Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc thoái vốn khỏi các dự án đầu tư ngoài ngành, lãnh đạo PetroVietnam khẳng định đã báo cáo Chính phủ về việc xin rút vốn khỏi đầu tư dự án PVN Tower.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc thoái vốn khỏi các dự án đầu tư ngoài ngành, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) khẳng định đã báo cáo Chính phủ về việc xin rút vốn khỏi đầu tư dự án PVN Tower (Mễ Trì- Từ Liêm- Hà Nội).
Tại buổi họp báo chiều 16/1, ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thừa nhận, PetroVietnam đã rút khỏi tòa tháp PVN Tower. Lãnh đạo tập đoàn khẳng định, Chính phủ đã có chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải từng bước thoái vốn khỏi các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành như tài chính, chứng khoán, bất động sản... Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, PetroVietnam chủ trương dần rút vốn khỏi lĩnh vực bất động sản. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là công ty mẹ, 100% vốn Nhà nước nên sẽ không đầu tư vào tòa tháp nữa và PetroVietnam đã báo cáo với Chính phủ.
"Dự án này sẽ được giao lại cho một đơn vị khác làm chủ đầu tư. Điều này thuộc về thẩm quyền của UBND Hà Nội", ông Thực nói.
Trao đổi với báo chí, một nguồn tin từ Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) cho hay, hiện PVC là chủ đầu tư dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 600 triệu đôla. Nguồn tin này cho biết, dự án đã giải phóng xong mặt bằng và sẽ không dùng vốn Nhà nước cũng như vốn từ Tập đoàn Dầu khí. "PVC sẽ huy động vốn xã hội từ nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước. Tổng công ty đang tiến hành đàm phán", nguồn tin này khẳng định.
Nguồn tin này cũng cho biết, vốn của PVC chỉ chiếm 15%-20%, còn lại là huy động. Tên dự án có thể sẽ thay đổi. "Tòa tháp dự kiến sẽ triển khai trong năm 2012, song, do tình hình thị trường bất động sản khó khăn, dự án có khả năng phải hoãn đến khi tình hình kinh tế có chuyển biến. Sau 15-20 năm kể từ khi đưa vào sử dụng, chúng tôi sẽ thu hồi vốn", nguồn tin này khẳng định.
Hồi tháng 3, PVN Tower đã được điều chỉnh từ 102 tầng xuống còn 79 tầng. Kế hoạch điều chỉnh dự án PVN Tower được PVC công bố một ngày sau phiên thảo luận của Quốc hội về việc tái đầu tư 3.500 tỷ đồng cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Nhiều đại biểu cho rằng, khoản tái đầu tư 3.500 tỷ đồng cho Tập đoàn dầu khí Việt Nam trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu công là không hợp lý. Thậm chí một số đại biểu lo ngại về tình trạng đầu tư đa ngành mà tiêu biểu là tòa nhà số một Việt Nam (PVN Tower).
Tổ hợp Tháp Dầu khí Việt Nam có các chức năng văn phòng làm việc hạng A, khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp được xây dựng tại lô đất X1, trên diê%3ḅn tích 6,5ha thuộc dự án xây dựng quần thể kiến trúc 25ha tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Dự án sẽ chịu được động đất trên cấp 7 độ MSK (khoảng 6 độ Richter) cao hơn tiêu chuẩn xây dựng hiện hành của Việt Nam.
Trước đó, PVC đã trao giải cho 3 phương án thiết kế tòa tháp dầu khí. Giải nhất được thưởng 50.000 USD, giải nhì là 30.000 USD, giải ba là 20.000 USD. Tháp Dầu khí Việt Nam dự kiến sẽ được khởi công vào năm 2012. Giải nhất thuộc về thiết kế của công ty Pelli Clarke Pelli Architects- Mỹ (đơn vị thiết kế Tháp đôi Petronas- Malaysia). Giải nhì thuộc về Công ty Fender Katsalidis Architects (FKA) - Australia (Đơn vị thiết kế tháp Eureka - Melbourne cao nhất Australia). Giải ba thuộc về Liên doanh PCIC- Codinachs- Samoo (Tây Ban Nha).
Hiện tòa nhà cao nhất Việt Nam thuộc về Keangnam Landmark tower (cao 345 m). Song ngôi vị này đang bị cạnh tranh bởi tháp VietinBank Tower cao (362 m) và PVN Tower (cao không quá 500 m). Dự kiến tới khi hoàn thành, PVN Tower sẽ là tòa nhà chọc trời cao số 1 Việt Nam.
(Theo VnExpress)