Giới đầu tư bất động sản tại Hà Nội đang lặng lẽ "rời bỏ cuộc chơi" sau một thời gian dài trông ngóng chính sách tiền tệ không hiệu quả.
Sau khi ngân hàng chấp thuận kéo giảm lãi suất cho các khoản nợ trước đây của DN nói chung, DN BĐS nói riêng về mức chấp nhận được, đồng thời là quyết định giảm lãi suất cho vay về 15% (mới chỉ là tuyên bố từ NHNN) đối với DN, đã xuất hiện những tin le lói hy vọng cho giới kinh doanh BĐS. Nhưng với cách làm chưa thống nhất, chỉ mang tính nhỏ lẻ cục bộ ở một vài NHTM, sự kiên nhẫn của những ông chủ địa ốc, thậm chí những nhà đầu tư có máu mặt sẽ chỉ có giới hạn đến hết tháng này.
Theo phản ánh từ ông Trần Anh Vượng, Giám đốc công ty Bắc Việt, đồng thời là Phó chủ tịch hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội, 650 doanh nghiệp trẻ Hà Nội hiện nay hầu như chưa nhận được thông tin từ các ngân hàng về giảm lãi suất xuống 15%/năm. Còn theo phản ánh từ ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Tập đoàn Intimex, kiêm Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam thì mỗi lần biến động lãi suất là một lần doanh nghiệp lãnh đủ. Năm ngoái chúng tôi phải trả lãi suất ngân hàng 150 tỷ, cố gắng đến đâu cũng chỉ đem lợi nhuận nộp ngân hàng thôi, nhưng sống được là quý. Quả thực, động thái khuyến khích ngân hàng đưa lãi suất về 15% của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã khiến doanh nghiệp bắt đầu có niềm tin, thị trường bớt lo lắng. Dù vậy, xét về vay vốn trung và dài hạn thì vẫn cực khó. Doanh nghiệp buộc phải tính đường mở rộng phương án vay: chia nhỏ đi vay mỗi chỗ một ít mới mong vay đủ số tiền mình cần, đặc biệt là DN BĐS lại càng lo lắng hơn bởi từ lâu NHTM vẫn đang “ấn tượng xấu” với tiền đồ trong trung và ngắn hạn của địa ốc.
Vẫn là lời than khó từ DN, trong khi NHNN đã, đang và vẫn sẽ …tuyên bố rất hào phóng về việc hạ lãi suất – trợ giúp cho DN trong tương lai chưa biết rõ khi nào.
Bài toán tài chính bế tắc vẫn hoàn bế tắc, chuyển hướng kinh doanh thì chưa thể nhanh và cơ động như các DN địa ốc phía Nam, nhiều nhà đầu tư BĐS đã đành lòng “dứt áo ra đi” vì không thể chịu nổi áp lực tiền lãi ngân hàng trong khi hàng vẫn ế ẩm chẳng ai mua. Xét cho cùng, ý kiến cho rằng giới địa ốc ngoài Bắc (Hà Nội) tỏ ra trì trệ và ..lười vận động so với đồng nghiệp khu vực phía Nam là có cơ sở. Điển hình là lúc hàng bị ế, thanh khoản không có vì cơ cấu sản phẩm không đáp ứng đúng cầu thị trường, DN phía Nam đã nhanh chóng chuyển đổi sản phẩm, thậm chí bán rẻ tới 50% giá thị trường hòng thu vốn cắt lỗ để tính cách chiến đấu tiếp. Còn với giới DN cũng như đầu tư BĐS ngoài Bắc, tâm lý cố đấm ăn xôi, dùng dằng giữ giá, thậm chí còn “quát” giá cao hơn để khẳng định thương hiệu sản phẩm vẫn đeo đẳng chưa dứt – và quả đắng là hàng loạt DN phá sản, hàng trăm sàn giao dịch BĐS đóng cửa, chuyển sang bán phở, kinh doanh cà phê.
Nghiêm trọng hơn, sự nhận thức về cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực – nguồn cầu chính vẫn chưa được quán triệt tối đa đã dẫn tới cảnh: DN than vãn, nhà đầu tư lặng lẽ rút êm, để lại một thị trường BĐS chỉ toàn những chung cư giá cao chót vót mốc xanh vì ế ẩm, những căn hộ mới chỉ tồn tại trên giấy (chưa xong móng) nhưng đã trao tay nhiều lần và người mua có nhu cầu thực – chiếm đa số trong nguồn cầu - đứng ngoài ngao ngán….
Sự chán nản, bỏ cuộc của nhiều nhà đầu tư còn có lý do từ muôn thưở: thủ tục chuyển nhượng, sang tên BĐS vẫn rườm rà, qua nhiều khâu với chi phí “ngầm” rất tốn kém. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhằm tháo gỡ, đơn giản hóa các thủ tục này nhưng xem ra độ trễ trong chính sách vẫn quá lớn khiến những người trong cuộc khó lòng kiên nhẫn chờ đợi. Có chăng, vẫn còn một lượng nhỏ các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang cố nán lại để tranh thủ mua đi bán lại những suất căn hộ giá rẻ từ các dự án nhà giá rẻ giật mình như Đại Thanh vừa xuất hiện trên thị trường. Còn lại, đa phần đã thu mình hoặc lặng lẽ rời cuộc chơi, chuyển sang kênh khác như vàng và ngoại tệ, để chờ đợi tới đầu quý IV năm nay như một quy luật đầu tư BĐS (quý IV và đầu quý II thường là thời gian BĐS giao dịch sôi động nhất).
(Theo BXD)