Thông tin về việc xây dựng cầu Nhật Tân như cú hích đối với nhà đầu tư khi ngày càng có nhiều người đổ xô đi tìm mua đất hai khu vực quanh hai đầu câu là xã Vĩnh Ngọc (Đông Anh) và xã Phú Thượng (Tây Hồ) khiến giá đất ngày càng bị đẩy lên cao quá mức.
Đất mặt đường Lạc Long Quân cỡ 250-300 triệu đồng/m2 không có người bán. Đất khu biệt thự Vườn Đào lên 180 triệu đồng/m2.
Thông tin về việc xây dựng cầu Nhật Tân như cú hích đối với nhà đầu tư khi ngày càng có nhiều người đổ xô đi tìm mua đất hai khu vực quanh hai đầu câu là xã Vĩnh Ngọc (Đông Anh) và xã Phú Thượng (Tây Hồ) khiến giá đất ngày càng bị đẩy lên cao quá mức.
Đến địa bàn làng Ngọc Chi xã Vĩnh Ngọc (Hải Bối, Đông Anh) những ngày này hạ tầng xây dựng đang rất ngổn ngang, bụi bậm, vào sâu trong làng vẫn còn rất nhiều nhà đang chăn nuôi lợn, gà khiến cả làng bốc lên mùi xú ếu cực kỳ ô nhiễm và mất mĩ quan. Tuy nhiên, hỏi bất cứ người dân nào họ cũng rất rành rọt về giá đất nơi đây nhất là khi có cây cầu Nhật Tân bắc qua.
Theo các văn phòng nhà đất và người dân quanh làng đưa thông tin về giá, PV không khỏi ngỡ ngàng vì với một xã thuần nông người dân quanh năm chỉ chăn nuôi và làm ruộng, hạ tầng cở sở nghèo nàn vậy là mỗi m2 đất tại đây đang dao bán không kém gì những khu đô thị mới trong nội đô thành phố thậm chí đắt ngang với đất trong phố Hà Nội.
Đơn cử, như đất mặt đường 23m2 trước mặt cầu Nhật Tân giá khoảng 85-90 triệu đồng/m2, rẽ một nghách giá 70 triệu đồng/m2. Nếu vào sâu trong làng khoảng 50-55 triệu đồng/m2.
"Cách đây vài năm đất ở đây khoảng dưới chục triệu m2 tuy nhiên kể từ khi có thông tin về cầu Nhật Tân, giá đất tại đây liên tục tăng mạnh. Nhiều hộ dân xây nhà lầu, tậu xe máy nhờ việc bán đất" bác Thơm Làng Ngọc Chi cho biết.
Theo các văn phòng môi giới, sở dĩ đất cứ tăng lên từng ngày là do các nhà đầu tư liên tục mua đi bán lại với nhau nhất là trong bối cảnh vàng, USD đang bị siết chặt việc quay sang bất động sản là lẽ tất yếu. Nhiều người sau khi mua đất vài ngày thấy lên vài giá là họ bán ngay quay sang đầu tư mảnh khác, người sau mua cao hơn người trước. Cứ như thế giá đất được đẩy lên cao. Hiện tại, nhiều hộ dân biết giá đất lên nhiều nhà bỏ ý định bán, các mảng đất giao bán hiện nay chỉ toàn nhà đầu tư. Phần lớn họ thấy giá lên cao nên đẩy đi cho an toàn phòng lúc thị trường "sụp" rất khó thanh khoản.
Trước đó, qua khảo sát tại văn phòng nhà đất quanh phường Phú Thượng (Quận Tây Hồ), một trong phường nằm sát bờ sông Hồng, giá đất cũng đang nóng lên từng ngày. Đất mặt đường Lạc Long Quân cỡ 250-300 triệu đồng/m2 không có người bán. Đất khu biệt thự Vườn Đào lên 180 triệu đồng/m2. Đất thổ cư trong những ngõ ô tô vào được khoảng 70 triệu đồng/m2, ngõ nhỏ 2m giá 55 triệu đồng/m2...
Cẩn trọng kẻo vỡ mộng
Lâu nay, việc sốt đất theo quy hoạch không phải chuyện xưa nay hiếm trên thị trường bất động sản Hà Nội. Thực tế đã xảy ra rất nhiều quả bong bóng giá đất như khu vực Ba Vì năm ngoái, hay như mới đây việc tăng giá bất thường một số xã khu vực Sóc Sơn nhờ thông tin quy hoạch các trường đại học....
Nếu so sánh giá đất hai đầu cầu Nhật Tân mới thấy sự chênh lệch quá lớn, một bên xã Phú Thượng sầm uất và nhộn nhịp lại nằm gần nội đô. Hệ thống đường xá, trường học, bệnh viện đầy đủ, giá đất cũng chỉ lên được đến mức đấy. Vậy không có lý gì, mà giá Vĩnh Ngọc có nơi tương đương Phú Thượng. Thậm chí, để tăng bằng giá đất Phú Thượng còn phải có thời gian và nếu như hạ tầng xã hội và hạ tầng cơ sở không phát triển thì đất khu vực xã Vĩnh Ngọc khó tăng được.
Với tâm lý đi trước đón đầu thông tin, nhiều nhà đầu tư nhanh nhạy mua vào khi giá còn rất rẻ. Chính vì tâm lý mua bán theo đám đông đã tạo cho các cò đất khu vực này đẩy giá để trục lợi. Tuy nhiên, dưới góc độ nhiều chuyên gia bất động sản lúc này họ sẽ không nhảy vào mua đất tại đây do thị trường đã quá nóng và giá đất đã quá cao.
"Phần người mua đất Vĩnh Ngọc đều không có nhu cầu ở do hạ tầng cơ sở và hạ tầng xã hội cũng như dân trí ở Vĩnh Ngọc cực kỳ kém, để có thể thay đổi về hạ tầng ít nhất 5-10 năm nữa.
Vì vậy, chủ yếu là dân đầu tư do vậy khi giá đã ở mức quá cao họ sẽ không đầu tư. Lúc đó, người muốn bán cũng không thể thanh khoản được. Kịch bản cũng chẳng khác gì với đất Ba Vì năm ngoái", anh Nguyễn Văn Cường - giám đốc sàn bất động sản Vietland chia sẻ.
(Theo Vef)