Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, không chỉ những doanh nghiệp nhỏ mà cả những Tập đoàn, tổng công lớn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản cũng đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề xuất phát từ việc thị trường bất động sản đóng băng.
Sau một thời gian dài phát triển, lớn mạnh thị trường bất động sản đã có được những tên tuổi lớn Vinaconex, HUD, Sông Đà Thăng Long, hay như Tập đoàn Vincom, Hòa Phát…Đây đều là những Tập đoàn, tổng công ty uy tín sở hữu hàng chục dự án bất động sản có quy mô lớn tại Việt Nam.
Đơn cử như Tập đoàn HUD đã được Chính phủ giao rất nhiều dự án đô thị lớn tại các thành phố lớn như khu đô thị Linh Đàm rộng 200 ha, khu đô thị Văn Quán rộng 61 ha… Hay như, công ty CP Sông Đà Thăng Long hiện đang sở hữu gần 10 dự án có quy mô lớn như khu đô thị mới Văn Khê, tổ hợp chung cư cao cấp U Silk và hàng loạt các dự án trải dài từ TPHCM, Nha Trang, Đà Nẵng….và nhiều nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng khác.
Với tiềm lực lớn về tài chính, chỉ trong vòng vài năm trở lại đây các đại gia này đã kiến tạo nên rất nhiều các khu đô thị mới góp phần làm thay bộ mặt của thủ đô như khu đô thị Trung Hòa – Nhân CHính (Vinaconex), khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm (HUD), khu đô thị Văn Khê (Sông Đà Thăng Long)…
Tuy nhiên, hơn 1 năm qua do biến động lớn về các chính sách vĩ mô như tài chính, tiện tệ khiến cho các Tập đoàn, công ty bất động sản lớn nhỏ gặp nhiều khó khăn.
Trong đó, nổi lên vấn đề Ngân hàng siết chặt nguồn vốn vay khiến nhiều chủ đầu tư buộc phải giãn tiến độ triển khai thậm chí ngừng hẳn. Điều này cũng khiến thị trường bất động sản lâm vào tình trạng mất tính thanh khoản do người mua nhà không vay được tiền. Còn chủ đầu tư do không bán được hàng nên không thu được tiền để tiếp tục triển khai vì vậy cực chẳng đã phải bán lại dự án hoặc sáp nhập để cùng nhau hợp sức vượt “bão”.
Không chỉ đối mặt với áp lực tài chính, mà nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đã phải chịu những áp lực lớn từ phía khách hàng do những cam kết không được thực hiện bởi nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan.
Trên thực tế, có thể kể đến hàng loạt các vụ tranh chấp lớn như khiếu kiện của các nhà đầu tư mua dự án Xuân Phương (Viglacera) về việc tăng giá quá cao gấp đôi so với cam kết. Mặc dù lãnh đạo công ty đã ra sức giải thích nguyên nhân dẫn đến biến động giá nhưng có vẻ vẫn không thuyết phục được khách hàng.
Hay như mới đây, rất nhiều khách hàng mua dự án chung cư cao cấp Usilk city (Hà Đông, Hà Nội) cũng đã tỏ ra rất lo ngại 9 tòa nhà thuộc dự án này đều bị chậm tiến độ so với cam kết ban đầu. Nhiều khách hàng đã đưa ra câu hỏi rằng, số tiền góp vốn mua dự án không biết chủ đầu tư đã sử dụng việc gì?
Lý giải những thắc mắc này, ông Nguyễn Đỗ Việt - Phó tổng giám đốc Sông Đà Thăng Long cho rằng, do dự án được thiết kế hai tầng hầm quy mô 8ha chạy suốt dự án, cùng với diện tích sàn thương mại quá lớn. Vì vậy, trong bối cảnh tín dụng siết chặt, không được các ngân hàng giải ngân theo cam kết nên công ty phải cân đối lại nguồn vốn. Cụ thể, là dự án phải chọn phương án tập trung hoàn thiện 3 tòa nhà thuộc CT1 đã thi công xong phần thô. Mới đây, công ty cũng đã chi 800 tỷ đồng để mua nguyên vật liệu, nhập khẩu thiết bị nội, ngoại thất, cầu thang máy từ các nước như Nhật, Đức ... để hoàn thiện toàn nhà CT1. Dự kiến, nếu bàn giao nhà sớm, công ty sẽ thu nốt được 30% số tiền còn lại và đầu tư tiếp vào các tòa sau.
Theo ông Việt cũng như doanh nghiệp BĐS khác hiện công ty đang phải đối mặt với một số khó khăn khi chính sách tín dụng, thị trường thay đổi. Hơn hết công ty cũng cần sự thấu hiểu và chia sẻ với khách hàng trong bối cảnh này.
Không chỉ riêng dự án Usilk City mà theo quan sát của phóng viên tại Hà Nội và TP.HCM, rất nhiều dự án bắt đầu vào giai đoạn triển khai đều gần như tạm dừng lại. Bởi nếu vay tiền để triển khai dự án, thì với chi phí lãi vay ở mức trên 20% như hiện nay, cộng phần tăng giá của vật liệu, nhân công, chi phí tài chính… thì doanh nghiệp gần như không có lãi.
Ông Nguyễn Đức Cây - Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty CP đầu tư phát triển nhà Contrexim cho rằng, thị trường bất động sản xuống giá trong thời gian dài đã gây ra nhiều hệ lụy trong đó xuất hiện ngày càng nhiều những vụ tranh chấp nảy lửa giữa khách hàng và chủ đầu tư dự án bất động sản. Đây là điều mà không ai mong muốn và để có thể vượt qua được thử thách cam go này, điều cần phải làm là việc các bên cần phối hợp, nhân nhượng hỗ trợ lẫn nhau để con thuyền có thể đi về đến đích. Bởi, nếu trong trường hợp xấu thuyền lật các bên đều phải chịu sự thiệt thòi.
(Theo VnMedia)