Sau khi NHNN loại bỏ 4 nhóm cho bay bất động sản ra khỏi danh mục tín dụng phi sản xuất, ngay lập tức một số ngân hàng đã nắm bắt cơ hội này.
Đầu tuần này (14/11), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành văn bản số 8844/NHNN-CSTT yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện một số định hướng, quy định mới về tín dụng hai tháng cuối năm. Điểm đáng chú ý nhất là một số loại hình cho vay BĐS trước đây được đưa ra khỏi danh mục tín dụng phi sản xuất. Ngay lập tức, một số ngân hàng đã nắm bắt cơ hội này.
Cụ thể, các khoản vay của người mua nhà trả bằng tiền lương, tiền công hay những dự án được đưa vào sử dụng trước ngày 1/1/2012 sẽ thuộc đối tượng được đưa ra khỏi nhóm phi sản xuất. Quy định cũng cho phép những người có nhu cầu mua nhà thực sự không chỉ được vay vốn trở lại mà còn có cơ hội được vay với lãi suất thấp hơn do các ngân hàng được hạ tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro và giảm chi phí quản lý.
“Xét cho cùng, cho vay mua nhà để ở bằng tiền lương, tiền công giúp người dân yên tâm lao động… góp phần đảm bảo an sinh - xã hội theo đúng chủ trương của Chính phủ từ hồi đầu năm”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận xét.
Trao đổi với báo chí, ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT OceanBank cho biết, Ngân hàng bắt đầu cho vay mua nhà nằm trong bốn nhóm tín dụng BĐS vừa “thoát” rổ phi sản xuất với lãi suất đến 19%/năm. Ocean Bank không hạn chế mức vay cũng như thời hạn vay mà tùy thuộc vào mức lương, nhu cầu của người vay cũng như phương án trả nợ. Khách hàng có thể sử dụng chính căn nhà vay vốn để mua làm tài sản đảm bảo khoản vay. “Công tác huy động tiền gửi của ngân hàng từ các tổ chức kinh tế và dân cư vẫn ổn định, chính vì vậy, thanh khoản của ngân hàng rất tốt. Cụ thể, tính đến thời điểm này, tổng dư nợ tín dụng của Ocean Bank là 18 nghìn tỷ đồng, tổng huy động đạt trên 40 nghìn tỷ đồng”, ông Thắm cho biết.
“Hiện OceanBank đang tiếp tục tìm kiếm các dự án đầy đủ tính pháp lý, chủ đầu tư có năng lực và kinh nghiệm để đẩy mạnh cho vay mua nhà, đảm bảo an toàn cho người vay. Đồng thời, Ngân hàng sẽ phối hợp với một số DN triển khai cho CBCNV làm việc tại DN đó vay mua nhà”.
Còn theo ông Nguyễn Tiến Khánh, Giám đốc tín dụng cá nhân Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ khu vực Hà Nội cho biết, hiện Ngân hàng đã triển khai sản phẩm cho vay đối với khách hàng có nhu cầu mua nhà để ở và xây nhà để ở, tài sản thế chấp là chính tài sản định mua hoặc dùng tài sản khác thế chấp. Điều kiện vay khá linh hoạt như thời hạn vay tới 20 năm, mức vay có thể tới 70% giá trị tài sản…, nhưng lãi suất ở mức khá cao, 20%/năm.
Cũng theo ông Thanh, dự kiến tháng 12 tới đây, Ngân hàng sẽ mở rộng thêm một bước là đưa thêm sản phẩm theo hình thức tín chấp.
Trao đổi với báo chí, nhiều ngân hàng khác cũng cho biết sẽ sớm đưa trở lại hoạt động tín dụng BĐS mà vốn nhiều ngân hàng đã dừng cung cấp kể từ khi NHNN yêu cầu giảm quyết liệt tỷ trọng dư nợ BĐS. Điều này chắc chắn sẽ cải thiện nguồn vốn cho lĩnh vực BĐS.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí đầu tuần này, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng tái khẳng định việc hỗ trợ tín dụng cho lĩnh vực BĐS.
“NHNN sẽ có quy định cụ thể hơn trong vấn đề cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất và các lĩnh vực không khuyến khích, xem xét lại nhu cầu vốn cho mua nhà ở của người dân có thu nhập trung bình, thu nhập thấp cũng như vay vốn để xây dựng các dự án nhà ở xã hội cho những người có thu nhập trung bình và thấp ở thành thị cũng như ở các khu công nghiệp. Đó là những lĩnh vực mà NHNN cũng như toàn bộ hệ thống ngân hàng chú trọng quan tâm trong phát triển tín dụng trong năm tới”, ông Bình nói.
Do vậy, nhiều chuyên gia BĐS nhận định, đối với những khách hàng thực sự có nhu cầu mua nhà để ở thì đây là thời điểm rất tốt, bởi ngân hàng bắt đầu mở tín dụng nên việc tiếp cận vốn dễ dàng hơn, trong khi giá BĐS giảm mạnh. Tất nhiên, một điều khiến người có nhu cầu vay phải cân nhắc nhiều đó là lãi suất vẫn còn rất cao, hầu hết ở khoảng mức 18 - 20%/năm.
(Theo ĐTCK)