Theo ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, nguyên nhân chính của việc biệt thự, nhà liền kề còn để hoang chủ yếu do đầu tư, đầu cơ, để dành tích trữ.
Theo kết quả kiểm tra sơ bộ ban đầu của Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản cùng với Sở Xây dựng Hà Nội trong thời gian qua, trong số 16 dự án của 11 chủ đầu tư được kiểm tra tại Hà Nội có khoảng 2.684 căn biệt thự thì trong số đó có 1.743 căn đã được sử dụng (chiếm khoảng 65%), còn khoảng 698 căn (chiếm gần 35%) chưa đưa vào sử dụng, vẫn còn ở tình trạng xây thô.
Ngoài ra, còn do ở một số dự án, hạ tầng xã hội như: nhà trẻ, trường học, trạm xá… chưa xây dựng đồng bộ, kịp thời. Một số dự án khác, hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn chỉnh: đường giao thông chưa thuận lợi, đường cấp nước thiếu, điện không ổn định, thậm chí ngập úng vào mùa mưa nên người dân chưa sử dụng được.
Hầu hết các dự án vừa kiểm tra đã vượt quá thời hạn theo quyết định phê duyệt dự án, thậm chí có dự án vượt quá 5 – 7 năm.
Trước đó, Thủ tướng đã yêu cầu UBND thành phố Hà Nội kiểm tra hàng chục căn biệt thự tiền tỷ bỏ hoang nhiều năm nay.
UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản gửi các chủ đầu tư dự án nhà ở về hướng xử lý biệt thự bỏ hoang. Theo đó, với những biệt thự đã có người mua nhưng chưa hoàn thiện, chủ đầu tư yêu cầu người mua hoàn thiện trong thời hạn nhất định. Nếu người mua vẫn không hoàn thiện, chủ đầu tư phải mua lại biệt thự đó.
Theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong khi, quỹ đất của thành phố rất eo hẹp và nhiều người dân đang thiếu chỗ ở. Sự tồn tại của các biệt thự trên không chỉ lãng phí về quỹ đất mà còn thể hiện sự quy hoạch vô lối, làm bẩn bộ mặt đô thị và trở thành nơi tụ tập của các đối tượng trộm cắp, nghiện hút, tạo điều kiện cho các tệ nạn xã hội phát triển.
Duy Khánh