SearchNews

Bất động sản: Kẻ lỗ nặng, người lãi to

11/11/2011 09:40

Dù các doanh nghiệp bất động sản luôn than thở thị trường đóng băng, cần chính phủ ra tay “giải cứu” nhưng thực tế bên cạnh những đơn vị thua lỗ còn có nhiều đơn vị lãi to.

Dù các doanh nghiệp bất động sản luôn than thở thị trường đóng băng, cần chính phủ ra tay “giải cứu” nhưng thực tế bên cạnh những đơn vị thua lỗ còn có nhiều đơn vị lãi to.

Có người lỗ

Thời gian gần đây thị trường bất động sản (BĐS) gần như bùng nổ với thông tin công ty Cổ phần Địa ốc Dầu khí (PVL) đột nhiên công bố chịu thua lỗ đến 70 tỷ đồng để giảm giá bán 85 căn hộ ở dự án căn hộ PetroVietnam Landmark. Sau 2 năm thị trường trầm lắng, thông tin này càng làm công chúng tin chắc rằng thị trường BĐS đang thập phần khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã hết chịu nổi nên chuẩn bị bán tháo hoặc phá sản.

Thực tế cho thấy đúng là có rất nhiều doanh nghiệp BĐS đang thua lỗ. Chẳng hạn như công ty Cổ phần đầu tư xây dựng & khai thác công trình giao thông 584 (đơn vị đầu tư vào thị trường nhà ở trung bình) riêng trong quý 3/2011 đã lỗ hơn 6,3 tỷ đồng. Nguyên nhân là lãi suất tăng cao khiến chi phí lãi vay trở thành áp lực đè nặng lên tài chính doanh nghiệp.

Hay công ty Cổ phần Nhà Việt Nam cũng chịu mức lỗ nhẹ là gần 1 tỷ đồng trong quý 3/2011 do số lượng sản phẩm bán được ít, doanh thu sụt giảm thê thảm. Công ty Phát Đạt, đơn vị kinh doanh các dự án cao cấp tại TPHCM cũng chịu mức lỗ hơn 7 tỷ đồng trong quý 3/2011 do doanh thu quý 3/2011 không bằng 1% so với doanh thu quý 3/2010.

Công ty Cổ phần đầu tư địa ốc Khang An (một trong những đơn vị lớn đầu tư vào các khu dân cư tại quận Bình Tân, TPHCM) tuy hoạt động kinh doanh trong năm 2011 không lỗ nhưng hầu như chẳng có lời, doanh thu luỹ kế 9 tháng đầu năm 2011 giảm đến 99% so với năm 2010. Công ty Cổ phần phát triển Nhà Thủ Đức, một đơn vị phát triển mạnh trong lĩnh vực căn hộ trung bình cũng chịu mức lỗ gần 6 tỷ đồng (trong khi đó quý 3/2010 lời hơn 83 tỷ đồng).

Theo giải thích của công ty Phát triển Nhà Thủ Đức thì nguyên nhân chính của kết quả kinh doanh bết bát trên là do số lượng sản phẩm bán được quá ít, doanh thu giảm mạnh do nền kinh tế chung khó khăn, thị trường BĐS trầm lắng kéo dài, sản phẩm tiêu thụ chậm. Một nguyên nhân khác rất quan trọng là lãi suất tăng cao khiến lãi vay của doanh nghiệp này tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoài, đây là một gánh nặng đối với chi phí tài chính doanh nghiệp.

Cũng có người lời

Bên cạnh những doanh nghiệp chịu lỗ thì cũng có khá nhiều doanh nghiệp đạt được lợi nhuận. Chẳng hạn như công ty Cổ phần phát triển nhà & đô thị IDICO, một đơn vị đầu tư các dự án ở Đồng Nai vẫn đạt mức lợi nhuận sau thuế gần 7 tỷ đồng trong quý 3/2011, thậm chí còn tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hay công ty Cổ phần đầu tư và phát triển nhà đất Cotec, một đơn vị kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đạt được mức lợi nhuận gộp lên đến hơn 20 tỷ đồng trong quý 3/2011 (tăng 200% so với cùng kỳ), luỹ kế 9 tháng đầu năm lời hơn 58 tỷ đồng (tăng 79% so với cùng kỳ).

Tại thị trường Bình Dương, công ty Kinh doanh và phát triển Nhà Bình Dương cũng đạt được mức lợi nhuận sau thuế gần 33 tỷ đồng chỉ riêng trong quý 3/2011 (tăng hơn 101% so với quý 3/2010), lợi nhuận trước thuế là gần 43 tỷ đồng, doanh thu quý 3/2011 lên đến 281 tỷ đồng (tăng 74% so với quý 3/2010).

Nhìn chung, hiện nhiều doanh nghiệp đầu tư các loại hình BĐS tại TPHCM đang chịu mức lỗ nhẹ, chưa đến mức phải phá sản. Nhưng các doanh nghiệp kinh doanh các loại hình BĐS tại các tỉnh lân cận TPHCM như Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu vẫn thu được lợi nhuận.

Nguyên nhân các doanh nghiệp BĐS chịu lỗ thời gian qua chủ yếu là do lãi suất tăng cao khiến chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng, trong khi đó thì hàng bán chậm, doanh thu giảm mạnh không cân đối với chi phí tài chính. Do vậy, khi thị trường TPHCM khó khăn, ít giao dịch thì nhiều doanh nghiệp phải chịu lỗ, các thị trường có thanh khoản mạnh thì doanh nghiệp BĐS vẫn đang có lãi to.

(Theo Dân Trí)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu