngày.
Ở các chợ lớn khác như An Cựu, Tây Lộc, loa phát thanh cũng liên tục nhắc nhở bà con hạn chế tối đa việc giữ lửa trong lô quầy, tắt hết điện khi ra về nhà. Nhiều tiểu thương sau khi thấy các bạn hàng của mình ở chợ Quảng Ngãi đã trắng tay sau 1 đêm đã tỏ ra rất lo lắng. “Từ lúc ban quản lý chợ họp phổ biển, tôi định cuối tuần ni sẽ mua 1 bình xịt chữa cháy để sẵn trong quầy, lỡ có cháy thì dập tắt lửa kịp nhằm cứu tài sản” - chị Gái bán áo quần ở lầu Chuông, chợ Đông Ba cho biết.
Các hàng vàng có gia công sản phẩm (dùng hàn, gò...) ở các chợ cũng tăng cường thêm bình xịt cứu hỏa dạng bột. Những nơi đặt bình xịt này trong chợ và các ống dẫn nước, hầm chứa nước cũng được mọi người chú ý nhớ vị trí kỹ hơn phòng khi có biến.
Riêng tại chợ Đông Ba đã có hệ thống tự ngắt điện vào lúc 7h tối. Điện ở đây được phân ra 2 phần: điện kinh doanh được thắp sáng từ 7h sáng đến 7h tối và điện bảo vệ (gồm hệ thống điện trần thắp sáng vừa phải trong đêm) từ 7h tối đến 7h sáng hôm sau. Vì vậy, nếu chập điện gây cháy vào ban đêm, khả năng sẽ không cao vì nguồn điện sử dụng ít.
Cháy lớn về đêm sẽ khó chữa nếu phát hiện chậm
Ông Nguyễn Văn Cầm, Phó trưởng ban quản lý chợ Đông Ba cho biết với lực lượng bảo vệ mỏng, về đêm tại chợ có từ 25-29 người chia làm 3 ca (mỗi ca từ 8 đến 9 nhân viên). Nếu chợ cháy, nếu phát hiện kịp thời sẽ tri hô, gọi cảnh sát, người dân xung quanh tới giúp thì sẽ cứu được. Nhưng nếu phát hiện chậm sẽ vô cùng tai hại khi khả năng dập lửa sẽ rất khó vì chợ có diện tích lớn 22.749m2 chia làm 6 khu vực với 2.700 gian hàng.
“Ngay ở vụ Quảng Ngãi, khi huy động lực lượng PCCC chuyên nghiệp đến cũng không thể nào dập tắt được hết lửa vì chợ quá lớn. Hiện tại chợ chưa được trang bị hệ thống báo động cháy và camera quan sát. Chúng tôi sẽ xin UBND TP Huế để có các thiết bị này - sẽ đỡ cho anh em bảo vệ và phát hiện được cháy nhanh hơn” - ông Cầm nói.
Cũng liên quan đến vấn đề lối đi giữa các gian hàng rất sát nhau, dễ bị “cháy chùm” nếu phát hỏa, đặc biệt ở những lô quầy áo quần, ông Cầm cho biết đã nhiều lần vận động bà con chấp hành trật tự, đừng để choáng đường thoát hiểm hay hạn chế đem chất quá nhiều hàng hóa tại quầy đến nỗi phải lấn ra đường đi. Thậm chí đã xử phạt, thu hàng hóa nhưng nhiều người vẫn chưa chấp hành tốt, làm ảnh hưởng đến an toàn của mọi người.
Qua quan sát của PV, nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ tại các chợ tại Huế là rất cao khi hầu hết các gian hàng nằm sát nhau, hệ thống điện mắc chưa tốt khi khá nhiều nơi còn lùng nhùng nhiều đầu dây mối nhợ. Các ổ điện thường bị che khuất sau đống hàng hóa đầy ắp nên nếu phát nổ sẽ bắt lửa và có thời gian cháy lan ra trên diện rộng. Ngoài ra, có một số ít các cột nước cứu hỏa tại ven các chợ nhỏ đã quá cũ.
Ngay như chợ Đông Ba được trang bị tốt nhất tại TP Huế với hệ thống 250 bình cứu hỏa dạng bột được đặt đều trong 6 khu vực nhưng vẫn còn thiếu. Cùng với đó là hệ thống 8 trụ nước nối liên thông với hệ thống cấp nước TP Huế, 28 vòi áp tường về chữa cháy đặt đều trong các nhà ở chợ - có nước 24/24, 4 bể nước dự phòng đặt ngầm dưới đất, 4 máy bơm chữa cháy trong tình trạng hoạt động tốt. Nhưng nếu có cháy thì khả năng cũng chỉ xử lý được ban đầu nếu phát hiện cháy sớm.
Qua đó, một số đề nghị cũng được chuẩn bị trình lên HĐND TP Huế như: đầu tư thêm bình xịt dạng bột để bố trí dày quanh chợ; khảo sát lại hệ thống điện từ đó nâng cấp hiện đại hơn; cấp thêm hệ thống báo cháy, camera...
Chưa tiểu thương nào có bảo hiểm cháy nổ hàng hóa
Một vấn đề trăn trở nữa là làm bảo hiểm cháy nổ hàng hóa cho tiểu thương. Đến nay, với 2.700 lô hàng tương ứng với chừng ấy số lượng người bán tại chợ Đông Ba, dù đã triển khai chương trình làm bảo hiểm cháy nổ hàng hóa cho bà con từ năm 2008. Nhưng đến thời điểm hiện tại, không có một ai trong số các tiểu thương mua bảo hiểm này.
Theo ông Nguyễn Văn Cầm, lý do bên bảo hiểm đưa ra có nhiều tiêu chí để khống chế như: Giấy chứng nhận đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ do Phòng cảnh sát PCCC, Công an tỉnh cấp; yêu cầu trang thiết bị trong lô hàng phải theo ý bảo hiểm... Một điều rất quan trọng là yêu cầu tính lan tỏa khi bị cháy nổ từ các gian hàng khác đem lại phải không có. Nhưng điều nay là dường như không thể khi lô quầy ở chợ cứ san sát.
Chính vì vậy, từ vụ tiểu thương trong chợ Quảng Ngãi bị cháy sạch đồ dùng mà không thấy bảo hiểm bồi thường cho ai là vì không có người nào mua được bảo hiểm. Hiện bà con ở chợ cũng rất mong phía bảo hiểm tạo điều kiện để bà con có thể mua bảo hiểm, nhằm đỡ phần nào khi xảy ra cháy nổ.
(Theo Dân trí)