Khi mua nhà đất tại các dự án ở TP.HCM, người dân đã trả tiền cho phần diện tích công cộng, công viên cây xanh. Thế nhưng, nhiều chủ đầu tư đã phớt lờ việc xây dựng công viên hoặc phó mặc đất công viên cho người khác xà xẻo, lấn chiếm kinh doanh.
Cuối tháng 7/2011, các hộ dân tại đường 19, khu phố 5, khu dân cư P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân (TP.HCM) bất ngờ khi chứng kiến lễ động thổ xây dựng trạm xăng trên phần đất lâu nay vốn quy hoạch là công viên của dự án khu dân cư này.
Công viên biến thành cây xăng
Ông Lê Duy Thức, nhà ở đường 19, cạnh công viên trên, cho biết năm 2000 khi mua nền đất tại dự án nhà ở Bình Trị Đông, ông đã chọn vị trí gần công viên để được hưởng không khí trong lành, có nơi tập thể dục. Bản vẽ do chủ đầu tư dự án (Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh dịch vụ và xuất nhập khẩu Q.1 - Fimexco) giới thiệu thể hiện khu vực trên là công viên, không có trạm xăng. “Không hiểu vì sao cơ quan chức năng lại cho xây dựng trạm xăng trên đất công viên khiến người dân ở đây rất bức xúc”- ông Thức nói.
Theo UBND Q.Bình Tân, sau khi người dân phản ảnh, UBND quận đã yêu cầu cơ quan chức năng quận kiểm tra. Theo đó, vị trí xây dựng trạm xăng phù hợp với quy hoạch chung của quận và quy hoạch chi tiết khu dân cư Bình Trị Đông đã được Văn phòng Kiến trúc sư trưởng TP (nay là Sở Quy hoạch - kiến trúc) điều chỉnh vào tháng 8-2000. UBND Q.Bình Tân cho rằng tất cả quy trình, thủ tục lập trạm kinh doanh xăng dầu đã được thực hiện đúng quy định. Còn phía Fimexco cho rằng quy hoạch trạm xăng tại công viên trên đã có trong bản vẽ ngay từ đầu.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết trong quyết định duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án khu dân cư Bình Trị Đông do Văn phòng Kiến trúc sư trưởng TP phê duyệt năm 2000, có đề cập việc xây dựng trạm xăng trong khu dân cư. Năm 2005, UBND TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 444m2 đất cho Fimexco (trong tổng số gần 1.300m2) tại công viên trên và giấy chứng nhận này cũng ghi rõ mục đích làm trạm xăng dầu. Năm 2010, Fimexco đã chuyển nhượng cho ông H. khu đất trên với số tiền hơn 336 triệu đồng và ông H. được làm trạm xăng ở đây. Người dân băn khoăn không hiểu sao cơ quan thẩm quyền lại cho phép xây dựng cây xăng ngay khu đất quy hoạch làm công viên, vốn là nơi người dân cần sự yên tĩnh và không khí trong lành.
Ngoài công viên có một phần diện tích được sử dụng làm cây xăng, tại khu dân cư Bình Trị Đông (29ha) còn có bốn công viên khác được quy hoạch rải rác trong khu dân cư. Tuy nhiên, tất cả các công viên này đều đang bị xà xẻo để xây dựng trụ sở khu phố hoặc kinh doanh. Cụ thể, khu đất quy hoạch làm công viên tại góc đường 23A-30 (khoảng 500m2) đang bị người dân bao toàn bộ xung quanh để làm quán ăn, quán cà phê. Công viên tại góc đường 19-19E được sử dụng để xây dựng hai trụ sở thuộc ban điều hành khu phố 6, P.Bình Trị Đông B hoặc có đất công viên đang được sử dụng làm xưởng kinh doanh, bãi giữ ôtô...
Toàn cỏ dại
Dự án khu dân cư Bình Hưng, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCCI) làm chủ đầu tư được phê duyệt từ năm 1995 và bắt đầu xây dựng hạ tầng năm 2000, với khoảng 6.000-7.000 dân.
Theo phản ảnh của người dân, trước khi họ mua nền đất xây dựng nhà ở dự án này, chủ đầu tư cam kết sẽ xây dựng đến năm công viên với tổng diện tích 3,75ha và đến nay đã có bốn công viên được đầu tư. Tuy nhiên, thực tế chỉ có một công viên được giao cho người dân tự quản nên được đầu tư chăm chút, các công viên còn lại chỉ toàn... cỏ dại. Trong đó, công viên được quy hoạch có diện tích lớn nhất tại đây (hơn 1ha) đến nay vẫn là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm. Một số công trình công cộng khác được chủ đầu tư cam kết thực hiện như nhà trẻ hiện giờ cũng là bãi cỏ ngập ngụa nước trong khi nhiều người dân đã về đây ở từ tám năm nay.
Tại nhiều dự án còn có tình trạng công viên bị lấn chiếm xây dựng nhà cửa. Cụ thể, dự án khu biệt thự Vườn Lan tại khu phố 3, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức quy hoạch diện tích đất dành cho công viên gần 700m2, nhưng phần đất này đã bị dân lấn chiếm gần phân nửa để xây dựng nhà xưởng.Do người dân đã phản ứng nhiều lần nên mới đây UBND P.Hiệp Bình Chánh đã cưỡng chế hai hộ xây dựng trái phép trên phần đất công viên này.
Tại một dự án khu dân cư cạnh đó, nạn lấn chiếm công viên diễn ra công khai. Một căn nhà bán kiên cố lợp tôn có diện tích khoảng 200m2 đã mọc lên trên phần đất công viên. Theo quy hoạch đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt năm 2004, diện tích đất dành cho công viên tại khu vực này gần 1.000m2, nhưng do bị lấn chiếm nên hiện nay chỉ còn hơn phân nửa. Phần đất còn lại này hiện vẫn là bãi đất trống đầy rác.
(Theo TTO)