SearchNews

Đua nhau xây căn hộ dịch vụ

20/12/2011 08:56

Để giảm áp lực, Tp.HCM đã dừng cấp phép các dự án xây dựng căn hộ chung cư tại khu trung tâm Tp.HCM. Tuy nhiên hàng loạt dự án cao ốc đã lách bằng những "căn hộ dịch vụ" với thời gian được phép cho thuê lên tới 50 năm, tức gần cả đời người.

Để giảm áp lực, Tp.HCM đã dừng cấp phép các dự án xây dựng căn hộ chung cư tại khu trung tâm Tp.HCM. Tuy nhiên hàng loạt dự án cao ốc đã lách bằng những "căn hộ dịch vụ" với thời gian được phép cho thuê lên tới 50 năm, tức gần cả đời người.

Đua nhau xây dựng căn hộ dịch vụ

Chỉ cần dạo một vòng quanh khu vực trung tâm Tp.HCM có thể đếm được vài chục dự án cao ốc trung tâm thương mại có kèm theo công năng căn hộ cho thuê. Đầu tiên phải kể đến là dự án Kumho Asiana Plaza nằm tại mặt tiền bốn con đường: Lê Duẩn, Hai Bà Trưng, Lê Văn Hưu và Nguyễn Du. Đây là một tổ hợp công trình tiêu chuẩn hiện đại với ba cao ốc: một cao ốc làm khách sạn tiêu chuẩn năm sao hơn 300 phòng, một cao ốc 270 căn hộ cho thuê dài hạn, một toà nhà văn phòng cho thuê, với nhiều dịch vụ cao cấp.

Căn hộ dịch vụ

Dự án Ben Thanh Luxury Apartment đang hình thành là một cao ốc 22 tầng, gồm 88 căn hộ cực kỳ cao cấp toạ lạc tại vị trí khá đắc địa mặt tiền số 172 – 174 Ký Con, giáp hai mặt tiền đường Đặng Thị Nhu và Lê Thị Hồng Gấm (quận 1). Ban đầu dự án được phép bán căn hộ, nhưng sau đó theo chủ đầu tư khi hoàn thành sẽ dành một phần với hàng chục căn hộ để cho thuê. Tương tự, dự án Times Square, tại 22 – 36 Nguyễn Huệ, với nhiều công năng như trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn và 120 căn hộ sang trọng vừa bán vừa cho thuê.

Hoành tráng và đồ sộ nhất là dự án toà tháp đôi Bến Thành Twin Towers do tập đoàn Bitexco xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015. Bến Thành Twin Towers được xây dựng trên khu đất rộng khoảng 8.600m2, bao bọc bởi bốn tuyến đường Calmette, Lê Thị Hồng Gấm, Phó Đức Chính và Phạm Ngũ Lão thuộc quận 1. Theo thiết kế, dự án này gồm hai toà tháp cao 55 tầng, trong đó có khu căn hộ dịch vụ 600 căn.

Dự án Saigon Centre giai đoạn 2 tại góc đường Lê Lợi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa vừa được chủ đầu tư là tập đoàn Keppel Land của Singapore làm lễ khởi công. Dự án này cao 45 tầng, dự kiến năm 2015 hoàn thành sẽ tung ra thị trường 200 căn hộ cho thuê cao cấp.

Ngoài ra, còn hàng loạt các dự án khác đã cung cấp cho khu vực trung tâm hàng trăm căn hộ cho thuê dài hạn như: Vincom Center đường Lê Thánh Tôn, Mai Har Lan Building đường Lê Thánh Tôn, Saigon City Residences đường Thái Văn Lung, Sailing Tower…

Phản tác dụng

Trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, ông Trương An Dương, trưởng phòng nghiên cứu thị trường và tư vấn công ty Savills Việt Nam cho biết, chỉ tại quận 1 và 3 hiện đã có khoảng 36 dự án có công năng căn hộ dịch vụ dài hạn cung cấp cho thị trường khoảng 2.000 căn hộ. Theo dự báo, năm 2013, số căn hộ này sẽ tăng khoảng 15%. Và trong ba năm tới, tại khu vực trung tâm sẽ thêm khoảng 21 dự án với hơn 4.400 căn hộ được đưa vào thị trường Tp.HCM. Hầu hết các dự án này đều có quy mô lớn.

Theo ông Dương, sở dĩ, số lượng căn hộ cho thuê dài hạn tại khu vực trung tâm Tp.HCM không ngừng tăng lên là vì nhu cầu lớn. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, có trên 60.000 người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam có nhu cầu thuê nhà và mua nhà tại khu vực trung tâm thành phố.

Một chuyên gia trong ngành xây dựng cho rằng, việc Tp.HCM không cấp phép cho dự án xây dựng căn hộ chung cư, nhưng lại cấp phép cho hàng loạt dự án trung tâm thương mại có công năng kèm theo hàng trăm căn hộ cho thuê, không những không thực hiện được chính sách giãn dân mà còn hút thêm người vào khu vực trung tâm.

Vị chuyên gia này cho rằng, chúng ta không chống kẹt xe bằng việc không cho xây cao ốc. Bởi cấm xây nhà ở thì lòi nhà cho thuê dài hạn. Ngưng cấp phép nhưng cao ốc cứ mọc lên. Bài toán lâu dài để giảm áp lực hạ tầng là làm thêm hạ tầng cho khu vực trung tâm. Tuy nhiên, giải pháp này đòi hỏi vốn và thời gian. Biện pháp trước mắt là nên nhanh chóng thực hiện giãn dân bằng những dự án đô thị vệ tinh quy mô nhỏ, rút gọn. Tiếp đó, di dời khẩn cấp hệ thống trường đại học ra khỏi trung tâm.

Đồng quan điểm, ông Trương An Dương cũng cho rằng, không thể đổ lỗi cho việc kẹt xe tại khu vực trung tâm là do các cao ốc để đi đến việc cấm xây dựng nó. Một đô thị phát triển thì phải có các cao ốc. Nhìn sang các đô thị phát triển của các nước bạn thì thấy số lượng cao ốc tại Tp.HCM chưa nhiều. Sở dĩ khu vực trung tâm kẹt xe là vì có quá nhiều thứ nằm ở trung tâm: bệnh viện, trường học, cơ quan công sở…

Ông Nguyễn Trọng Hoà, viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM đã nhiều lần nhấn mạnh, việc xây dựng các cao ốc là một hệ quả tất yếu của một quá trình phát triển đô thị. Không thể cho rằng cao ốc gây kẹt xe nên chúng ta ngừng không cấp phép cho dự án cao ốc nào ở khu vực trung tâm. Giải pháp của ông Hoà đưa ra là, minh bạch và quy hoạch hoá việc xây dựng nhà cao tầng. Tránh tình trạng xây dựng tràn lan. Kế tiếp, xây dựng nhà cao tầng thường gắn liền với phát triển hệ thống giao thông.


Các tin đọc nhiều:

Thị trường chung cư sẽ "vỡ trận"?

Bất động sản đón dòng tiền kiều hối

Thị trường nhà ở tại Hong Kong giảm giá 10% trong năm 2012

Bất động sản "cắt lỗ" hay giảm lãi chỉ doanh nghiệp mới biết!

Hầm Thủ Thiêm sau khi thông xe: Giải mã quy hoạch


(Theo SGTT)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu