Thị trường BĐS trầm lắng, các dự án giá “trên trời” nếu đã triển khai thì phải hạ giá bán, nếu chưa triển khai thì cũng dừng lại nghe ngóng…
Đây chính là thời điểm thích hợp để những người có nhu cầu nhà ở thực sự thêm “tăng tốc” quyết tâm biến giấc mơ an cư thành hiện thực.
Chị Trần Hải Yến - công chức Q.Long Biên vừa quyết định ký hợp đồng với chủ đầu tư KĐTM Sài Đồng là Cty HADICO 5 mua căn hộ thuộc dự án nhà thu nhập thấp với giá tạm tính trên 13 triệu đ/m2. Chị Yến cho biết, cũng trăn trở rất nhiều phương án, nhất là trước luồng dư luận rằng dự án dành cho người thu nhập thấp mà giá quá cao; rằng với giá đó không ít người “chê” và từ chối quyền được mua… nhưng suy cho cùng không có phương án nào tốt hơn với nhu cầu lớn lao nhất của cuộc đời: Chốn an cư.
Chị Yến cũng không ngần ngại bộc bạch: “Thực tế sau 13 năm chung sống hai vợ chồng “thắt lưng buộc bụng” tích cóp được khoảng 300 triệu đồng, đủ đóng được 30% tổng giá trị căn hộ. Số còn lại chị xác định sẽ vay của anh em, họ hàng, bạn bè, chấp nhận cả thế chấp để vay ngân hàng… Đường cùng không còn phương án nào khác mà vẫn chưa đủ thì chấp nhận bỏ cuộc giữa chừng. Hỏi tại sao không chọn mảnh đất kẹt ở ngoại thành cho vừa túi tiền? Chị cười: Nếu mua đúng khả năng của mình thì cũng chỉ được mảnh đất, không lẽ cắm túp lều mà ở? Rồi thì còn đi lại làm việc, con cái học hành… trong khi dự án Sài Đồng ngay trung tâm quận, giao thông thuận tiện, cơ sở hạ tầng cũng tiện nghi, so với thị trường thì đâu có đắt?
Bác Nguyễn Ngọc Hiển - cán bộ Nhà nước đã nghỉ hưu lại quan tâm đến thị trường ở mảng khác: Đất thổ cư xen kẹt khu vực vùng ven hoặc trong ngõ sâu. Thực tế, đầu năm 2010, vì phải lo trả nợ, đường cùng, vợ chồng bác đã phải bán căn nhà 4 tầng diện tích chưa đầy 30m2 thuộc ngõ nhỏ tại Đại Kim được trên 2 tỷ đồng. Sau khi trả nợ và đi thuê nhà, 2 bác còn khoảng trên 1 tỷ đồng. Những tưởng với số tiền đó không bao giờ còn dám mơ có nhà, đất loanh quanh Hà Nội nữa. Nhưng với khủng hoảng kinh tế kéo theo thị trường BĐS đóng băng, giá nhà đất tuột dốc không lường nổi lại là điều may mắn cho bác le lói tìm kiếm cơ hội. Bác chia sẻ: Ở nhà thuê thì cũng chẳng sao miễn là vẫn tự trang trải được. Nhưng mình vốn từ nông dân mà ra, vẫn nặng tâm lý phải có “tấc đất cắm dùi”. Cứ kiếm mảnh nhỏ cắm đấy cho chắc hy vọng có ngày con cháu đủ tiền xây lên mà ở và thờ cúng tổ tiên ông bà chứ ở tuổi này hai vợ chồng động viên nhau chả nghĩ có thể sống đến ngày được sống trong căn nhà của chính mình nữa!
Chị Kim Anh - một nhà đầu tư lẻ chuyên săn hàng giá rẻ cho biết, đây là thời điểm thích hợp để những người có vốn gom hàng bởi dù có khủng hoảng thế nào chăng nữa thì vẫn không thể không có một bộ phận người có nhu cầu mua nhà ở thực sự. Để hướng đến đối tượng này, chị tìm kiếm những căn hộ có diện tích nhỏ, giá rẻ thuộc các dự án chiết khấu ồ ạt thời gian qua và đất thổ cư chưa có sổ đỏ. “Nếu vận đỏ, gặp khách có nhu cầu thực có thể bán chênh gấp 2 - 3 lần, dư sức thanh toán lãi vay ngân hàng với mức lãi trên 25%. Bằng không giữ lại coi như một kênh giữ tiền chắc chắn không lỗ”.
Anh Trần Hùng, một nhà đầu tư tại Hà Nội cũng bật mí kinh nghiệm của mình là gom đất các khu vực đã từng sốt như Đông Anh, Hoài Đức, Thạch Thất, Sóc Sơn… cắt lô nhỏ bán với giá 300 - 500 triệu đồng, thời điểm này vẫn kiếm ra tiền bởi đây là đích ngắm của nhiều người mua để ở lâu dài, không đủ điều kiện mua nhà thu nhập thấp hoặc không thích sống ở chung cư chen chúc và chật chội.
(Theo báo Xây dựng)