Với mong muốn các sàn giao dịch bất động sản (BĐS) ngày một chuyên nghiệp và minh bạch hơn, Bộ Xây dựng đã đưa ra các tiêu chí để phân hạng các sàn giao dịch trong Dự thảo Thông tư hướng dẫn về phân hạng các sàn.
Sàn nhà loạn như chợ
Thông tin từ Bộ Xây dựng, sau gần hai năm thực hiện Luật Kinh doanh BĐS, cả nước có gần 500 sàn giao dịch BĐS hoạt động. Trong đó, TP.HCM chiếm hơn 50% nhưng tỷ lệ giao dịch trên sàn chỉ 15 - 20%. Rất nhiều sàn giao dịch BĐS hoạt động kém, thậm chí gần như không hoạt động nhưng vẫn tồn tại.
Vì vậy, để người dân hiểu, tiếp cận được với những sàn giao dịch BĐS quy mô lớn, uy tín, Bộ Xây dựng đưa ra dự thảo Phân hạng sàn giao dịch BĐS. Theo đó, các sàn sẽ phân làm 3 hạng: 1, 2 và 3 tùy quy mô, tình hình hoạt động, nhân sự...
Theo tinh thần của Dự thảo, mục tiêu phân hạng sàn là giúp các sàn đi vào quy củ, minh bạch thị trường, để người có nhu cầu về nhà ở tiếp cận được những sàn đạt chuẩn.
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Hải, Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc ACBR cho rằng: “Tôi chưa thấy một doanh nghiệp hay một sàn chứng khoán nào được phong hạng nhưng họ vẫn hoạt động tốt. Nếu có xếp hạng thì nên để chính những người sử dụng các dịch vụ của các sàn bình chọn hơn là một cơ quan quản lý của Nhà nước ngồi soạn và đưa ra những tiêu chí không thực tế”.
Ông Hải cũng cho rằng, cơ quan quản lý chỉ nên kiểm tra, giám sát và đưa ra các công cụ quản lý chung. Vì bản chất của sàn là nơi cung cấp các dịch vụ BĐS, nơi diễn ra mua bán BĐS nên khu vực này không cần phải diện tích lớn miễn là làm đúng luật là được, đồng thời sàn có dịch vụ tốt, đội ngũ nhân viên niềm nở, tư vấn trung thực được khách hàng tín nhiệm... Hơn nữa luật cũng chưa yêu cầu tất cả các giao dịch về BĐS phải qua sàn.
Phân hạng đếm cua trong hang
Việc ra đời Thông tư để quản lĩnh vực này là cần thiết. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, Thông tư này quá nhiều bất cập, chưa đạt được mục đích giúp các sàn phát triển bền vững.
TS. Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS TP.HCM (Horea) bức xúc: “Khi sàn được xếp hạng rồi thì chủ sàn, người giao dịch qua sàn được hưởng lợi gì? Hay đầu tư để có được một sàn đạt hạng nhất và chi phí về tiền thuê mặt bằng, điện nước... tăng và kéo theo các chi phí dịch vụ cũng tăng. Vậy danh hiệu hạng nhất lúc này có còn thu hút được khách hàng?”.
Cũng như vậy, ý kiến của nhiều doanh nghiệp khác cũng phân vân không biết phân hạng được quyền lợi gì, nếu chỉ phân hạng cho có thì không kích thích được việc lên hạng của các sàn và như vậy thì Thông tư này không đi vào cuộc sống được.
Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, Bộ Xây dựng nên lập một quy chế hoạt động chung chứ không để tự các sàn đưa ra quy chế, cũng như Bộ cũng phải có phần mềm quản lý chung để quản lý được các dữ liệu BĐS...
Tình hình chung cho thấy, dù số lượng sàn phát triển khá nhanh, song lượng giao dịch BĐS qua sàn trong thời gian qua vẫn rất thấp.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là thực chất nhiều sàn giao dịch BĐS chỉ là vỏ bên ngoài mà chưa chú trọng đến chất lượng chuyên môn, phần lớn các sàn giao dịch do chủ đầu tư tự thành lập để bán sản phẩm của chính mình. Vì vậy, tính cạnh tranh thấp, thông tin thiếu minh bạch, các sàn không xây dựng chiến lược lâu dài và chỉ mang tính chất đối phó...
Đưa các sàn vào hoạt động thực chất hơn là việc cần làm nhưng có thể thấy hàng loạt các tiêu chí “cảm tính” trong Dự thảo như: sàn mở ra chưa được một năm thì không được phân hạng; sàn không có kiến trúc sư không được phân hạng hoặc nếu đạt hạng 1 phải có kiến trúc sư quy hoạch (mà kiến trúc sư quy hoạch hiện nay cực hiếm); phải có hội trường lớn 150m2 để tổ chức đấu giá; diện tích của sàn tối thiếu từ 150 - 500m2 tùy hạng, nếu sàn nào có diện tích nhỏ hơn 150m2 thì không được quyền xếp hạng...
Về những tiêu chí này, ngay ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Horea cũng không đồng tình: “Nếu xét trên tất cả các tiêu chí của dự thảo này thì không sàn BĐS nào tại TP.HCM đạt chuẩn hạng nhất kể cả hai sàn lớn nhất và chuẩn nhất là ACBR và Sacomreal”.
Ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaland đánh giá: "Việc xếp hạng này nên để cho hiệp hội, tổ chức môi giới hay những cơ quan ngôn luận tham gia bình chọn thì hợp lý hơn.
Cơ quan quản lý không nên đánh giá và đưa ra những quy định mang tính hình thức và không nên đi vào chi tiết quá vì còn rất nhiều việc phải làm khác để giúp cho thị trường BĐS phát triển mạnh hơn như đẩy mạnh sự phát triển của hiệp hội môi giới, làm sao cho các nhà môi giới Việt Nam tiếp cận với các nhà môi giới quốc tế cũng như đưa ra các văn bản luật chính xác và mở hơn cho doanh nghiệp...".
(Theo DNSG)