Tính bình quân, để có 1 ha đất sạch giao cho nhà đầu tư, chi phí đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng lên đến 3 - 4 tỷ đồng. Nhưng, đó là trước đây, còn mức giá hiện nay cao hơn rất nhiều.
Song, với tình hình sử dụng đất tại các khu công nghiệp (KCN) lãng phí như hiện nay, một khoản đầu tư khổng lồ đang chôn theo KCN.
Chuyện thu hồi các KCN bỏ hoang cũng đã được các chuyên gia kinh tế đề cập đến. Nhưng, thu hồi không thể khắc phục lãng phí, vì chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn; đất bị bỏ hoang lâu ngày hoang hóa, phải cần thời gian và công sức cải tạo mới có thể sản xuất.
Lãng phí kép
Nếu KCN treo lãng phí một, các KCN được quy hoạch, làm hạ tầng bài bản vẫn bất động gây lãng phí đến bốn, năm. Thống kê, hiện tỷ lệ lấp đầy các KCN cả nước là 46% thì khu vực miền Trung, nơi nổi tiếng có nhiều KCN, con số này mới có 30%, vùng ĐBSCL chưa tới 25%.
Ông Huỳnh Văn Nuôi, Trưởng ban quản lý các KCN Bến Tre, cho rằng, khó khăn lớn trong phát triển các KCN của tỉnh là chi phí bồi thường, giải tỏa đất, trung bình 1,7 tỷ đồng/ha. Nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước, khó có đất sạch đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Nếu kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, giá cho thuê đất sẽ rất cao, càng khó thu hút nhà đầu tư và cũng khó cạnh tranh với các địa phương lân cận.
Trong khi đó, tính toán của Ban quản lý các KCN nhiều tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, để có 1ha đất sạch giao cho nhà đầu tư, chi phí bình quân không dưới 4 tỷ đồng. Còn theo TS Trần Thanh Bé, Viện trưởng Viện Kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ, đầu tư hạ tầng các KCN ở ĐBSCL rất tốn kém do nền đất yếu, khoảng 30% chi phí đầu tư đổ xuống dưới lòng đất mà không nhìn thấy. Nếu ở những vùng khác tốnhạ tầng giao thông 10 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng thì ở ĐBSCL phải tốn đến 13 tỷ đồng. “Vốn đầu tư cao cùng với chưa hoàn thiện khiến nhiều KCN, cụm công nghiệp ở ĐBSCL khó thu hút đầu tư, lâm vào cảnh hoang phí nhiều năm qua”, TS Bé nhận định.
Ngoài ra, tình trạng thiếu “nhạc trưởng” - địa phương nào cũng cố gắng quy hoạch, xây dựng KCN rồi dùng nhiều chủ trương thú hút đầu tư về địa phương mình mà thiếu sự liên kết, khiến nhiều KCN khó phát triển. “Vì chạy đua “trải thảm đỏ” nên nhiều địa phương đã hạ chuẩn giảm thuế, giảm giá thuê đất, dễ dãi về môi trường... kiểu “anh trải thảm đỏ dày 1 tấc thì tôi trải thảm đỏ dày 2 tấc”. Nhiều nhà đầu tư lợi dụng chỗ đó để gây sức ép với địa phương”, TS Bé nói.
Nhà đầu tư thiếu tiền
Các địa phương biện hộ nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ lấp đầy các KCN thấp là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, việc thu hút nhà đầu tư gặp khó khăn. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là các nhà đầu tư không có năng lực, có biểu hiện “xí” đất hoặc xin dự án để chuyển nhượng kiếm lời, kinh doanh bất động sản hơn là làm KCN.
Hiện hầu hết hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các KCN đều không hoàn thành theo tiến độ. Theo ông Lê Minh Châu, Trưởng ban quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năng lực tài chính của chủ đầu tư không đáp ứng yêu cầu đầu tư hạ tầng, cứ xin giấy phép đầu tư KCN rồi trông chờ vào việc cho thuê đất, sử dụng nguồn tài chính của nhà đầu tư thứ cấp (đơn vị thuê đất) để đầu tư cuốn chiếu các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Ông Trần Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Trung Nguyên - chủ đầu tư KCN Phan Thiết 2 - Bình Thuận, lại cho rằng, nếu không có những điều tiết từ chính sách tiền tệ, tôi lo khó kêu gọi được các nhà đầu tư thứ cấp đến các KCN. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay cơ sở hạ tầng yếu kém. Nhiều nhà đầu tư ngại bỏ vốn xây dựng nhà xưởng giai đoạn này.
Ngoài ra, sức hút đầu tư vào các KCN thấp còn do sự phân bố các KCN chưa cân đối vì thiếu một quy hoạch phát triển chung cho cả vùng. Gần như tất cả các KCN là KCN đa năng. Mỗi tỉnh, thành đều xây dựng vài KCN với những dự án kêu gọi đầu tư na ná nhau, nên mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Tình trạng nhà đầu tư thứ cấp đăng ký đầu tư vào KCN nhưng chậm triển khai cũng không phải hiếm. Bà Mai Thị Thùy Linh, Phó phòng Đầu tư (Ban Quản lý các KCN và chế xuất Đà Nẵng) dẫn chứng, trong 2 năm 2010 - 2011, đơn vị đã thu hồi 17 dự án, trong đó 8 dự án nước ngoài, do chậm triển khai. Mới đây, chúng tôi phải thu hồi 2 dự án đầu tư nước ngoài, trong đó có dự án chế biến thủy hải sản của công ty TNHH Rativiet vốn đầu tư 10 triệu USD được cấp giấy chứng nhận tháng 11/2009, nhưng nay vẫn chưa đến nhận giấy chứng nhận đầu tư!
(Theo Đất Việt)