Gần đây, giá đất ở khu vực cầu Hàm Luông, tỉnh Bến Tre (thông xe vào cuối tháng 4) đang tăng chóng mặt. Nhiều người nhận định, tình trạng đầu cơ đất ở đây để rồi “ôm hận” sẽ lặp lại như ở cầu khu vực Rạch Miễu (nối Tiền Giang và Bến Tre).
Khi cầu Hàm Luông đang vào giai đoạn hoàn thành là lúc bảng “bán đất” cũng mọc lên như nấm tại các mảnh đất mặt tiền gần cầu. Khoảng một năm trước, giá đất mặt tiền ở đây chỉ khoảng 800.000 - 1 triệu đồng mỗi m2, thì nay được đẩy lên 2,5 - 4 triệu đồng.
Hét giá rồi... để đó
Nhưng đó chỉ là giá ảo. Ông Năm Thinh vừa mua một miếng đất mặt tiền đường (ngang 5,5m, dài 13m) với giá 2,8 triệu đồng một m2, bộc bạch: “Phía trong miếng đất mặt tiền đó tôi có hai công vườn nên phải chấp nhận mua giá cao. Tôi mua đường chứ không phải mua đất. Bây giờ ở đây có ai mua bán gì đâu, toàn là hét giá rồi... để đó”.
Một cán bộ xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Nam, cho biết: “Phần lớn những người đến đây hỏi mua đất là dân từ Bến Tre, Tiền Giang và TP HCM để bán lại sau khi khánh thành cầu Hàm Luông. Họ mua từ khi đường mới mở, lúc đó giá chỉ 50 - 60 triệu đồng một công (1.000 m2). Còn bây giờ, cầu đường khang trang, giá đất vọt lên 2 - 4 triệu đồng nhưng có thấy ai mua đâu”. Ông Năm Hồng, người dân ở xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Nam, cho biết thêm: “Để mong bán được đất giá cao, gần đây giới “cò” đất còn tung tin là xã Thanh Tân, Tân Thành Bình sẽ sáp nhập về thành phố Bến Tre và “tỉnh đã đồng ý” (!). “Kịch bản” cầu Rạch Miễu tái diễn ở cầu Hàm Luông được các đầu nậu dựng lên để “đón đầu” bán đất kiếm lời. Chỉ khổ cho những người đến sau, thiếu thông tin”.
Giá đất mặt tiền gần cầu Rạch Miễu, Hàm Luông tăng ảo, dù giao dịch thành công không bao nhiêu nhưng cũng làm chính quyền địa phương không khỏi băn khoăn. Ông Nguyễn Thái Xây, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết: “Một trong những lý do khiến cho chỉ số cạnh tranh của Bến Tre năm rồi sụt giảm là do nhiều nhà đầu tư không kham nổi giá đất. Đây cũng đang là vấn đề nan giải của tỉnh”.
Bài học cầu Rạch Miễu
Cách đây hơn một năm, khi cầu Rạch Miễu sắp thông xe, giá đất ven quốc lộ 60, khu vực từ mũi Tàu (xã Tam Phước) đến cầu dẫn cầu Rạch Miễu (xã An Khánh, huyện Châu Thành), được giới đầu nậu đất đẩy từ 1,2 triệu đồng lên 5 triệu đồng, có nơi đến 8 triệu đồng một m2. Nhưng chỉ vài tháng sau, nhiều người mua đất với hy vọng đầu cơ gần như tiêu tan niềm hy vọng.
Chị Cao Thị Điệp, nhà phường 6, thành phố Mỹ Tho, bỏ ra 1,4 tỷ đồng mua miếng đất gần trạm thu phí cầu Rạch Miễu với giá 2,4 triệu đồng nmootj m2 để mở quán cà phê “đón đầu”. Hai tháng sau ngày khánh thành cầu Rạch Miễu, buôn bán ngày càng ế ẩm, chị phải treo bảng sang bán đất và quán nhưng chẳng thấy ai hỏi mua. Hiện nay, gần cầu Rạch Miễu, nhất là phía Tây quốc lộ 60 (hướng từ cầu Rạch Miễu về Bến Tre), những bảng “bán đất”, “cho thuê đất” dựng lên dày đặc.
Ông Trần Văn Phước, chủ một đại lý bán bánh kẹo, quà lưu niệm ở ấp 4, xã An Khánh, ven quốc lộ 60, than vãn: “Bỏ bạc tỷ ra mua đất, mở đại lý vậy mà bây giờ phơi nắng cả ngày cũng chẳng bán buôn được bao nhiêu”.
Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND xã An Khánh, cho biết, những ngày mới thông xe cầu Rạch Miễu, giao dịch đất ở khu vưc xung quanh cầu có tăng nhưng không bao lâu sau là lắng dịu luôn. Từ sau Tết tới nay, ở khu vực này chẳng có vụ giao dịch đất nào thành công”.
(Theo Baodatviet)