Trong khi các doanh nghiệp phân trần phải nợ thuế hàng trăm tỷ đồng vì "lý do khách quan, lỗi quy hoạch", giới chuyên gia cho rằng đây có thể là một chiêu chiếm dụng vốn.
Trong danh sách các doanh nghiệp nợ tiền thuế và tiền sử dụng đất mà cơ quan thuế vừa công bố, có tên những ông lớn trong lĩnh vực bất động sản như Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) với số nợ khủng tới 400 tỷ đồng. Tiếp đến là Công ty TNHH Berjay-Handico12, chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Thạch Bàn với hơn 225 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng số tiền phạt cũng đã lên tới trên 78 tỷ đồng. "Nhẹ nhàng" nhất là Công ty Thương mại Dịch vụ Nam Cường cũng đã lên tới 69 tỷ đồng...
Chánh văn phòng HUD - ông Nguyễn Thắng giải thích, tiền thuế còn nợ có liên quan tới quy hoạch chung của thủ đô. HUD đã nộp hơn 483 tỷ đồng trên tổng số hơn 843 tỷ đồng tiền sử dụng đất. 400 tỷ chưa nộp thuế ứng với phần diện tích giai đoạn 2 của dự án bị ảnh hưởng bởi quy hoạch chung thủ đô Hà Nội, quy hoạch phân khu đang lập và trình thẩm định nên chủ đầu tư chưa thể triển khai.
"Khi đồ án quy hoạch phân khu được phê duyệt, HUD sẽ liên hệ với các cơ quan thẩm quyền để thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch và xác định lại giá trị tiền sử dụng đất", ông Thắng khẳng định.
Một nguồn tin từ phía Công ty Handico 12 cho rằng dự án Khu đô thị Thạch Bàn được nộp thuế theo tiến độ công trình. Cả dự án rộng hơn 32 ha gồm 7 giai đoạn và tiền nộp thuế sử dụng đất lên tới 321 tỷ đồng. Giai đoạn 1, chủ đầu tư triển khai 148 căn chung cư, 103 căn biệt thự và đã nộp đủ 173 tỷ đồng tiền thuế.
"Không có chuyện doanh nghiệp chiếm dụng vốn mà thực tế, 6 giai đoạn còn lại gồm chung cư, nhà trẻ, trung tâm thương mại... doanh nghiệp chưa triển khai nên chưa đóng thuế", nguồn tin này tiết lộ.
Còn "đại gia" bất động sản Nam Cường, chủ đầu tư đình đám với dự án Dương Nội, phân trần nợ thuế 69 tỷ đồng là do lỗi quy hoạch. Lãnh đạo Nam Cường cho biết đã nộp đủ 1.133 tỷ tiền sử dụng đất. Cụ thể, công ty đã nộp 397 tỷ vào tháng 11 năm 2009. Còn lại số tiền 736 tỷ đồng được Nam Cường nộp đối ứng bằng dự án con đường trục phát triển phía Bắc Hà Đông.
Theo lãnh đạo này, khoản nợ thuế 69 tỷ đồng là do nguyên nhân khách quan. Cụ thể, hợp đồng BT quy định, thời điểm tính tiền sử dụng đất để nộp thuế được tính từ khi giao mặt bằng sạch. Trong khi đó dự án Dương Nội nằm trong diện tạm dừng để chờ quy hoạch chung của thủ đô nên quá trình giải phóng mặt bằng bị chậm hơn tới gần một năm so với dự kiến. "Bởi vậy tiền nộp thuế chậm chỉ còn 22 tỷ thay vì 69 tỷ như cơ quan thuế công bố", lãnh đạo này thẳng thắn.
Cũng theo lãnh đạo này, Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ cho phép không tính phạt chậm nộp thuế đối với 240 dự án trong thời gian phải tạm dừng triển khai để thực hiện việc rà soát quy hoạch. "Nếu đề xuất này được thông qua, chúng tôi sẽ không còn nợ thuế", ông nói.
Chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp, song chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lo ngại chậm trễ trong việc nộp thuế khiến công ty địa ốc có thể chiếm dụng vốn, lãi hàng tỷ đồng.
"Thị trường bất động sản ảm đạm, doanh nghiệp khó khăn đành phải nợ thuế có thể thông cảm. Nhưng những doanh nghiệp cố tình nộp chậm để chiếm dụng vốn lại là "chuyện lớn". Nợ thuế hằng trăm tỷ đồng, doanh nghiệp có thể bỏ túi số tiền khổng lồ", ông Doanh nói.
Lãi suất vay vốn ngân hàng dành cho lĩnh vực địa ốc hiện rẻ nhất cũng vào khoảng 18%. Nếu tính sơ sơ, một doanh nghiệp nợ thuế 100 tỷ đồng, thì chỉ cần chậm nộp 3 tháng, họ vừa có vốn để quay vòng kinh doanh mà không phải trả khoản lãi vay 6 tỷ đồng. Ông Doanh nhấn mạnh, trong khi doanh nghiệp nhỏ chật vật khó tiếp cận vốn vay để sản xuất kinh doanh còn doanh nghiệp lớn lại nợ đọng thuế khủng làm hụt ngân sách là điều bất cập.
"Những trường hợp báo cáo tài chính liên tục báo lãi nhưng thuế không nộp thì cần nghiêm khắc giải quyết, thậm chí tịch thu tài sản", ông Doanh thẳng thắn.
Trao đổi với báo chí, một lãnh đạo Tổng cục Thuế chia sẻ, nợ thuế hiện nay chủ yếu thuộc về doanh nghiệp bất động sản. Trong đó, nguyên nhân cơ bản do doanh nghiệp chưa nhận được mặt bằng sạch dù đã có thông báo nhận dự án dẫn đến biểu hiện nợ thuế. Thừa nhận có những trường hợp doanh nghiệp “có tiền” nhưng không nộp thuế đúng hạn nhưng theo lãnh đạo này, đây chỉ là thiểu số.
Vị lãnh đạo này cho biết theo quy định hiện hành, doanh nghiệp nộp thuế chậm phải bị phạt với mức 0,05% một ngày, thậm chí cưỡng chế nếu chậm sau 90 ngày. Tuy vậy, đại diện ngành thuế cũng thông cảm, phần lớn doanh nghiệp nộp tiền chậm chậm do khó khăn chứ không có ý “quỵt tiền” Nhà nước. "Chúng tôi băn khoăn, trong lúc kinh tế khó khăn, làm cách nào để gỡ cho họ. Lẫn lộn giữa người khó khăn thật và anh có tiền nhưng không chịu nộp cũng có thể xảy ra nhưng trong lúc này, cứ suốt ngày xử lý, xử phạt thì cũng không hay", lãnh đạo này chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TP HCM nhận định, trong bối cảnh nguồn vốn khó khăn và chi phí vốn cao, doanh nghiệp có xu hướng "tận dụng" vốn bằng nhiều cách khác nhau, trong đó chậm nộp thuế cũng là một cách. "Trong lúc lãi vay ngân hàng cao và không phải ai cũng vay được, nếu được chịu phạt để chậm nộp thuế chắc chắn sẽ có doanh nghiệp làm theo cách này", ông Quỳnh nói.
Tuy nhiên ông kiến nghị, nếu có chủ trương cho phép chậm nộp thuế, ngành thuế cần minh bạch hóa và công khai, để các doanh nghiệp đủ điều kiện cũng được tiếp cận và xoay vòng vốn tốt hơn.
(Theo Vnexpress)