Nếu xét về chỉ số giá nhà tính trên thu nhập bình quân đầu người, thì Việt Nam hiện vẫn ở mức cao “khó với” so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Ở Việt Nam là 26,6; khu vực Nam Á là 6,25; Châu Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ là 6,25. Theo tính toán của Liên hợp quốc, chỉ số này vào khoảng 3 - 4 là hợp lý. Đây là một trong những nguyên nhân khiến hầu hết người làm công ăn lương, người thiếu nhà ở tại Việt Nam không thể mua nổi nhà ở, nhất là người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM cũng như các đô thị. Nguồn cung nhà ở ngày càng tăng, nhưng lại thiếu trầm trọng những căn nhà có giá hợp túi tiền của đa số người dân, nhất là nhà cho thuê.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, vừa yêu cầu Bộ Xây dựng và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu các giải pháp, mô hình mới thúc đẩy việc xây dựng nhà ở cho thuê nhằm giải tỏa tình trạng “đói nhà” của xã hội.
Theo đánh giá khách quan của các chuyên gia, mô hình nào cũng không dễ thành công nếu không “chữa trị” được những khiếm khuyết hiện nay của thị trường bất động sản. Những khiếm khuyết đã bộc lộ khá rõ. Những chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển nhà ở đã ban hành chỉ thông qua cho từng dự án, thông qua các doanh nghiệp kinh doanh nhà mà chưa trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng. Từ đó dẫn đến doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận, chỉ nhắm đến xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở có tiện nghi cao cấp, thu hồi vốn nhanh, tức là chỉ “chăm sóc” những khách hàng lắm tiền, nhiều của.
Bỏ mặc những người thu nhập thấp, người lao động trong các khu công nghiệp cùng cán bộ, công chức cho nhà nước lo. Cũng có phân khúc trên thị trường phát triển các căn hộ để “mua đứt bán đoạn”, nhưng Nhà nước chưa có chính sách khuyến khích phát triển nhà ở để cho thuê. Trong khi đó, ở hầu hết các nước giàu có, nhà ở để cho thuê dài hạn, thậm chí thuê cả đời là chuyện khá phổ biến. Kết quả tổng điều tra toàn quốc về nhà ở cho thấy, nhà ở để cho thuê chỉ chiếm tỷ lệ thấp. Nhà ở thuộc sở hữu tư nhân chiếm 92%; nhà ở cho thuê, cho mượn chỉ chiếm 6,5%, các hình thức khác chiếm tỷ lệ không đáng kể?
Riêng tại khu vực đô thị, nơi mà nhu cầu thuê nhà của người dân rất cao, nhưng tỷ lệ nhà cho thuê cũng chỉ chiếm 14,5%. Nước ta đã và đang tích cực triển khai nhiều chương trình nhà ở cho các đối tượng xã hội có khó khăn về nhà ở như người hưởng lương từ ngân sách, công nhân trong các khu công nghiệp, người thu nhập thấp ở thành thị. Song trên thực tế, những căn nhà đó vẫn lọt thỏm giữa “trùng điệp” các chung cư cao cấp, những căn hộ hoặc biệt thự.
Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng cũng thừa nhận một thực tế, những cặp vợ chồng trẻ tìm mọi cách kiếm tiền, vay mượn, chắt bóp để mua được một mái ấm. Có khi đến già vẫn ky cóp để trả nợ, trừ những người có thu nhập vượt trội. Theo quan điểm của người phương Tây “thuê hơn mua” nên người dân không bị thúc ép, áp lực trong cuộc sống phải sở hữu bằng được một căn nhà, căn hộ của riêng mình như một thứ tài sản. Một Giáo sư trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đồng tình cho rằng, phát triển nhà ở cho thuê là một “lối thoát” lâu dài giải quyết nhu cầu của nhiều tầng lớp dân cư. Muốn phát triển tốt nhà cho thuê, cần phải thay đổi tư duy từ nhà quản lý chính sách cho tới người dân về quan niệm “sắm nhà” sang thuê nhà.
Đô thị hóa nhanh, thu nhập tăng lên, phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt, rất cần bàn tay điều tiết của nhà nước trong lĩnh vực phát triển nhà ở, nhà cho thuê. Giá cả nhà ở vẫn cao so với thực tế, so với thu nhập và nhu cầu thực sự của người cần có chỗ ở. Bàn tay điều tiết cần phải cân bằng lợi ích và minh bạch.
(Theo ANTĐ)